Tòa án nhân dân huyện Cao Lộc: Nâng cao chất lượng xét xử án hình sự
LSO-Trong những năm qua, tình hình tội phạm trên địa huyện Cao Lộc có những diễn biến phức tạp và là địa phương có số lượng án hình sự lớn…Để góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân, một trong những nhiệm vụ được Tòa án nhân dân (TAND) huyện Cao Lộc đặc biệt quan tâm là nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự.
Các bị cáo trong vụ án ma túy trước vành móng ngựa (TAND huyện Cao Lộc xét xử) |
Năm 2012, đơn vị thụ lý 94 vụ án hình sự, đã giải quyết 94 vụ án, đạt 100%. Từ đầu năm 2013 đến nay, đơn vị thụ lý trên 100 vụ án hình sự, đã giải quyết đạt trên 95%. Phấn đấu trong năm 2013, đơn vị tiếp tục giải quyết án hình sự đạt 100%. Các vụ án hình sự đều được TAND huyện xét xử đúng thời gian luật định, không có vụ án nào để quá hạn. Các phiên tòa đảm bảo sự tôn nghiêm, dân chủ và văn minh. Việc định tội danh và áp dụng mức phạt đúng, sát với hành vi và nhân thân các bị cáo, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Không để xảy ra hiện tượng bỏ lọt tội phạm và cũng không xử oan người vô tội. Áp dụng hình phạt thỏa đáng đối với từng bị cáo trong từng vụ án. Các bị cáo được hưởng án treo đều đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật…
Đạt được kết quả nêu trên là do những năm qua, đơn vị đã không ngừng nỗ lực, cố gắng nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự. Hàng năm, đơn vị đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thẩm phán trong giải quyết các vụ án hình sự. Sau khi giao nhiệm vụ, lãnh đạo đơn vị thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các thẩm phán thực hiện nhiệm vụ. Để không ngừng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ xét xử, cán bộ, thẩm phán thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Đơn vị thường xuyên tổ chức họp trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ giữa các thẩm phán, đưa ra những tình huống cụ thể để thảo luận về cách nghiên cứu hồ sơ sao cho hiệu quả, chuẩn bị đề cương điều khiển phiên tòa, lập kế hoạch xét hỏi phù hợp, nghiên cứu đưa ra được những câu hỏi thể hiện tính khách quan. Ông Phạm Văn Tuệ, Chánh án TAND huyện Cao Lộc cho biết: Trước khi đưa vụ án ra xét xử, các thẩm phán được phân công nhiệm vụ đều báo cáo lãnh đạo tình tình, nội dung, hướng giải quyết vụ án. Đối với những vụ án phức tạp, các thẩm phán đều chủ động, kịp thời báo cáo lãnh đạo xin ý kiến chỉ đạo giải quyết. Trong quá trình xét xử, TA đã tạo mọi điều kiện đảm bảo cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của mình. Luật sư và những người tham gia tố tụng được trình bày hết ý kiến. Phán quyết của TA căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, các ý kiến của kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng khác. Vì vậy chất lượng xét xử không ngừng được nâng cao. Cùng với đó, do thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành giữa công an, viện kiểm sát và TA trong giải quyết án hình sự nên từ năm 2011 đến nay, không có trường hợp nào đơn vị phải trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung.
Ngoài các yếu tố về chuyên môn, nghiệp vụ, để xét xử thành công một vụ án hình sự, khâu chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất luôn được đơn vị chú trọng thực hiện như: chuẩn bị đầy đủ hệ thống âm thanh để những trường hợp vụ án có nhiều người tham dự, không vào được phòng xét xử cũng theo dõi được phiên tòa. Đặc biệt là đối với các vụ án hình sự được chọn tổ chức đưa đi xét xử lưu động, đơn vị luôn phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan tổ chức ở địa phương nơi mở phiên tòa để đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đặc biệt là công tác bảo vệ và hệ thống âm thanh. Vì vậy, các vụ án xét xử tại trụ sở TA cũng như xét xử lưu động đều thành công.
Với những nỗ lực, cố gắng đó, từ năm 2011 đến nay, TAND huyện Cao Lộc không có án hình sự bị hủy, tỷ lệ kháng cáo thấp, cấp phúc thẩm sửa án phần lớn đều không do lỗi chủ quan của thẩm phán. Theo quy định, tỷ lệ án sửa tối đa không quá 3,4%, những năm qua, tỷ lệ án sửa của đơn vị đều dưới 3%.
Ý kiến ()