Tổ vay vốn Agribank: Điểm tựa vững chắc cho hội viên phụ nữ
– Từ tháng 5/2022, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Lạng Sơn (Agribank Lạng Sơn) đã phối hợp với Hội Liên Hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh triển khai chương trình cho vay qua tổ vay vốn (TVV). Chương trình đã giúp các hội viên phụ nữ trên địa bàn có vốn đầu tư phát triển mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập.
Bà Nông Thanh Hải, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Để thực hiện hiệu quả chương trình, Hội LHPN tỉnh đã giao chỉ tiêu cụ thể đến từng hội LHPN các cấp đẩy mạnh tuyên truyền cho vay qua TVV trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các cuộc họp tại cơ sở; chi đạo hội LHPN các huyện phối hợp với ngân hàng kiện toàn TVV, đảm bảo mỗi tổ có từ 15 thành viên trở lên; tổ chức tập huấn nghiêp vụ cho tổ trưởng và hội viên. Từ khi triển khai đến nay, hội LHPN các cấp đã chủ động phối hợp với ngân hàng tổ chức 175 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho các tổ trưởng, hội viên phụ nữ để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ và hiệu quả sử dụng vốn vay.
Tổ trưởng TVV (bên trái) hướng dẫn hội viên phụ nữ thôn Long Đầu, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình về thủ tục vay vốn
Bà Lương Thị Bình, Tổ trưởng TVV thôn Nà Ao, xã Đề Thám, huyện Tràng Định cho biết: Thời gian qua, để công tác quản lý vốn đạt hiệu quả, tôi tham gia đầy đủ, nghiêm túc các lớp tập huấn để nắm rõ các quy trình, nghiệp vụ cho vay. Bên cạnh đó, thông qua nhóm trên mạng xã hội (zalo), tôi kịp thời đôn đốc nộp lãi và nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các thành viên. Đến nay, tổng dư nợ của tổ đạt trên 1 tỷ đồng với 16 hộ vay. Nguồn vốn vay chủ yếu để phát triển các mô hình như: trồng rừng và chăn nuôi. Hiện TVV của thôn không có nợ xấu, nợ quá hạn, tỷ lệ thu lãi đạt 100%.
Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, ngân hàng chỉ đạo cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với các tổ trưởng nắm bắt tình hình vay vốn của hộ vay để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn; kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ theo thời hạn cam kết nhằm nâng cao chất lượng sử dụng vốn vay. Nhờ đó, tỷ lệ thu nợ, thu lãi qua TVV luôn đạt trên 96%; tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,9% tổng dư nợ cho vay.
Năm 2022, thông qua TVV, gia đình chị Lưu Thị Thủy, thôn Long Đầu, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình được tạo điều kiện vay 200 triệu đồng vốn ưu đãi tại Agribank Lộc Bình để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh xưởng gỗ. Chị Thủy chia sẻ: Nhờ nguồn vốn tiếp sức kịp thời, gia đình tôi đã mở rộng diện tích nhà xưởng và mua các loại máy phục vụ xưởng gỗ như: máy bào, máy xẻ ván… Từ đó, gia đình tôi có thêm nhiều khách hàng và tạo việc làm ổn định cho 7 lao động tại địa phương, đạt thu nhập trên 600 triệu đồng/năm.
Không chỉ chị Thủy, thời gian qua, hàng trăm hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã được tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi nhanh chóng, kịp thời thông qua TVV. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 57 TVV với 461 tổ viên, dư nợ qua tổ đạt 26,9 tỷ đồng. Nguồn vốn vay đã giúp các hội viên phụ nữ phát triển mô hình như: trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ…
Ông Đinh Mạnh Tranh, Phó Giám đốc Agribank Lạng Sơn cho biết: Việc phối hợp cho vay qua tổ giữa ngân hàng và Hội LHPN tỉnh đã giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hội viên phụ nữ được tiếp cận vốn ưu đãi và dịch vụ tiện ích của ngân hàng. Đến nay, trên 90% hội viên phụ nữ mở tài khoản thanh toán và được phát hành thẻ ATM. Thông qua mô hình tổ vay vốn, các hội viên được tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhanh chóng, kịp thời, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên vay vốn để phát triển sản suất, kinh doanh dịch vụ, nâng cao thu nhập. Qua đó, góp phần đưa ngân hàng số đến gần hơn tới hội viên phụ nữ trên địa bàn, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Thời gian tới, Agribank Lạng Sơn tiếp tục đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn, đẩy mạnh cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi như: vay thấu chi nông nghiệp nông thôn; hỗ trợ lãi suất tín dụng theo Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025… Qua đó, tiếp thêm nguồn lực để hội viên phụ nữ xây dựng mô hình kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Ý kiến ()