Tọa đàm giáo dục Việt Nam-Trung Quốc: thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn
Giáo dục và Khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu phục vụ phát triển xã hội và xây dựng đất nước là quan điểm được các học giả và các nhà hoạch định chính sách giáo dục của hai nước Việt Nam và Trung Quốc nhất trí tại buổi tọa đàm “Chính sách giáo dục Việt Nam-Trung Quốc” diễn ra chiều 11-12 tại Hà Nội.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng phát biểu: Trong khuôn khổ “Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt- Trung lần thứ nhất” nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam-Trung Quốc, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội hữu nghị Đối ngoại nhân dân Trung Quốc, Hội hữu nghị Việt – Trung và Hội hữu nghị Trung – Việt đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm để các chuyên gia, các nhà quản lý, các cán bộ giáo dục hai nước hiểu sâu hơn về tình hình và việc thực hiện các chính sách giáo dục của hai bên cũng như chia sẻ những kinh nghiệm trong việc thúc đẩy sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực của từng nước.
Vấn đề hợp tác giáo dục là chủ đề được các chuyên gia rất quan tâm.
Bà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội Việt Nam nói: hai nước Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có hai nền văn hóa khá tương đồng, bởi vậy sự giao lưu sâu rộng hơn nữa trong vấn đề giáo dục sẽ tạo cơ hội rất tốt cho việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của nhau.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, Trung Quốc có chính sách giáo dục khá toàn diện mà Việt Nam có thể học hỏi, hợp tác, đặc biệt là chính sách tranh thủ các nhà khoa học Hoa kiều ở nước ngoài về cống hiến cho đất nước.
“Có rất nhiều nhà khoa học người Hoa được giải thưởng Nobel không mang quốc tịch Trung Quốc, song Trung Quốc đã tạo mọi điều kiện để họ về giúp đỡ Trung Quốc, kể cả những Hoa kiều ở Đài Loan cũng được tranh thủ rất tốt.”
Tại Trung Quốc, những Hoa kiều nào có công giúp đỡ các phòng thí nghiệm trong nước thì những phòng thí nghiệm này mang tên những người đó và ở đó sẽ có có ảnh, có tượng của họ. Đó là sự khuyến khích Hoa kiều đem khả năng chất xám từ các nước phát triển về cho Trung Quốc.
Giáo dục Việt Nam cũng có thể học tập ở Trung Quốc kinh nghiệm phổ cập giáo dục, cách điều chỉnh chương trình giáo dục phù hợp với mọi đối tượng người dân, cách phân loại các trường Đại học cũng như cách đào tạo sinh viên theo trình độ hay mục đích phục vụ công việc sau đó.
Quan điểm của giáo sư Nguyễn Lân Dũng là khuyến khích sinh viên Việt Nam đi học ở Trung Quốc bởi học phí và sinh hoạt rẻ. Thêm vào đó, không như các nước phương Tây có chính sách thu hút người tài là người nước ngoài bằng chính sách cho nhập cư, Trung Quốc không giữ lại cán bộ. Sinh viên Việt Nam đi du học ở Trung Quốc hầu hết đều trở về nước làm việc.
Bà Đàm Tiểu Hòa, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế Đại học Quảng Tây cho biết hiện du học sinh Việt Nam chiếm tới 75% số lưu học sinh nước ngoài tại đây.
Bà cũng mong muốn sự hợp tác giáo dục song phương trong hơn 50 năm qua sẽ được thúc đẩy hơn nữa trên nền tảng sẵn có hiện nay như chính sách giảm 30% học phí cho sinh viên Việt Nam du học tại Trung Quốc. Bà cho biết: “Chính sách ưu đãi này chỉ dành cho sinh viên Việt Nam mà sinh viên nước ngoài khác không nhận được”.
Hiện, Trường Đại học Quảng Tây đã kết nghĩa với Trường Đại học Hà Nội và hai trường đang tiến tới thực hiện dự án xây dựng Học viện Khổng tử tại Hà Nội.
Cô Tư Đồ Liễu Thần tại Học viện Chính pháp Quảng Tây – người đã từng học tại Việt Nam và có hơn bốn năm dạy tiếng Việt cho sinh viên Trung Quốc hy vọng sau buổi tọa đàm cũng như chuyến giao lưu lần này, hợp tác giáo dục song phương sẽ được tăng cường hơn nữa, đặc biệt là việc dạy tiếng Việt cho sinh viên Trung Quốc và dạy tiếng Trung Quốc cho sinh viên Việt Nam.
Ý kiến ()