Toà án Nhân dân 2 cấp trong tỉnh: Chú trọng tổ chức phiên tòa trực tuyến
– Ngay sau khi Nghị quyết số 33/2021/QH15, ngày 12/11/2021 của Quốc hội quy định về tổ chức phiên tòa trực tuyến được ban hành, Tòa án Nhân dân (TAND) 2 cấp trong tỉnh đã nghiêm túc tiếp thu, nhanh chóng triển khai thực hiện và bước đầu đã đem lại kết quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bà Chu Lệ Hường, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án TAND tỉnh cho biết: Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được kết nối giữa điểm cầu trung tâm tại trụ sở toà án với các điểm cầu thành phần được đặt tại địa điểm khác qua hệ thống đường truyền chuyên dụng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng như tham gia trực tiếp tại hội trường xét xử, các điều kiện về hình ảnh, âm thanh đều được đảm bảo, các bước trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa được thực hiện theo đúng quy định. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến giúp tiết kiệm chi phí trích xuất, dẫn giải bị cáo, chi phí đi lại của các đương sự, bị hại, người liên quan… Toàn bộ quá trình xét xử được ghi âm, ghi hình và lưu trữ, tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền thực hiện quyền giám sát công tác xét xử, các đơn vị tòa án sử dụng làm tư liệu rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử.
Toà án Nhân dân huyện Chi Lăng tổ chức phiên toà trực tuyến xét xử bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản
Vì vậy, triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Quốc hội quy định về tổ chức phiên tòa trực tuyến và các văn bản hướng dẫn thi hành, TAND tỉnh Lạng Sơn đã chủ động chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác tuyên truyền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của TAND tối cao. Ngay từ đầu tháng 1/2022, TAND tỉnh được lựa chọn là điểm cầu thành phần của một trong các phiên toà xét xử trực tuyến đầu tiên trên toàn quốc.
Cùng đó, Ban Cán sự đảng TAND tỉnh đã có văn bản đề nghị Thường trực Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị TAND hai cấp mua sắm trang thiết bị để tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết 33 của Quốc hội. TAND các huyện, thành phố cũng đã chủ động đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức thành công phiên tòa trực tuyến. Tiêu biểu trong công tác này là TAND huyện Chi Lăng.
Bà Trương Thị Hương Giang, Chánh án TAND huyện Chi Lăng cho biết: Bên cạnh tận dụng những điều kiện sẵn có, đơn vị đã chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương, phối hợp với các ngành, doanh nghiệp hỗ trợ về mặt kỹ thuật và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện. Trước mỗi phiên tòa, chúng tôi phối hợp VNPT huyện chuẩn bị về đường truyền, bố trí cán bộ kỹ thuật trực ở các điểm cầu đảm bảo đường truyền ổn định, thông suốt trong quá trình xét xử từng vụ án. Qua đó, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Trong năm 2022, TAND huyện đã tổ chức thành công 9 phiên tòa trực tuyến xét xử các bị cáo phạm tội về ma túy, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định khi tham gia giao thông…
Theo thống kê của TAND tỉnh, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 của Quốc hội đến nay, TAND 2 cấp trong tỉnh đã tổ chức được gần 60 phiên tòa trực tuyến, chủ yếu là xét xử vụ án hình sự. Đáng chú ý, thực hiện yêu cầu của TAND tối cao về việc từ ngày 1/8 đến 30/9/2022, mỗi đơn vị TAND phải tổ chức ít nhất từ 3 phiên tòa trực tuyến trở lên, hầu hết các đơn vị TAND trên địa bàn đã tổ chức thực hiện đạt yêu cầu đề ra. Trong đó, TAND tỉnh đã tổ chức được 5 phiên toà trực tuyến, vượt 2 phiên toà so với yêu cầu TAND tối cao đề ra và được đánh giá là một trong các địa phương trong cả nước thực hiện tốt chỉ tiêu thi đua này.
Được biết, các đơn vị toà án trong tỉnh đều tận dụng trang thiết bị hiện có, tiết kiệm chi để thuê thêm thiết bị, phối hợp với đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thành công phiên tòa trực tuyến. Quá trình tổ chức các phiên tòa đường truyền ổn định, đạt yêu cầu đề ra, các trình tự, thủ tục tuân thủ đúng quy định, đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật.
Tuy nhiên, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến chủ yếu để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng. Thêm vào đó, hầu hết mỗi phiên tòa các đơn vị phải thuê, mượn trang thiết bị và đội ngũ kỹ thuật. Do vậy, thời gian tới, TAND tỉnh và TAND các huyện, thành phố mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ các điều kiện để các phiên tòa trực tuyến được thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Qua đó, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng tòa án điện tử, cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay, đồng thời hưởng ứng chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số của trung ương và của tỉnh.
Ý kiến ()