Tổ Tiết kiệm và vay vốn khu 1, thị trấn Na Sầm: Hiệu quả công tác tiết kiệm
(LSO) – Thực hiện chương trình huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ nghèo và các đối tượng chính sách qua Ngân hàng Chính sách xã hội, trong những năm qua, Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) khu 1 do Hội Nông dân thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng quản lý đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia. Qua đó, số tổ viên tham gia gửi tiết kiệm, số dư tiền gửi không ngừng tăng lên. Hiện đây là tổ TK&VV có số dư tiền gửi tiết kiệm cao nhất toàn tỉnh.
Ông Vũ Ngọc Nhuận, Tổ trưởng Tổ TK&VV khu 1 nhớ lại những ngày đầu mới thực hiện chương trình huy động tiết kiệm hộ nghèo: “Mặc dù tổ đã tuyên truyền, vận động thông qua các cuộc họp Hội Nông dân của thị trấn, họp tổ tiết kiệm, nhưng các tổ viên không ai mặn mà với việc tiết kiệm. Bởi ai cũng nghĩ rằng mình còn khó khăn, phải vay tiền ngân hàng thì làm sao tiết kiệm. Do đó, hết năm 2011, số dư của tổ chỉ khoảng 30 triệu đồng, với mức tiết kiệm phổ biến từ 10 đến 20 nghìn đồng/người/tháng”.
Ông Vũ Ngọc Nhuận, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn khu 1 thu tiền tiết kiệm của hội viên
Trước tình hình đó, Ban Quản lý tổ TK&VV và trực tiếp là tổ trưởng phải đến tận các gia đình tổ viên để thu tiền gửi hằng tháng. Để làm tốt công tác tiết kiệm, tổ đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa của việc gửi tiết kiệm. Đặc biệt là trong các cuộc họp tổ hàng tháng, tổ thông báo số dư mà các hộ gửi tiết kiệm cao nhất trong tổ, qua đó khuyến khích, vận động các tổ viên tham gia… Ngoài ra, nêu ví dụ cụ thể của một số hộ đã được sử dụng tiền tiết kiệm, nhất là việc có tiền trả nợ góp hàng tháng. Thấy được lợi ích thiết thực, các tổ viên bắt đầu có ý thức tiết kiệm, nhiều hộ bắt đầu gửi tiền mức cao hơn.
Trước sự chuyển biến về ý thức tiết kiệm của các hộ, năm 2017, tổ đã họp, thống nhất thực hiện mức gửi thấp nhất là 50 nghìn đồng/người/tháng. Theo đó, mức gửi tiết kiệm phổ biến của tổ viên hiện nay là 200 nghìn đồng/người/tháng, một số hộ tiết kiệm mức cao từ 500 nghìn đồng đến tối đa là 2 triệu đồng/người/tháng như các hộ: Vũ Thị Nguyệt, Bế Thị Thu Huế, Nguyễn Kim Dung… Đặc biệt, tổ còn vận động được 3 hội viên mặc dù không vay vốn nhưng tham gia gửi tiết kiệm tại tổ. Thay vì đến từng nhà đôn đốc, vận động thu tiền hằng tháng, nay các hộ tự nguyện đến nộp tiền tiết kiệm trước ngày mùng 5 hàng tháng để tổ trưởng kịp gửi cho ngân hàng vào ngày giao dịch. Hiện nay, tổng số dư tiết kiệm của tổ đạt trên 290 triệu đồng, tăng gần 200 triệu đồng so với năm 2017 với 100% tổ viên tham gia, trong đó chưa kể số dư mà các hộ đã được sử dụng để trả nợ, trả lãi trong những tháng khó khăn không xoay xở được tiền để trả đúng kỳ.
Với số tiền tiết kiệm hiện có, các tổ viên có thể sử dụng vào việc trả nợ, trả lãi tiền vay hoặc sử dụng khi khó khăn. Bà Hoàng Thị Phấn, tổ viên Tổ TK&VV khu 1 chia sẻ: “Nhờ chương trình tiết kiệm, tôi không còn lo lắng mỗi khi đến hạn trả nợ. Năm 2019, gia đình tôi vay 50 triệu đồng để kinh doanh, cũng nhờ gửi tiết kiệm 2 triệu đồng mỗi tháng nên đến kì trả gốc, gia đình tôi đỡ được một khoản. Hiện nay, cùng với số tiền tích lũy hằng tháng, gia đình tôi đã trả hết nợ ngân hàng”.
Cũng như gia đình bà Phấn, nhờ có nguồn vốn tiết kiệm mà các tổ viên có thêm tiền để trả lãi, trả gốc đúng hạn cho ngân hàng. Do đó các hộ trả lãi, trả gốc đều đúng kỳ hạn, tỷ lệ thu lãi của tổ luôn đạt 100%. Tháng cao điểm nhất có từ 3 đến 5 tổ viên sử dụng nguồn quỹ tiết kiệm để chuyển sang trả lãi, trả gốc.
Ông Lương Văn Chính, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Na Sầm cho biết: Với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực tuyên truyền, vận động của tổ trưởng và ý thức tiết kiệm trong tổ viên, những năm qua, Tổ TK&VV khu 1 đã thực hiện công tác huy động tiết kiệm và sử dụng vốn có hiệu quả cao, không có nợ quá hạn, trả nợ, trả lãi đầy đủ. Nhiều năm liền tổ được Ngân hàng Chính sách xã hội trung ương, tỉnh, huyện khen thưởng về thành tích huy động tiết kiệm hộ nghèo và sử dụng tốt nguồn vốn vay.
KIM HUYÊN
Ý kiến ()