Tổ hợp tác sản xuất na VietGAP xã Bằng Hữu: Liên kết sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm
- Thời gian qua, Tổ hợp tác (THT) sản xuất na VietGAP xã Bằng Hữu, huyện Chi Lăng đã chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc na. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên.

Xã Bằng Hữu có trên 1.660 ha đất nông, lâm nghiệp (chiếm trên 60% tổng diện tích đất tự nhiên). Đây là lợi thế để xã phát triển những mô hình sản xuất như: trồng rừng, trồng cây ăn quả...
Năm 2018, một số hộ dân trên địa bàn xã đã phát triển mô hình trồng na với diện tích nhỏ lẻ. Đến năm 2019, phong trào trồng na bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Đến nay, toàn xã có hơn 40 ha na. Với mong muốn xây dựng và phát triển mô hình trồng na theo hướng bền vững, chính quyền xã Bằng Hữu đã khuyến khích, vận động người trồng na thành lập tổ hợp tác (THT) để hỗ trợ nhau, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm. Theo đó, đầu năm 2024, các hộ trồng na trên địa bàn xã đã liên kết, thành lập THT với 17 thành viên, quy mô 19 ha và áp dụng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP.
Anh Lý Văn Tiệp, Tổ trưởng THT sản xuất na VietGAP xã Bằng Hữu cho biết: Vốn nằm trong vùng “đất na” nhưng đến năm 2018, tôi và một số hộ dân trên địa bàn xã mới bắt đầu đưa cây na vào trồng. Những năm đầu phát triển mô hình, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây na do chưa có nhiều kinh nghiệm và chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Đến năm 2024, được chính quyền xã tuyên truyền và nhận thấy để phát triển bền vững cần phải chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, chúng tôi đã liên kết thành lập THT.
Ngay sau khi thành lập, THT đã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Phòng Nông nghiệp và Môi trường) huyện, chính quyền xã định hướng, hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng VietGAP. Theo đó, các thành viên trong THT đều được hướng dẫn quy trình, kỹ thuật chăm sóc na theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ phân bón, vật tư sản xuất... Đặc biệt, các hộ thành viên còn được kí kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ (thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng).
Anh Lương Văn Thành, thành viên THT cho biết: Năm 2019, gia đình tôi bắt đầu trồng na với hơn 400 cây (chủ yếu là na dai). Tuy nhiên trước đây, tôi chủ yếu chăm sóc theo cách truyền thống nên năng suất thấp, chất lượng quả không cao. Đến năm 2024, khi tham gia vào THT, gia đình tôi đã được cán bộ chuyên môn hướng dẫn quy trình, kỹ thuật chăm sóc theo hướng VietGAP và được ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Qua quá trình chăm sóc và thu hoạch, tôi nhận thấy cây na phát triển tốt, ít bị sâu bệnh và năng suất cũng tăng từ 10 đến 15% so với khi chưa áp dụng quy trình VietGAP. Không chỉ vậy, sản phẩm na được chăm sóc theo quy trình VietGAP còn được bán ra với giá cao. Vụ na năm 2024, gia đình tôi thu được trên 3 tấn na, với giá bán ổn định từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Theo đánh giá của các đơn vị chuyên môn, mô hình sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất tốt, tăng từ 10 đến 15% so với khi chăm sóc theo cách truyền thống; mẫu mã quả na to, đẹp hơn; giá bán ra cũng cao hơn từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, việc áp dụng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP còn giúp các hộ trồng na tiết giảm được chi phí và công chăm sóc, tăng hiệu quả kinh tế. Vụ na năm 2024, sản lượng thu hoạch của THT đạt trên 100 tấn, đem lại doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng, bình quân mỗi thành viên THT có thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng.
Ông Hoàng Văn Trung, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Bằng Hữu cho biết: Mô hình chăm sóc na theo tiêu chuẩn VietGAP của THT đã mang lại hiệu quả thiết thực. Với năng suất, chất lượng sản phẩm đảm bảo, tháng 11/2024, sản phẩm na của THT đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Thời gian tới, để hỗ trợ THT phát triển sản xuất, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân duy trì, mở rộng diện tích trồng na và đảm bảo chăm sóc theo đúng quy trình VietGAP; tư vấn, hỗ trợ THT hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, phấn đấu xây dựng sản phẩm na thành sản phẩm OCOP trong năm 2025.
Có thể thấy, nhờ khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương và sự mạnh dạn trong việc thay đổi tư duy, tập quán canh tác truyền thống sang hướng liên kết sản xuất, chú trọng áp dụng khoa học kĩ thuật đã giúp THT sản xuất na VietGAP xã Bằng Mạc xây dựng thành công mô hình kinh tế, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, qua đó góp phần xây dựng và khẳng định thương hiệu na Chi Lăng trên thị trường.

Ý kiến ()