Tòa án phán quyết ông Trump có quyền miễn trừ tổng thống, ông Biden nói gì?
Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng Tòa án tối cao tạo ra "tiền lệ nguy hiểm" khi phán quyết ông Trump có quyền miễn trừ tổng thống đối với một số hành vi bị cáo buộc.
Tổng thống Joe Biden đã chỉ trích Tòa án tối cao, kêu gọi công dân Mỹ "phản đối" phán quyết của tòa cho rằng các tổng thống có "quyền miễn trừ tuyệt đối" đối với các hành động chính thức của họ. Trong trường hợp này là ông Trump được hưởng quyền.
Ông Biden chỉ trích quyết định của tòa án là "một nguyên tắc cơ bản mới" và là "tiền lệ nguy hiểm vì quyền lực của chức vụ này sẽ không còn bị luật pháp hạn chế nữa".
"Không có vua ở Mỹ. Mỗi người, mỗi chúng ta đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai, không ai đứng trên luật pháp, ngay cả tổng thống Mỹ”, ông Biden tuyên bố.
Tòa án tối cao Mỹ hôm 1/7 ra phán quyết giải quyết một loạt cáo buộc chống lại cựu Tổng thống Donald Trump.
Các công tố viên liên bang đã buộc ông Trump bốn tội danh liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, cáo buộc rằng ông “âm mưu” lật ngược kết quả bằng cách truyền bá “những tuyên bố cố ý sai sự thật” về gian lận để cản trở việc thu thập, kiểm phiếu và chứng nhận kết quả.
Trong phán quyết với tỉ lệ bầu chọn 6-3, tòa án cho biết: “Theo cấu trúc hiến pháp của chúng ta về các quyền lực riêng biệt, bản chất quyền lực tổng thống cho phép một cựu tổng thống được miễn trừ tuyệt đối khỏi bị truy tố hình sự đối với các hành động nằm trong thẩm quyền hiến pháp. Ông ta ít nhất có quyền được miễn trừ truy tố đối với tất cả các hành vi chính thức của mình. Không có quyền miễn trừ đối với các hành vi không chính thức".
Quyết định này có lợi cho cựu Tổng thống Trump - khi liên quan đến các dòng trạng thái mạng xã hội của ông gửi tới công chúng Mỹ vào ngày 6/1 và các cuộc trò chuyện với Phó tổng thống lúc bấy giờ là Mike Pence về việc chứng nhận kết quả bầu cử, vì cả hai hành vi đó rõ ràng đều nằm trong phạm vi nhiệm vụ chính thức.
Tuy nhiên, phán quyết cho phép các tòa án cấp dưới tổ chức các phiên điều trần có bằng chứng để xác định hành động nào của Trump có thể là không chính thức, chẳng hạn như khi ông liên lạc với các quan chức bầu cử tiểu bang và địa phương về cuộc bỏ phiếu năm 2020.
Tòa án cảnh báo: “Tổng thống không đứng trên pháp luật. Nhưng theo hệ thống quyền lực riêng biệt của chúng ta, Tổng thống có thể không bị truy tố vì thực hiện các quyền lực hiến pháp cốt lõi của mình và ông ấy ít nhất có quyền được miễn truy tố vì các hành vi chính thức của mình”.
Ông Trump từng thách thức kết quả cuộc bầu cử năm 2020 - được đánh dấu bằng một loạt thủ tục bất thường, được thông qua trong đại dịch COVID-19 và có thể bị gian lận, chỉ ra sự chậm trễ trong việc kiểm phiếu gửi qua thư có lợi cho đảng viên đảng Dân chủ Joe Biden sau khi các cuộc thăm dò đã kết thúc ở một số bang.
Đảng Dân chủ nhấn mạnh rằng cuộc bầu cử là cuộc bầu cử an toàn và hợp pháp nhất từ trước đến nay và bất kỳ nghi vấn nào về kết quả đều là một cuộc tấn công vào nền dân chủ.
Ý kiến ()