Tòa án Nhân dân tỉnh: Cải cách hành chính tư pháp nhờ ứng dụng công nghệ thông tin
(LSO) – Từ năm 2015 đến nay, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Lạng Sơn ứng dụng mạnh mẽ và hiệu quả hệ thống giao ban trực tuyến và hệ thống giám sát trực tuyến. Sau 3 năm, 2 hệ thống góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện tốt mục tiêu cải cách hành chính tư pháp đến năm 2020.
Giảm công sức đi lại
Năm 2015, bằng nguồn kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên của đơn vị, TAND tỉnh đi đầu trong ngành tòa án cả nước triển khai hệ thống giao ban trực tuyến với 11 TAND cấp huyện.
Thông qua hội nghị giao ban, quán triệt văn bản trực tuyến, lãnh đạo TAND tỉnh kịp thời nắm bắt tiến độ công tác và những khó khăn, vướng mắc của từng đơn vị để chỉ đạo xử lý. Qua đây, cán bộ, công chức (CBCC) TAND 2 cấp có thể cập nhật nhanh chóng, đầy đủ các văn bản mới và ý kiến chỉ đạo, nhiệm vụ công tác từng tuần, từng tháng để triển khai công việc được giao đúng định hướng, sát kế hoạch, mục tiêu đề ra.
Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 10/2018 giữa TAND tỉnh với TAND 11 huyện, thành phố
Chị Lương Thị Mỹ Hạnh, Phó Chánh án TAND huyện Cao Lộc cho biết: “Trước khi có hệ thống này, lãnh đạo đơn vị đều đặn đến TAND tỉnh 3 lần/tuần nghe quán triệt văn bản đầu giờ sáng và mỗi quý đến TAND tỉnh 1 lần dự hội nghị giao ban. Sau các cuộc họp, có những lúc, chúng tôi không thể truyền đạt và triển khai đầy đủ các văn bản mới, ý kiến chỉ đạo, kết luận của lãnh đạo TAND tỉnh đến CBCC trong đơn vị nên CBCC nắm bắt văn bản, thông tin không đầy đủ dẫn đến hiệu quả công việc không cao, chậm tiến độ. Từ năm 2015 đến nay, nhờ giao ban và nghe quán triệt văn bản qua hội nghị trực tuyến, không chỉ có lãnh đạo mà toàn thể CBCC trong đơn vị đều được dự họp ngay tại phòng họp của cơ quan. Chúng tôi không mất công sức đi lại đến TAND tỉnh họp, không mất thời gian quán triệt lại tinh thần cuộc họp đến CBCC”.
Phiên tòa đảm bảo công khai, minh bạch
Cuối năm 2016, TAND tỉnh bố trí trên 900 triệu đồng triển khai lắp đặt hệ thống giám sát phiên tòa trực tuyến thí điểm tại TAND tỉnh, TAND thành phố, TAND huyện Cao Lộc và TAND huyện Lộc Bình. Hệ thống này được kết nối đến các điểm quan sát lắp đặt tại phòng làm việc của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Chánh án TAND tỉnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh và chánh án TAND 3 đơn vị cấp huyện được lắp đặt.
Nhờ hệ thống, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh và cơ quan kiểm sát tỉnh có thể giám sát trực tuyến việc xét xử các phiên tòa phức tạp, nhạy cảm, được xã hội quan tâm. TAND tỉnh cũng giám sát nội bộ được 100% phiên tòa xét xử tại các hội trường được lắp đặt thiết bị giám sát với 211 phiên tòa. Chị Nguyễn Thị Hưng, Thẩm tra viên Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án, TAND tỉnh cho biết: Qua hệ thống giám sát, công tác tổ chức phiên tòa và chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa được nâng lên rõ rệt. Hội đồng xét xử nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn. Thẩm phán các phiên tòa cũng chuẩn bị chu đáo kế hoạch xét hỏi, có tác phong và kỹ năng điều khiển phiên tòa tốt hơn so với trước. Quan trọng hơn là phiên tòa đảm bảo công khai, dân chủ, nghiêm minh theo yêu cầu cải cách tư pháp.
Bà Hoàng Thị Thu Hường, Chánh Văn phòng TAND tỉnh cho biết: Việc ứng dụng 2 hệ thống trên góp phần nâng cao chất lượng tất cả các mặt công tác của TAND 2 cấp. Đồng thời nâng cao năng lực, trình độ của CBCC ngành tòa án tỉnh. Thời gian tới, TAND tỉnh tiếp tục nghiên cứu triển khai thêm một số phần mềm, hệ thống công nghệ thông tin để nâng cao hơn nữa chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ.
Năm 2017, TAND 2 cấp thụ lý 2.362 vụ, trong đó giải quyết được 2.356 vụ, đạt trên 99%, vượt chỉ tiêu 9%. Từ đầu năm 2018 đến nay, TAND 2 cấp thụ lý 3.371 vụ, trong đó đã giải quyết 2.948 vụ, đạt 87,5%. Tỷ lệ án hủy, sửa giảm mạnh và thấp hơn chỉ tiêu cho phép của TAND tối cao. Không xảy ra việc kết án oan hoặc bỏ lọt tội phạm, không có án quá hạn luật định, không có bản án tuyên không rõ ràng khó thi hành. |
Ý kiến ()