Tọa đàm trực tuyến tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Ngày 30/7, báo Diễn đàn Doanh nghiệp - cơ quan của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp - Nhìn từ kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2013".
Ngày 30/7, báo Diễn đàn Doanh nghiệp – cơ quan của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp – Nhìn từ kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2013”.
Cuộc Tọa đàm đã đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2013: Nhờ việc triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhất là các giải pháp trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP của Chính phủ cũng như Nghị quyết các phiên họp của Chính phủ, nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực bước đầu: tăng trưởng GDP Quý II cao hơn Quý I; Sản xuất công nghiệp đã bắt đầu có chuyển biến, tồn kho giảm dần; Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển nhưng tốc độ chậm lại và còn nhiều khó khăn; Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã được cải thiện và số doanh nghiệp giải thể có tốc độ tăng giảm dần so với cùng kỳ các tháng trước đó…
Qua trao đổi, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều ý kiến đánh giá thực trạng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2013; đồng thời cung cấp thông tin dự báo, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp nhận biết và tận dụng cơ hội kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2013. Đặc biệt, khi trao đổi về Nghị quyết01 và 02 của Chính phủ, mặc dù các bộ ngành đã có những đề án hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh nhưng nhiều ý kiến cho rằng các giải pháp này chưa thật sự như kỳ vọng. TS. Lê Đăng Doanh – Chuyên gia kinh tế, Nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương cho biết: Chính phủ đã có nỗ lực lớn trong việc thực hiện Nghị quyết01 và 02. Trong kỳ họp nào, Chính phủ cũng đều kiểm điểm việc này. Bên cạnh đó, các bộ cũng có đề án, chỉ thị hỗ trợ. Như chúng ta đã biết quy mô của việc miễn giảm thuế, hoãn tiền thuê đất, các biện pháp của Chính phủ là đáng kể. Ở nhiều tỉnh, quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hoạt động rất tích cực. Tuy vậy, ông Lê Đăng Doanhcũng cho rằng việc triển khai đề án của các bộ chưa đồng đều. Các bộ, các tỉnh nên có những giải pháp làm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi đã có nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, lương, chi phí đến mức tối đa. Theo ông Lê Đăng Doanh,việc thực hiện Nghị quyết 01 và 02 cầnđược đẩy mạnh và khâu giám sát doanh nghiệp cần được thực hiện tốt hơn nữa.
Hình ảnh tại buổi toạ đàm (Ảnh: B.V) |
Còn theo TS. Nguyễn Minh Phong, Nghị quyết 01- 02 và các đề nghị khác của các bộ ngành đều tập trung vào việc giảm thiểu 3 gánh nặng cho doanh nghiệp: tài chính, lãi suất và thể chế hành chính. Đó là những hỗ trợ cần thiết, đúng đắn và cần được duy trì trong thời gian tới. Ông đánh giá cao những hỗ trợ cho doanh nghiệp, trên thực tế đã tạo một số hiệu ứng tích cực, nhiều doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động. 20% doanh nghiệp đã cảm nhận được những hỗ trợ tích cực từ những chính sách hỗ trợ này, 25% doanh nghiệp cảm nhận được những cơ hội thị trường mới. Tuy nhiên trên thực tế, những hiệu ứng tích cực vẫn còn khiêm tốn do những hạn chế ngay từ mức độ, quy trình, đối tượng hỗ trợ, cũng như do nguyên nhân từ bản thân hạn chế của doanh nghiệp trong định hướng tái cấu trúc; cũng như trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn. TS. Nguyễn Minh Phong bày tỏ hy vọng, cùng với sự chuyển sáng của bối cảnh cũng như nỗ lực mới từ doanh nghiệp và sự triển khai trên thực tế những hỗ trợ về lãi suất, tín dụng…, các doanh nghiệp sẽ có những chuyển hướng tích cực hơn từ cuối năm nay và đặc biệt rõ nét hơn sẽ vào giữa năm 2014.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phụng – Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính cho rằng: Sản xuất kinh doanh là gốc của mọi vấn đề trong giải quyết tăng trưởng, việc làm và an sinh xã hội. Đây là công việc mà các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm trong 6 tháng vừa qua khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ. Các giải pháp thuế để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường giải quyết nợ xấu đã đáp ứng được yêu cầu của gần 90% các doanh nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế khi các giải pháp về giãn thuế, giảm tiền thuê đất, hoàn thuế bảo vệ môi trường, giảm lệ phí trước bạ theo thông tư số 16 của Bộ Tài chính được triển khai thực hiện kịp thời và thống nhất trong cả nước… Tuy nhiên các giải pháp về thuế không thể thỏa mãn được nhu cầu của tất cả các doanh nghiệp vì có những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa không được hưởng, hoặc được hưởng ít gói ưu đãi này thấp hơn mức mà họ mong muốn. Trong điều kiện toàn bộ nền kinh tế gặp khó khăn, tất cả các doanh nghiệp đều khó khăn nhưng trong điều kiện nguồn lực có hạn Chính phủ đã chọn ra những doanh nghiệp khó khăn nhất đó là những doanh nghiệp có quy mô dưới 20 tỷ đồng nhưng là số đông, có đóng góp nhiều đối với vấn đề việc làm, thu nhập của người lao động thì sẽ được ưu tiên nhiều hơn. Còn những doanh nghiệp trên 20 tỷ đồng thì được hưởng theo tiêu chí sử dụng nhiều lao động trong những lĩnh vực dệt may, da giày, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội. Nghị quyết 01 và 02 đã đáp ứng được yêu cầu của đại bộ phận doanh nghiệp nhưng chưa thỏa mãn được tất cả các nhu cầu của tất cả các doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp lớn, đó cũng là điều dễ hiểu và chúng ta cần sự chia sẻ giữa nhà nước và doanh nghiệp trên nhiều giác độ.
Tại buổi đối thoại trực tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Dương Thái cũng giải đáp một số thắc mắc về tiêu chí và điều kiện để trở thành doanh nghiệp ưu tiên như: đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giầy, doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tối thiểu đạt 50 triệu USD/năm, đáp ứng các điều kiện quy định tại Chương II Thông tư 86 thì có thể gửi đơn đến Tổng cục Hải quan (Cục Kiểm tra sau thông quan) để được giải quyết…
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()