Tổ tư vấn tâm lý trong các trường phổ thông: Nơi gửi gắm những tâm tình
(LSO) – Sau một thời gian đi vào hoạt động, tổ tư vấn tâm lý trong các trường phổ thông đã bước đầu cho thấy hiệu quả. Bằng sự lắng nghe, chia sẻ, các thành viên trong tổ tư vấn đã từng bước tháo gỡ khó khăn trong học tập, tình cảm, gia đình… cho học sinh.
Đến Trung tâm Giáo dục Thường xuyên 2 (GDTX), thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc những ngày cuối tháng 6, chúng tôi được trò chuyện với các thầy cô trong Tổ Tư vấn tâm lý của trung tâm. Từ khi đi vào hoạt động, tổ tư vấn đã trực tiếp chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn về học tập và tình cảm cho nhiều học trò. Trong đó có những trường hợp khá nghiêm trọng như trường hợp của em Hoàng Thế V, học sinh lớp 10 đã từng tự dùng dao lam rạch tay sau khi chia tay với một bạn nữ cùng trường. Sau khi được thầy cô gặp gỡ, tâm sự, chia sẻ và từng bước khuyên bảo, đưa em tham gia lớp võ thuật để dần ổn định về tâm lý, giờ đây, em đã lấy lại sự tự tin, năng động của mình. Em V. chia sẻ: Khi đó, em cảm thấy rất buồn và chỉ muốn làm tổn thương mình để níu kéo bạn nữ kia. Rất may là có các thầy cô trong nhà trường đã đến chia sẻ, giúp em vơi đi nỗi buồn và hiểu ra nhiều điều ý nghĩa về tình bạn, tình yêu, gia đình, sự nghiệp…
Cán bộ, giáo viên Tổ tư vấn tâm lý Trung tâm giáo dục thường xuyên tư vấn cho học sinh về những vấn đề riêng tư
Tồn tại trong các trường phổ thông hiện nay không chỉ có những câu chuyện về tình yêu tuổi học trò mà còn rất nhiều vấn đề khác cần đến sự tư vấn về tâm lý. Tìm hiểu tại Trường Trung học phổ thông (THPT) chuyên Chu Văn An, chúng tôi nhận thấy vấn đề của các em chủ yếu xoay quanh gia đình và chuyện học tập như: sự kỳ vọng quá lớn của phụ huynh; những câu chuyện về mục tiêu sống, kỹ năng sống; hay vấn đề về phương pháp học tập, sức ép bài vở, môn học… đều dễ khiến các em ức chế tâm lý và trở nên căng thẳng.
Cô Phạm Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Ban tư vấn tâm lý Trường THPT chuyên Chu Văn An cho biết: Nhiều phụ huynh đặt kỳ vọng vào con mình, điều này không sai nhưng cũng vô tình tạo áp lực rất lớn cho các em, khiến các em ức chế và việc học tập, rèn luyện, phát triển bản thân vì thế mà càng bị ảnh hưởng nhiều hơn. Trong năm học 2019 – 2020, chúng tôi đã lắng nghe và chia sẻ riêng với 18 học sinh, chủ yếu xoay quanh vấn đề gia đình, học tập, lý tưởng sống, tình bạn khác giới …
“Qua một thời gian, công tác tư vấn được các thành viên trong tổ nắm bắt và thực hiện tốt hơn; các em học sinh cũng đã chủ động tìm đến khi có những vấn đề về học tập hoặc tâm lý mà bản thân khó cân bằng. Ngoài tư vấn riêng cho từng em, nhà trường đã tổ chức tư vấn tập trung về nghề, sức khỏe sinh sản, bạo lực học đường; tổ chức cuộc thi tìm hiểu, hoặc qua các hoạt động ngoại khóa … Bên cạnh đó, tổ tham mưu cho Ban Giám hiệu nhà trường mời chuyên gia tư vấn cho 94 giáo viên và 946 học sinh với phương châm “thầy cô hạnh phúc thì học trò hạnh phúc” …” – cô Ngân cho biết thêm.
Hiện nay trên toàn tỉnh có 458 trường phổ thông với hơn 140.000 học sinh. Sau hơn 2 năm thực hiện Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông và các văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT, hiện nay, 100% các trường phổ thông đều đã thành lập tổ tư vấn tâm lý. Các tổ đi vào hoạt động và bước đầu đã có hiệu quả: kịp thời tiếp nhận thông tin, lắng nghe, tư vấn riêng cho khoảng 2.000 học sinh; tư vấn tập thể về các vấn đề như: kỹ năng giao tiếp, ứng xử, sức khỏe sinh sản vị thành viên, tư vấn hướng nghiệp, chọn nghề… cho hàng trăm ngàn lượt học sinh mỗi năm; bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tư vấn tâm lý cho 784 cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông…
Bà Nguyễn Minh Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Tuy hoạt động chưa lâu nhưng các tổ tư vấn tâm lý đã cho thấy vai trò rất quan trọng của mình, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục trong các nhà trường. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng, cấp chứng chỉ tư vấn tâm lý cho cán bộ, giáo viên để bổ sung đội ngũ có năng lực tham gia tổ. Đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục kiện toàn, bổ sung kịp thời thành viên khi có sự thay đổi về nhân sự; mở rộng đối tượng tư vấn sang cả phụ huynh (nếu cần); kết hợp hợp lý giữa các hình thức, phương pháp như: tư vấn tập thể, tư vấn cho từng cá nhân, tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, tin nhắn… và bố trí phòng tư vấn tâm lý phù hợp với điều kiện nhà trường, tạo không gian riêng tư, bảo mật, gần gũi, sẻ chia để việc hỗ trợ học sinh đạt hiệu quả cao nhất.
Bằng sự sẻ chia, những “người mẹ hiền” của các tổ tư vấn tâm lý trong trường học đã dần trở nên gần gũi hơn bao giờ hết với học sinh. Hy vọng trong thời gian tới, các tổ tư vấn sẽ tiếp tục là điểm tựa vững chắc cho các em trong học tập, rèn luyện; góp phần tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện giữa thầy cô và học trò, giúp các em phát triển toàn diện.
Ý kiến ()