Tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ: Nguồn cổ vũ động viên xây dựng đơn vị mạnh
Trước yêu cầu phát triển của Quân đội và Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), để đáp ứng nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, ngày 21-6-1966, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký quyết định thành lập Bộ tư lệnh Phòng không Hà Bắc, nay là Sư đoàn Phòng không 365, Quân chủng PK-KQ.
Ngay sau khi thành lập, chỉ sau hơn một tháng kiện toàn biên chế tổ chức, tập trung huấn luyện, Sư đoàn đã bước vào cuộc chiến đấu đối mặt với không quân Mỹ. Vào 9 giờ 10 phút, ngày 7-8-1966, Sư đoàn chỉ huy tập trung tác chiến hiệp đồng giữa Trung đoàn Tên lửa 257 và hai Trung đoàn Pháo Phòng không 216, 225, bắn rơi 3 máy bay F-4 của Mỹ, trong đó một chiếc rơi tại chỗ và đây là chiếc thứ 1.300 bị bắn rơi trên miền Bắc, mở đầu truyền thống ra quân đánh thắng trận đầu của Sư đoàn.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sư đoàn đã hành quân trên khắp mọi miền của Tổ quốc, kịp thời có mặt, tham gia chiến đấu trong các chiến dịch lớn, vào những thời điểm lịch sử quan trọng, trên các chiến trường ác liệt, từ biên giới phía Bắc, tuyến lửa Khu 4 đến cực Nam Trung Bộ, cùng với các lực lượng PK-KQ vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đọ sức quyết liệt với kẻ thù, đánh bại mọi thủ đoạn kỹ, chiến thuật tinh vi, xảo quyệt của không quân Mỹ, bảo vệ vững chắc từng khoảng trời, từng nhịp cầu và những chuyến hàng ra mặt trận.
Trong 55 ngày đêm chiến đấu bảo vệ đội hình bộ binh, xe tăng ta tiến công giải phóng Quảng Trị năm 1972, Sư đoàn đã bắn rơi 70 máy bay địch, trong đó có 4 chiếc B-52. Ngoài ra, các đơn vị thuộc Sư đoàn, gồm: Trung đoàn Pháo Phòng không 228, trong 10 năm bám trụ kiên cường bảo vệ cầu Hàm Rồng, bắn rơi 120 máy bay Mỹ, giữ vững mạch máu giao thông vận chuyển chiến lược ra tiền tuyến; Trung đoàn Ra-đa 291 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cảnh giới, dẫn đường bảo đảm cho các lực lượng đánh địch trong suốt 2 cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ; đặc biệt trong Chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972, Trạm Ra-đa 45 đã phát hiện sớm 35 phút B-52 vào đánh phá Hà Nội, góp phần quan trọng vào Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.
Với bề dày thành tích, chiến công trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và suốt quá trình xây dựng, phát triển, Sư đoàn đã được tặng thưởng 579 huân chương, huy chương các loại cho các tập thể và cá nhân, 4 lần được Chủ tịch nước tặng lẵng hoa, được thưởng 65 cờ, bức trướng về thành tích chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện và xây dựng đơn vị. Sư đoàn và 16 tập thể, 7 cá nhân được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân. Những thành tích và chiến công của Sư đoàn Phòng không 365 trong 58 năm qua là nguồn cổ vũ động viên cán bộ, chiến sĩ không ngừng phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong thời kỳ mới, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của Sư đoàn anh hùng.
Theo Thượng tá Hoàng Phúc Dưỡng, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Phòng không 365: Nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ chính trị hết sức nặng nề trong giai đoạn hiện nay, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn quyết tâm thi đua trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng Sư đoàn vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; xây dựng Sư đoàn “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” trước hết là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng đơn vị điểm toàn diện cấp Bộ Quốc phòng năm 2024; góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu.
Ý kiến ()