Tọa đàm tăng quan hệ hữu nghị nhân dân Việt-Nhật
Trong khuôn khổ Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam-Nhật Bản 2013, chiều 20/9, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản Nghiêm Vũ Khải, Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam, ngài Furuta Motoo đã chủ trì tọa đàm về tăng cường quan hệ hữu nghị nhân dân Việt Nam-Nhật Bản.
Trong khuôn khổ Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam-Nhật Bản 2013, chiều 20/9, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản Nghiêm Vũ Khải, Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam, ngài Furuta Motoo đã chủ trì tọa đàm về tăng cường quan hệ hữu nghị nhân dân Việt Nam-Nhật Bản.
Tham dự có Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng; Ngài Tomiichi Muarayama, nguyên Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Hội đồng hòa bình hữu nghị Nhật-Việt cùng đông đảo đại biểu Việt Nam và Nhật Bản.
Gắn bó với Việt Nam từ những năm tháng chiến tranh
Những tham luận của các đại biểu đến từ Nhật Bản là những dòng hồi ức quay trở lại những năm tháng Việt Nam bị chiến tranh hay những hoạt động hỗ trợ Việt Nam được tiếp nối một cách liên tục suốt mấy chục năm qua cho đến hiện nay, từ khắc phục hậu quả chiến tranh, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, hay những hoạt động thiết thực hỗ trợ lưu học sinh Việt Nam đang du học tại Nhật Bản, về việc cần tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị hợp tác tốt đẹp giữa nhân dân hai nước…
Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật-Việt chia sẻ Hội có 20 chi hội hoạt động 20 tỉnh, thành phố của Nhật Bản. Thành lập từ năm 1955, các hội viên Nhật Bản đã từng tham gia phản đối chiến tranh, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam trước đây.
Đại biểu đến từ Hội đồng hòa bình hữu nghị Nhật-Việt, ông Onishi Shigeharu cho biết năm 1995 Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh mời đoàn đại biểu Hội đồng hòa bình Nhật Bản thăm Việt Nam nhân kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Đến thăm Làng Hòa Bình, Thanh Xuân, Hà Nội, chứng kiến những khó khăn mà những nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phải gánh chịu, về nước các đại biểu của tổ chức này đã vận động quyên góp tiền giúp người dân Việt Nam thông qua các buổi biểu diễn nghệ thuật.
Năm 2013 là năm thứ 18, Hội đồng hòa bình hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam thực hiện các công việc từ thiện tại Việt Nam. Hội đã hỗ trợ xây dựng cơ sở y tế, trung tâm phục hồi chức năng, đào tạo nghề cho người tàn tật tại các tỉnh như Quảng Trị, Thái Bình…
Cùng thúc đẩy mối tình hữu nghị
Giáo sư Takashi Kamata, Chủ tịch Hội hữu nghị Okinawa-Việt Nam cho biết, là một trong những thành viên tích cực của Hội hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam, Hội đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ học bổng cho các học sinh Việt Nam, tăng cường các hoạt động từ thiện hỗ trợ người nghèo, triển khai các hoạt động giao lưu, văn hóa nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân Okinawa với nhân dân Việt Nam.
Theo ông Takashi Kamata, mối quan hệ giữa nhân dân Okinawa và Việt Nam nói riêng cũng như nhân dân Nhật Bản và Việt Nam nói chung có truyền thống lâu đời. Trong thời gian tới, để tăng cường và thúc đẩy mối quan hệ giữa nhân dân Okinawa và nhân dân Việt Nam, nhân dân hai nước cần thường xuyên tổ chức các hoạt động trao đổi giao lưu văn hóa, xúc tiến thương mại, phổ cập ngôn ngữ…
Đại biểu đến từ Hội quán đạo đức Nhật Bản, ông Aoki Takeshi cho biết, lần thứ nhất ông đến Việt Nam vào năm 2007. Ông rất ngạc nhiên vì Việt Nam có rất nhiều tượng Phật. “Người Việt Nam có tâm hiền và trong sáng” là cảm nhận của ông từ đó đến nay.
Theo ông, mối quan hệ hai nước cần phải được gìn giữ và phát huy đến các thế hệ trẻ nên từ năm 2007 đến nay, Hội quán đạo đức Nhật Bản đã gây quỹ hỗ trợ học bổng dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội, Hưng Yên, Hòa Bình, Điện Biên.
Tại Thủ đô Tokyo của Nhật Bản, Hội quán có văn phòng đại diện – là nơi các lưu học sinh Việt Nam có thể đến để chia sẻ những tâm tư tình cảm của mình để vượt qua nỗi nhớ nhà, cố gắng phấn đấu trong học tập, nghiên cứu…
Trong tham luận về hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng Trịnh Thanh Sáu cho biết hiện nay, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Đà Nẵng và Nhật Bản diễn ra sôi nổi, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Đà Nẵng đã xây dựng được tình cảm hữu nghị, thiện chí và môi trường văn hóa chính trị, ngoại giao trọng thị uy tín với Nhật Bản.
Tính đến năm 2013, Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị, hợp tác với 7 tỉnh, thành phố của Nhật gồm Kawasaki, Sakai, Mitsuke, Nagasaki, Yokohama, Nagoya và Shuman.
Ông Trịnh Thanh Sáu cũng cho biết Đà Nẵng là một trong những điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản, tính đến nay, thành phố đã có hơn 90 doanh nghiệp và văn phòng đại diện của Nhật Bản đang hoạt động ổn định và hiệu quả với tổng số vốn đầu tư đạt 370 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 30.000 lao động…
Nhiều dự án của Nhật Bản tại thành phố này đang phát huy hiệu quả như: hầm đường bộ Hải Vân, cảng Tiên Sa, các công trình xử lý nước thải, nước mưa, giao thông đô thị…
Để thu hút những nhà đầu tư Nhật Bản, thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực cải thiện chính sách thu hút đầu tư cũng như nâng cao trình độ nguồn nhân lực. Hội hữu nghị thành phố tiếp tục sẽ là cây cầu nối thúc đẩy các mối quan hệ giao lưu, hợp tác văn hóa, giáo dục giữa các tổ chức của Đà Nẵng với các đối tác Nhật Bản.
Tại tọa đàm, các đại biểu Nhật Bản và Việt Nam đều thống nhất cho rằng Việt Nam và Nhật Bản vốn có quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa lâu đời, lại có rất nhiều điểm tương đồng về văn hóa… Đây chính là cơ sở, điều kiện thuận lợi để hai dân tộc tăng cường giao lưu, thúc đẩy sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau cũng như mở rộng và thúc đẩy sự hợp tác./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()