Tòa án nhân dân huyện Cao Lộc: Nâng cao chất lượng xét xử
(LSO) – Nhằm nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo nguyên tắc, thủ tục tố tụng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có án oan, không bỏ lọt tội phạm, thời gian qua, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Cao Lộc đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực.
Mặc dù án tăng về số lượng nhưng TAND huyện đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các loại án, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ông Phùng Đức Chính, Chánh án TAND huyện Cao Lộc cho biết: Để nâng cao chất lượng xét xử, chúng tôi đã tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, văn bản chỉ đạo của tòa án cấp trên. Tiếp tục thực hiện tốt 14 giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử của TAND tối cao đề ra, trong đó lựa chọn, tập trung thực hiện 5 giải pháp đột phá của đơn vị là: đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của tòa án, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong các vụ án dân sự, tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hình sự tại TAND huyện Cao Lộc ngày 2/4/2019
Theo tinh thần cải cách tư pháp, việc xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được đổi mới, bảo đảm khách quan, mọi người tham gia tố tụng đều bình đẳng trước pháp luật. Ông Phạm Công Đức, thẩm phán TAND huyện Cao Lộc chia sẻ: Trước khi xét xử, tôi luôn tìm hiểu, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, nếu như trước đây, các phiên tòa nặng về thẩm vấn thì bây giờ chú trọng việc tranh tụng. Các phán quyết của chủ tọa luôn căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo và những người tham gia tố tụng, qua đó tuyên bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
TAND huyện luôn chú trọng tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Trong năm 2018, TAND huyện đã tổ chức 11 phiên tòa rút kinh nghiệm (vượt chỉ tiêu 1 phiên tòa). Qua đó, chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần rút kinh nghiệm về nghiệp vụ như: việc điều hành phiên tòa của thẩm phán chủ tọa phiên tòa, các kỹ năng điều hành tranh tụng, xét hỏi, xử lý các tình huống xảy ra tại phiên tòa; tác phong, trang phục, lời lẽ ứng xử, bản lĩnh nghề nghiệp của các thành viên hội đồng xét xử, việc áp dụng pháp luật trong giải quyết các vụ án và tính thuyết phục của bản án đã tuyên.
Bên cạnh đó, trong giải quyết, xét xử các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, TAND huyện hướng dẫn đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ về cung cấp chứng cứ, tài liệu; chủ động xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định, bảo đảm không có bản án, quyết định tuyên không rõ ràng, gây khó khăn trong công tác thi hành án dân sự. Đặc biệt, trong giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, tòa luôn quan tâm đến công tác hòa giải, qua đó tạo điều kiện cho các đương sự, người tham gia tố tụng tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết các vấn đề có tranh chấp thấu tình, đạt lý. Tỷ lệ hòa giải thành trong các vụ án dân sự năm 2018 đạt 84%, vượt chỉ tiêu giao 19%.
Bằng những giải pháp thiết thực, TAND huyện Cao Lộc luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, không để tình trạng án tồn đọng, án oan sai. Kết quả năm 2018, TAND huyện đã thụ lý 306 vụ việc các loại (tăng 54 vụ, việc so với năm 2017), giải quyết 304 vụ việc, đạt tỷ lệ 99%, vượt 4% so với chỉ tiêu đề ra. Trong quý I năm 2019, TAND huyện đã thụ lý 75 vụ việc các loại, đã giải quyết được 30 vụ việc, đạt tỷ lệ 40%, các vụ còn lại đang tiếp tục giải quyết. Trong số các vụ án đã giải quyết trong quý I, không có vụ án nào có kháng cáo, kháng nghị.
Ý kiến ()