Thứ 4, 25/12/2024 14:34 [(GMT +7)]
Tô thắm sắc xuân Xứ Lạng
Thứ 6, 20/01/2012 | 17:11:00 [(GMT +7)] A A
Ngày xuân, ghé thăm những vùng trồng hoa ở TP Lạng Sơn để thấy sự công phu của nghề trồng hoa và niềm say mê của những người nông dân ngày đêm miệt mài với công việc làm đất, chăm bón, cắt lá, tỉa cành... Bằng chồi non, lộc biếc, bằng những đóa hoa ngát hương, họ mang niềm vui, tài lộc đến cho mọi nhà và góp phần làm đẹp thêm cho thành phố mỗi dịp tết đến, xuân sang.
LSO-Năm nào cũng vậy, cứ đến những tháng cuối năm, người trồng hoa ở TP Lạng Sơn lại rậm rịch vào mùa. Với họ, trồng hoa không đơn thuần là để đem lại thu nhập cho gia đình mà còn là niềm vui được góp phần tô thắm sắc xuân xứ Lạng …
Nông dân phường Tam Thanh chăm sóc hoa hồng
Những ngày giáp tết Nguyên đán, trên mảnh vườn của gia đình ông Hà Quang Trưởng, những cành Lily đã hé nở. Dẫn khách dạo thăm vườn, ông Trưởng hóm hỉnh kể: Ngày nào, tôi cũng canh đúng 10 giờ sáng thì vén màn cho vườn hoa đón nắng đến chiều lại buông màn để hoa “đi ngủ”. Sớm, chiều quanh quẩn với nhà lưới, với những luống hoa mà tôi chưa bao giờ thấy chán.
Ở khối 7, phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn, gia đình ông Trưởng là hộ trồng hoa có tiếng. Từ những năm của thế kỷ trước, khi phần lớn nông dân khu vực Khòn Lèng (khối 7) chỉ trồng lúa, trồng màu, thì ông đã trồng hoa đồng tiền, thược dược, cúc… kế đến là hồng Đà Lạt, rồi hoa hồng Pháp. Năm 2004, ông Trưởng tham gia dự án trồng hoa hồng chất lượng cao, từ diện tích non một sào, đến nay, nhà ông đã có trên một mẫu rưỡi trồng hoa hồng để bán quanh năm. Khi Sở Khoa học-Công nghệ triển khai dự án trồng hoa Lily, hoa đồng tiền Hà Lan, ông lại bàn với gia đình “ghi danh” tham gia thực hiện, dự án kết thúc, nguồn “vốn” lớn mà ông Trưởng thu được chính là kỹ thuật, là kinh nghiệm trồng hoa chất lượng cao, để góp cho thị trường hoa xứ Lạng những loại hoa đẹp, lạ mắt. Hiện nay, ngoài 2 sào đất trồng hoa đồng tiền, cả khu vườn cạnh nhà được ông Trưởng dành trọn trồng hoa Lily. Vụ nào cũng vậy, tự tay ông chọn giống, làm đất, lên luống, tự tay ông dựng nhà lưới, rồi chăm bón, tưới nước cho hoa…. Sự cần cù, chịu khó và đam mê ấy như thổi thêm sức sống cho khu vườn thêm rực rỡ, ngát hương, để mỗi độ tết đến, xuân về, từ vườn nhà ông, những cành Lily mơn mởn, chúm chím lại được đưa ra các chợ, các cửa hàng hoa ở TP Lạng Sơn rồi về đến từng ngõ, từng nhà để khoe sắc trong ngày xuân, năm mới. Ngót hai mươi năm gắn bó với nghề, ông Trưởng được bà con chòm xóm ví như một “nghệ nhân” trồng hoa, bởi như ông nói trồng hoa không chỉ đòi hỏi sự cần cù mà còn cần sự tỉ mẩn, sáng tạo và say mê. “Có năm gia đình tôi thu lãi gần 100 triệu đồng, nhưng có năm thời tiết bất lợi, không đúng dịp tết tiền bán hoa thu về chỉ đủ bù chi phí, công gieo trồng. Dù vậy, tôi vẫn tha thiết với nghề vì tôi quan niệm trồng hoa không đơn thuần là kinh doanh mà còn là để làm đẹp cho đời” – Ông Trưởng tâm sự.
Vườn hoa của gia đình ông Trưởng cung cấp loại hoa đẹp, lạ mắt cho thị trường Xứ Lạng
Cũng là một người có thâm niên trồng hoa, ông Lưu Viết Bảo ở làng Phai Luông, phường Chi Lăng lại gửi niềm đam mê của mình vào những vườn đào. Ông Bảo cho biết: Khoảng hơn chục năm trước, ở Phai Luông bắt đầu rộ lên “phong trào” trồng đào cảnh, đất vườn nhiều, lại sẵn niềm đam mê với thú chơi hoa, cây cảnh nên tôi cũng thử trồng vài chục gốc. Từ chỗ trồng “cho vui” đến nay, gia đình ông đã dành hầu hết diện tích đất vườn gần 1.000 mét vuông để trồng đào. Theo năm tháng, vườn đào được mở rộng thì kinh nghiệm, kỹ thuật rồi cả sự tỉ mẩn, gắn bó của ông đối với nghề trồng hoa như cũng được vun đắp thêm. Ở cái tuổi 76, ông vẫn cùng con cháu vun xới, chăm sóc vườn đào để khi năm hết, tết đến, lại cung cấp cho thị trường những cành đào đẹp mắt. Theo ông Bảo, trồng đào cảnh không khó nhưng đòi hỏi kỹ thuật và cả nghệ thuật, để được như vậy thì người trồng không chỉ cần học hỏi lẫn nhau mà còn học kinh nghiệm của các địa phương khác. Cũng như với trồng lúa, ngô; người trồng đào phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, năm nào thuận lợi, đào ngậm nụ đúng vào giáp tết thì năm đó họ thắng lợi, những năm rét đậm, rét hại hoặc rét đến muộn, đào không kịp kết nụ hoặc đã nở bung thì người trồng hoa “thất bát”.
Ông Bảo cho biết: Khu Phai Luông hiện có ngót 200 hộ thì khoảng 50-60 hộ trồng đào, họ đều là những người “bản địa” đã sinh sống ở đây mấy mươi năm. Từ vườn đào tết, có gia đình thu về cả chục triệu đồng, nhưng cũng có năm, họ gần như “trắng tay”. Cùng với quá trình đô thị hóa, cũng như ở làng hoa Bến Bắc nổi tiếng một thời, diện tích trồng đào ở làng Phai Luông ít nhiều đã bị thu hẹp, nhường chỗ cho những công trình, những ngôi nhà tầng, biệt thự mọc lên san sát, dù vậy vẫn có những gia đình như gia đình ông Bảo bền bỉ gắn bó với nghề. Từ bàn tay chăm bón của họ, mỗi năm tết đến, những cành đào bích, đào phai… lại khoe sắc, trổ hương, không chỉ tô điểm cho mùa xuân xứ Lạng, đào Phai Luông còn theo những thương lái, người chơi hoa về xuôi để làm nên sắc xuân trên khắp mọi miền đất nước.
Ngày xuân, ghé thăm những vùng trồng hoa ở TP Lạng Sơn để thấy sự công phu của nghề trồng hoa và niềm say mê của những người nông dân ngày đêm miệt mài với công việc làm đất, chăm bón, cắt lá, tỉa cành… Bằng chồi non, lộc biếc, bằng những đóa hoa ngát hương, họ mang niềm vui, tài lộc đến cho mọi nhà và góp phần làm đẹp thêm cho thành phố mỗi dịp tết đến, xuân sang.
Bảo Vy
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()