Tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ: Giữ mạch nguồn truyền thống
Đến Bảo tàng Hậu cần, chúng tôi được tham quan nhiều hiện vật quý của Bác Hồ và của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội với ngành hậu cần Quân đội (HCQĐ); hiện vật về hậu cần nhân dân; kỷ vật của các anh hùng liệt sĩ, tướng lĩnh, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành HCQĐ trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Qua các hiện vật lịch sử được trưng bày, chúng tôi càng thấu hiểu thêm những gian lao, vất vả của những người chiến sĩ hậu cần “đi trước, về sau”. Trung tá QNCN Nguyễn Thị Thuận, nhân viên Ban Sưu tầm-Kiểm kê-Bảo quản cho biết: "Hiện nay, Bảo tàng đang lưu giữ hơn 18.000 hiện vật thuộc loại hình lịch sử quân sự chuyên ngành hậu cần rất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, phản ánh quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của ngành HCQĐ".
Để có được bộ sưu tập đồ sộ về mạch nguồn truyền thống ngành HCQĐ, các cán bộ, nhân viên Bảo tàng phải thường xuyên lặn lội đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước để sưu tầm, nghiên cứu tư liệu lịch sử; tiếp cận, thuyết phục, động viên các nhân chứng lịch sử sẵn sàng chia sẻ những hiện vật họ đang gìn giữ. Bởi đối với nhiều người, các hiện vật là kỷ vật vô giá, là một phần ký ức, kỷ niệm quan trọng, là điểm tựa tinh thần để họ vượt qua những gian khó trong cuộc sống... Các cán bộ, nhân viên Bảo tàng Hậu cần đã thuyết phục, động viên họ đồng ý trao tặng những hiện vật lịch sử để góp phần làm phong phú thêm mạch nguồn truyền thống, tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ hôm nay và mai sau có những hiểu biết sâu sắc về truyền thống "Tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, hết lòng phục vụ bộ đội; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, sống trong sáng, lành mạnh; không ngừng rèn luyện, học tập, nắm vững nghiệp vụ, làm chủ khoa học; gắn bó với nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân trong công tác hậu cần" của ngành HCQĐ.
Trung tá QNCN Nguyễn Thị Thuận nhớ lại: “Cuối tháng 12-2023, chúng tôi có chuyến đi sưu tầm hiện vật dài ngày ở Định Hóa, Thái Nguyên. Ở đây, chúng tôi được ông Phan Huy Dụng, Chủ tịch Câu lạc bộ Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Việt Bắc và các thành viên của câu lạc bộ trao tặng cho Bảo tàng 93 tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử về công tác bảo đảm hậu cần trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ như: Nồi đồng, cân thóc gạo, mâm đồng, đèn bão, chậu đồng, sanh đồng, bi đông, ăng-gô, bát, đĩa, chậu, nồi quân dụng bằng mảnh xác máy bay... Ngoài ra, chúng tôi còn sưu tập được rất nhiều câu chuyện về các hiện vật để làm tư liệu giới thiệu đến công chúng”.
Mỗi hiện vật lịch sử tại Bảo tàng Hậu cần vừa góp phần tôn vinh và phát huy truyền thống lịch sử ngành HCQĐ, vừa là thông điệp lịch sử góp phần xây đắp tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, thúc đẩy ý chí phấn đấu vươn lên của cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân trong xây dựng Quân đội, xây dựng quê hương, đất nước.
Ý kiến ()