Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Bản Thí: Cầu nối đưa tín dụng chính sách đến với người dân
- Thời gian qua, tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thôn Bản Thí, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn (do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã quản lý) đã phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện với người dân. Qua đó, góp phần đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Bà Nguyễn Thị Huyện, tổ trưởng tổ TK&VV thôn Bản Thí chia sẻ: Bản Thí là thôn đặc biệt khó khăn của xã Long Đống, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Trước đây người dân chưa mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế, bởi ai cũng nghĩ rằng mình còn khó khăn, làm không đủ ăn thì nói gì đến vay vốn ngân hàng.
Trước thực tế đó, Ban quản lý tổ TK&VV thôn thường xuyên “đi tận ngõ, gõ tận nhà” để tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, nhận thức trong công tác vay vốn; chủ động nắm bắt từng hoàn cảnh, nhu cầu vay vốn của các hộ để hướng dẫn, tư vấn những chương trình tín dụng phù hợp.
Để quản lý nguồn vốn, ngay từ khi hộ dân nhận vốn vay từ NHCSXH, Ban quản lý tổ TK&VV cùng các cấp hội thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả; nhắc nhở hộ vay chủ động thu xếp trả nợ đúng thời hạn tại điểm giao dịch xã. Đặc biệt, tại tổ TK&VV thôn Bản Thí, đối với các hộ gặp khó khăn khi đến hạn trả gốc, các thành viên trong tổ sẽ cùng nhau hỗ trợ, giúp cho hộ đó trả tiền vay cho ngân hàng.
Nhờ cách làm hiệu quả, những năm qua, số dư nợ và tổ viên của tổ TK&VV thôn Bản Thí không ngừng tăng. Nếu như năm 2014, cả tổ chỉ có khoảng 30 người vay với dư nợ hơn 1 tỷ đồng thì đến nay, tổ TK&VV thôn Bản Thí có 47 tổ viên vay vốn với dư nợ 4,2 tỷ đồng (đây là tổ có số dư nợ lớn nhất huyện). Các hội viên chủ yếu vay vốn chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...
Gia đình chị Hoàng Thị Hiển là một trong những hộ tiêu biểu trong thôn vươn lên thoát nghèo từ vốn ưu đãi. Chị Hiển chia sẻ: Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Năm 2017, tôi được tổ trưởng tuyên truyền, hướng dẫn vay 30 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Nhờ có vốn tiếp sức, gia đình tôi đã thực hiện thành công mô hình, mỗi năm xuất bán từ 2 đến 3 con bò. Đến năm 2022, gia đình tôi tiếp tục vay 50 triệu đồng để chăm sóc, tu bổ 2 ha rừng hồi, nhờ đó thu nhập đem lại 150 triệu đồng/năm, năm 2023, gia đình tôi đã thoát nghèo, cuộc sống từng bước được cải thiện và nâng cao.
Không chỉ gia đình chị Hiển, thông qua nguồn vốn, các hộ dân trong thôn đã đầu từ trồng, tu bổ rừng hồi và chăn nuôi trâu, bò, nhờ đó, trung bình mỗi năm tổ có từ 2 đến 3 hộ vươn lên thoát nghèo. Đến hết năm 2023, toàn thôn chỉ còn 18/95 hộ nghèo (giảm 4 hộ so với năm 2022).
Cùng với cho vay, Ban quản lý tổ TK&VV thôn Bản Thí còn làm tốt công tác tuyên truyền tổ viên tham gia gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Hiện số dư tiền gửi tiết kiệm của các tổ viên tại tổ TK&VV đạt trên 113 triệu đồng; số dư tiền gửi dân cư đạt 270 triệu đồng. Đây là tổ có số dư tiết kiệm cao nhất so với các tổ khác trong toàn huyện.
Ông Nguyễn Thanh Lạng, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đánh giá: Những năm qua, tổ TK&VV thôn Bản Thí đã làm tốt vai trò cầu nối giữa ngân hàng với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Với cách làm hiệu quả, hằng năm, tổ TK&VV thôn Bản Thí luôn xếp loại tốt, không có lãi tồn đọng, không có nợ quá hạn, hộ vay chấp hành việc trả nợ đúng kỳ hạn.
Với những kết quả đạt được, tháng 7/2024, tổ TK&VV thôn Bản Thí được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội.
Ý kiến ()