Tô Hiệu: Điểm nhấn của huyện nghèo
Mỗi lần có dịp ghé qua, tôi lại ngỡ ngàng trước những thay đổi nhanh chóng của Tô Hiệu. Những thay đổi ấy không phải là những nhà cao tầng san sát hay phố chợ ồn ào mà là những con đường phong quang, sạch sẽ; những ngôi nhà mới đậm văn hóa Bình Gia; là những tuyến mương kiên cố ăm ắp nước… Cùng là xã được Ban chỉ đạo tỉnh chọn làm điểm để tập trung chỉ đạo, nhưng nông thôn ở Mai Pha, thành phố Lạng Sơn mang nhiều nét phố thị, ồn ào, bụi bặm, còn nông thôn ở Tô Hiệu người ta cảm nhận được ngay sự trong lành, thuần chất nông thôn.
Con đường bê tông mới hoàn thiện xuyên thẳng qua cánh đồng thôn Ngọc Trí, một trong những cánh đồng rộng nhất của xã. Tôi nhớ cách đây chỉ 1 năm, đường đi lối lại qua cánh đồng này vẫn chỉ là những bờ thửa bé tẹo. Đưa máy cày xuống ruộng, nông dân phải hợp sức để khiêng, còn mùa thu hoạch thì gồng gánh ra tận đường cái mới đưa được lên xe vận chuyển. Nay với con đường nội đồng thênh thang này, nhà nông có thể đánh xe ô tô ra giữa đồng. Mà hầu hết là công sức của dân, tuyến đường dài gần nửa cây số, phần nhà nước hỗ trợ 35 tấn xi măng, còn lại dân đóng góp công sức, vật liệu, đất ruộng để làm đường.
Chủ tịch UBND xã, Hoàng Đăng Phù cười tươi rói: không phải riêng Ngọc Trí đâu, các thôn khác như Phai Lay, Cốc Gặc… đều đã làm được đường nội đồng. Việc làm đường nội đồng ở miền xuôi thì chẳng lạ, bởi những cánh đồng rộng thẳng cánh cò bay, mặt bằng cũng thuận. Còn miền núi làm đường nội đồng là cả vấn đề, phải tính toán cặn kẽ để đạt hiệu quả cao nhất, rồi tuyên truyền thống nhất cao trong dân để có mặt bằng. Tô Hiệu là một trong rất ít những xã trên địa bàn tỉnh làm được đường giao thông nội đồng. Ngoài ra, nhân dân Tô Hiệu còn làm đường lên rừng hồi vào lân lũng để trồng quýt và bê tông hóa toàn bộ 32km đường liên thôn, đảm bảo ô tô đến tận trung tâm các thôn, đi lại thuận tiện trong 4 mùa. Ông Nguyễn La Thông, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải khẳng định: theo rà soát thẩm định của ngành, Tô Hiệu đã đạt tiêu chí giao thông. Song song với giao thông, thủy lợi cũng được củng cố với gần 15km kênh mương được kiên cố hóa, chủ động nước cho 70% diện tích đất canh tác và theo nhận định của ngành chuyên môn, tiêu chí về thủy lợi, Tô Hiệu cũng đã đạt. Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất cơ bản đáp ứng được yêu cầu là động lực lớn để thúc đẩy sản xuất. Những mô hình như nuôi bò bán chăn thả, nuôi lợn sinh sản; hợp tác với doanh nghiệp sản xuất khoai tây, gừng… đều mang lại hiệu quả cao. Đến nay hộ nghèo của toàn xã chỉ còn xấp xỉ 2,5% và thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên trên 16,3 triệu đồng. Kinh tế phát triển tác động mạnh mẽ, tạo động lực hoàn thiện hàng loạt các tiêu chí khác về nông thôn mới.
Điều đặc biệt là mặc dù phát triển nhanh, hoặc có thể dùng mỹ từ là “tăng trưởng nóng”, nhưng Tô Hiệu vẫn duy trì và phát huy rất hiệu quả các phong trào văn hóa, văn nghệ, phát huy được khối đại đoàn kết toàn dân để tạo ra nguồn lực nội sinh. Chỉ trong vòng 3 năm, nhân dân Tô Hiệu xây dựng, nâng cấp được 10 nhà văn hóa thôn. Điều đáng nói là, tất cả các nhà văn hóa đều được phát huy và thực sự là nơi sinh hoạt cộng đồng của thôn.
Năm trước khi kiểm tra nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đến nhà văn hóa thôn Ngã Tư của xã Tô Hiệu, chứng kiến sinh hoạt cộng đồng tại đây, từ đám cưới, đám hỏi, văn nghệ, thể thao… Cố vấn Ban chỉ đạo Trung ương, ông Lê Huy Ngọ thốt lên: thế này là đạt chuẩn rồi chứ còn thế nào nữa, có thể về diện tích, về trang thiết bị chưa thực sự đủ đầy, nhưng nhà văn hóa đã phát huy được hết công năng, phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Giờ thì phong trào văn hóa, văn nghệ ở Tô Hiệu đã vươn lên nhất nhì trong huyện. Toàn xã phát triển được 12 đội văn nghệ, có cả 1 câu lạc bộ bảo tồn dân ca. Hàng năm xã và các đội văn nghệ này đều tổ chức được nhiều lớp truyền dạy hát then cho các thế hệ trẻ. Người dân hưởng ứng, doanh nghiệp cũng ủng hộ hàng trăm triệu đồng để đội văn nghệ mua sắm nhạc cụ, trang phục biểu diễn. Ông Hoàng Đăng Phù, Chủ tịch UBND xã khẳng định: những hoạt động này ngày càng gắn kết chặt chẽ tinh thần đoàn kết trong cộng đồng và đây cũng là nền tảng vững chắc để xây dựng thành công chương trình nông thôn mới.
Rà soát, thẩm định thì đến nay, Tô Hiệu đã đạt 13/19 tiêu chí, nhưng các tiêu chí còn lại đều đã tiến rất sát đến chuẩn theo quy định. Trong cuộc kiểm tra nông thôn mới tại Tô Hiệu mới đây, đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhận định: nếu phấn đấu, nỗ lực ở mức cao, thì hết năm 2014 Tô Hiệu có thể cơ bản đạt xã nông thôn mới. Khẳng định của đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh chính là sự ghi nhận, tin tưởng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Tô Hiệu. Từ một xã có xuất phát điểm thấp, trước khi triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã chỉ có 5 tiêu chí gần đạt chuẩn, thì nay đã được đánh giá ngang bằng, thậm chí một số mặt còn được đánh giá cao hơn các xã điểm của tỉnh có tiềm lực mạnh.
Với những thành quả của mình, Tô Hiệu thực sự là điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới của huyện nghèo Bình Gia. Đây sẽ là hình mẫu tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ giúp vùng khó vươn lên.
Ý kiến ()