Tổ tiết kiệm và vay vốn: Điểm tựa cho hộ nghèo
LSO - Thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), những năm qua, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được hướng dẫn, tạo điều kiện vay vốn kịp thời. Nhờ đó, các hộ dân có vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, thoát nghèo.
![]() |
Các tổ tiết kiệm và vay vốn chuẩn bị bảng kê nộp lãi tại điểm giao dịch xã Gia Cát, huyện Cao Lộc |
Bà Linh Thị Bướm, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Bản Sầm, xã Bình Phúc, huyện Văn Quan cho biết: Để giúp các hộ dân tiếp cận nhanh nguồn vốn chính sách, tổ đã luôn tích cực tuyên truyền về các chương trình vốn, nhất là những quy định mới về mức vay, thời hạn, lãi suất và hướng dẫn hộ có nhu cầu vay làm hồ sơ vay vốn. Trong bình xét đối tượng vay, tổ thực hiện công khai, dân chủ, ưu tiên hộ nghèo, hộ đang có nhu cầu cần sử dụng vốn gấp… Từ tuyên truyền, bình xét chặt chẽ đối tượng vay, các hộ vay vốn đã nêu cao ý thức, trách nhiệm sử dụng vốn. Trung bình mỗi năm, tổ luôn giúp được từ 1-2 tổ viên thoát nghèo.
Bà Lộc Thúy Be, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn bản Dạ, xã Xuân Mai, huyện Văn Quan chia sẻ: Hiện nay, tổ có 42 hộ vay vốn với số dư gần 1,6 tỷ đồng, chủ yếu là vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo, sản xuất kinh doanh và nước sạch. Thực hiện nhiệm vụ quản lý vốn, sau khi các hộ được giải ngân vốn khoảng một tháng, ban quản lý tổ chức kiểm tra tình hình sử dụng vốn. Nếu có hộ chưa sử dụng vốn, hoặc sử dụng chưa đúng mục đích, tổ đôn đốc, nhắc nhở ngay. Trong quá trình sử dụng vốn, tổ cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc kịp thời các khoản nợ sắp đến hạn, nợ quá hạn. Những vướng mắc, khó khăn được báo cáo kịp thời cho tổ chức hội trực tiếp quản lý và cán bộ tín dụng phụ trách xã giải quyết. Do vậy các tổ viên luôn sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, không có nợ quá hạn và tồn lãi.
Không chỉ 2 tổ TK&VV trên, mà hiện nay, hơn 2.600 tổ tiết TK&VV tại 100% thôn, bản, khối phố đều quản lý tốt nguồn vốn vay. Các tổ đã hoạt động theo đúng nguyên tắc tự nguyện, tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống. Đặc biệt là tuyên truyền, giúp người dân sử dụng đồng vốn vay có hiệu quả; đôn đốc thu nợ, thu lãi vốn vay đúng kỳ hạn và thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức bình xét công khai, dân chủ theo sự quản lý, hướng dẫn của các tổ chức chính trị xã hội, trưởng thôn, khối phố trước khi trình UBND cấp xã phê duyệt…
Hộ bà Nông Thị Slâư, thôn Nặm Hép, xã Nam La, huyện Văn Lãng chia sẻ: Khi làm hồ sơ vay vốn, tôi được tổ TK&VV thôn hướng dẫn rất cụ thể, bình xét và giải ngân vốn đều nhanh chóng. Nhờ vậy, gia đình tôi kịp thời có vốn đầu tư vào chăn nuôi lợn và trồng rừng hồi để phấn đấu nâng cao thu nhập, thoát nghèo.
Thông qua hoạt động của các tổ TK&VV, hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã nắm được các chương trình vốn, được tạo điều kiện tiếp cận nhanh nguồn vốn để vươn lên sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Tính từ năm 2011 đến nay, các tổ quản lý nguồn vốn hiệu quả đã giúp hơn 8 nghìn hộ thoát nghèo và trên 75 nghìn lao động được tạo việc làm, tăng thu nhập.
Ông Trần Việt Sơn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết: Để phát huy vai trò của các tổ TK&VV, chi nhánh tiếp tục tập huấn, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ. Qua đó không ngừng giúp hộ nghèo, đối tượng chính sách sử dụng vốn hiệu quả, vươn lên ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: Lâm Như
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()