Tổ tiết kiệm và vay vốn: quản lý hiệu quả nguồn vốn vay
LSO-Trên 90% dư nợ các chương trình vốn ưu đãi mà người dân đang sử dụng là cho vay thông qua ủy thác các tổ chức chính trị - xã hội. Trong những năm qua, nguồn vốn được đảm bảo an toàn và không ngừng tăng trưởng, phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Hiệu quả đó là nhờ có sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức, đoàn thể, nhất là các tổ tiết kiệm.
LSO-Trên 90% dư nợ các chương trình vốn ưu đãi mà người dân đang sử dụng là cho vay thông qua ủy thác các tổ chức chính trị – xã hội. Trong những năm qua, nguồn vốn được đảm bảo an toàn và không ngừng tăng trưởng, phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Hiệu quả đó là nhờ có sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức, đoàn thể, nhất là các tổ tiết kiệm.
Tổ trưởng vay vốn khối 6, thị trấn Cao Lộc kiểm tra tình hình sử dụng vốn của hộ vay |
Chị Mai Thị Thúy, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khối 6, thị trấn Cao Lộc, do hội phụ nữ quản lý chia sẻ: Công việc của tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn là phối hợp tuyên truyền về chính sách vốn, hướng dẫn, kiểm tra các hộ sử dụng vốn đúng mục đích, đôn đốc thu nợ, thu lãi hàng tháng… Không còn khó khăn như những năm đầu chính sách tín dụng mới triển khai, thực hiện, nhưng để quản lý vốn tốt đòi hỏi tổ trưởng phải có tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm cao. Trách nhiệm thể hiện ngay từ khi tham gia bình xét đối tượng vay vốn tại khối, là phải đúng đối tượng, có ý thức, trách nhiệm với đồng vốn vay. Sau khi vay vốn khoảng một tháng, nếu không thấy sử dụng phải nhắc nhở, định hướng ngay cho hộ vay và trong suốt quá trình sử dụng vốn phải theo dõi, kiểm tra, động viên, giúp đỡ các hộ khi gặp rủi ro, khó khăn, nắm và báo cáo kịp thời tình hình sử dụng vốn với tổ chức hội và ngân hàng. Hiện nay, tổ gồm có 53 tổ viên, dư nợ hơn 1,3 tỷ đồng. Do quản lý chặt chẽ, nên nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả: trồng rừng, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ… Trong 5 năm nay, tổ không phát sinh nợ quá hạn, không có lãi tồn và mỗi năm đều giảm được hộ nghèo, tổ viên nâng cao đời sống. Trước năm 2010, tổ có đến hàng chục hộ nghèo nhưng hiện nay chỉ còn duy nhất 1 hộ nghèo… Cũng như tổ của chị Mai Thị Thúy, với tinh thần trách nhiệm cao, thường xuyên đôn đốc trả nợ, trả lãi trước mỗi kì giao dịch hàng tháng, đặc biệt là động viên, giúp đỡ kịp thời khi tổ viên gặp rủi ro, khó khăn nên Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Dinh Chùa, xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình do chị Mai Thị Hùng làm tổ trưởng cũng quản lý vốn rất có hiệu quả. Tổ có 45 tổ viên, số vốn vay trên 1,2 tỷ đồng, trong 3 năm nay, tổ không có nợ quá hạn, 100% tổ viên trả nợ, trả lãi đúng kì giao dịch và giảm được từ 3- 4 hộ nghèo/năm. Hay như Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nà Nhì, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn với dư nợ 1,4 tỷ đồng, 56 tổ viên sử dụng vốn vào phát triển chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ… có hiệu quả nên hiện cũng chỉ còn một hộ nghèo.
Trong những năm gần đây, số tổ tiết kiệm và vay vốn quản lý hiệu quả nguồn vốn vay như vậy ngày càng tăng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 1.400 tổ quản lý tốt nguồn vốn vay trong tổng số 2.780 tổ tiết kiệm và vay vốn toàn tỉnh, chiếm 50,4%, tăng khoảng 8% so với năm 2012. Những tổ hoạt động tốt, quản lý hiệu quả nguồn vốn vay là tổ không có nợ xâm tiêu, không có nợ quá hạn, trả nợ, trả lãi đúng theo kì, các tổ viên sử dụng vốn có hiệu quả… Ngoài ra, các tổ đó tham gia đầy đủ các phiên giao dịch tại xã, thực hiện tốt hoạt động kiểm tra, giám sát, ghi chép sổ sách đầy đủ, khoa học… Theo ông Vương Văn Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết, hiện nay, ngân hàng cho vay 10 chương trình, dư nợ khoảng 1.700 tỷ đồng, hơn 80 nghìn hộ vay vốn. Hàng năm, nguồn vốn đã giúp hàng nghìn hộ có vốn sản xuất, thoát nghèo, hàng nghìn hộ có việc làm ổn định và nâng cao đời sống. Hiệu quả đó có sự vào cuộc rất đắc lực của các tổ tiết kiệm và vay vốn trong việc tuyên truyền, theo dõi, giám sát quá trình sử dụng vốn của các hộ vay, quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay trực tiếp ở cơ sở. Cũng từ đó, chất lượng tín dụng được nâng cao, đảm bảo an toàn nguồn vốn cho vay quay vòng, phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của người dân. Hiện nay, số tổ hoạt động yếu còn chiếm 5,4%, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn. Để phát huy hơn nữa vai trò của các tổ, Ngân hàng Chính sách Xã hội tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác vốn tổ chức tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cũng như tinh thần trách nhiệm của các tổ trưởng, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ. Qua đó không ngừng quản lý an toàn và hiệu quả nguồn vốn cho vay.
LÂM NHƯ
Ý kiến ()