Tổ truyền thông cộng đồng: Giúp phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số có cuộc sống tốt đẹp hơn
- Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho người dân cũng như xoá bỏ định kiến về giới, tập tục, thói quen có hại cho phụ nữ, trẻ em, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động các tổ truyền thông cộng đồng. Những tổ truyền thông này đã góp phần hoàn thành các nhiệm vụ mà Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã đề ra.
Tổ truyền thông cộng đồng là một trong những giải pháp để triển khai hiệu quả các hoạt động của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương tình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, các tổ truyền thông cộng đồng đã được Hội LHPN tỉnh thành lập từ cuối năm 2022 đến nay.
Bà Trương Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Theo kế hoạch đề ra toàn tỉnh sẽ thành lập ít nhất 506 tổ truyền thông cộng đồng; hiện nay đã thành lập và duy trì hoạt động được 633 tổ. Mỗi tổ truyền thông cộng đồng có khoảng 7 đến 10 thành viên gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn, chi hội trưởng phụ nữ, trưởng ban công tác mặt trận thôn, công an viên và các chi hội đoàn thể khác. Hằng tháng, các tổ sẽ tổ chức ít nhất một hoạt động truyền thông như: phát tờ rơi, lồng ghép nội dung vào các buổi họp thôn, nói chuyện chuyên đề… Qua đó, giúp người dân hiểu các quy định của pháp luật về bình đẳng giới; loại bỏ định kiến giới, hủ tục, thói quen lạc hậu, chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế…
Để tổ truyền thông cộng đồng phát huy hiệu quả hoạt động, hội LHPN các huyện đã hỗ trợ một phần kinh phí, loa cầm tay cũng như hướng dẫn các kỹ năng tuyên truyền để các thành viên tự tin phát huy vai trò, thực hiện nghiệm vụ của mình; tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền như: tuyên truyền miệng, phát tờ rơi, xây dựng trang mạng xã hội của thôn… Từ cuối năm 2022 đến nay, các tổ truyền thông cộng đồng đã tuyên truyền lồng ghép được trên 1.000 cuộc đến hơn 2.000 lượt người tham dự về các nội dung như: Luật Bình đẳng giới; Luật Trẻ em và các quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình...
Bà Phạm Thị Thương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Gia cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 50 tổ truyền thông cộng đồng. Thời gian qua, thành viên các tổ truyền thông cộng đồng đã tích cực tuyên truyền những nội dung như: thay đổi khuôn mẫu giới trong việc nhà; hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết; tác hại của việc nuôi vật thả rông; kiến thức chăm sóc sức khoẻ sinh sản... đến các tầng lớp Nhân dân.
Cùng đó, tổ truyền thông cộng đồng đã góp phần giúp các cấp hội chú trọng nâng cao kiến thức cho chị em về bình đẳng giới thông qua tuyên truyền về cách thức triển khai các chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc… Tại xã Tân Minh, huyện Tràng Định - xã vùng 3 biên giới, hiện nay có 5/5 thôn đều thành lập tổ truyền thông cộng đồng và hoạt động hiệu quả. Chị Lê Thị Hương, thôn 5, xã Tân Minh cho biết: Các thành viên trong tổ truyền thông cộng đồng thường xuyên đến gia đình chúng tôi để tuyên truyền cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chúng tôi, sau đó sẽ lồng ghép nội dung tuyên truyền gắn liền với việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn mà chúng tôi đưa ra trong các cuộc họp thôn, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt hội phụ nữ. Ngoài ra, tổ còn vận động, hướng dẫn chúng tôi phát triển sản xuất gắn liền với việc nâng cao vị thế của phụ nữ, quan tâm trẻ em, tránh bạo lực gia đình, tảo hôn…
Bên cạnh những kết quả đạt được rất tích cực, thì trong quá trình hoạt động tổ truyền thông cộng đồng cũng gặp một số khó khăn nhất định như: kinh phí hạn hẹp, kiến thức và kỹ năng của các thành viên còn nhiều hạn chế dẫn đến một số hoạt động của các tổ chưa thực sự hiệu quả, tính thuyết phục chưa cao. Bà Trương Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết thêm: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các thành viên trong tổ truyền thông cộng đồng bám sát vào quy chế và nhiệm vụ được giao, duy trì mô hình hoạt động hiệu quả, phát huy vai trò nòng cốt, tập trung tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng. Đồng thời, Hội LHPN tỉnh sẽ tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức về bình đẳng giới và kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ hội cũng như các thành viên trong tổ truyền thông cộng đồng; tăng cường phối hợp với các ban, ngành đoàn thể, chính quyền địa phương đa dạng hoá và lồng ghép các nội dung nhằm tăng tính hiệu quả của mô hình.
Ý kiến ()