Trong niềm phấn khởi chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII, ông Bùi Đức Sảng, Trưởng ban công tác mặt trận khu phố 3, phường Tây Thạnh tự hào giới thiệu: “Khu phố 3 là khu dân cư đầu tiên ở thành phố mang tên Bác xây dựng các tổ dân phố theo mô hình “Tổ dân phố nghĩa tình”. Với mô hình này, bà con không chỉ gắn bó, đoàn kết mà còn tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động do MTTQ phát động”.
Khu phố có 25 tổ với 1.295 hộ dân. Là địa bàn hình thành trong quá trình đô thị hóa, phần lớn dân cư từ những nơi khác chuyển đến cho nên những năm đầu, nhiều hộ tuy cùng tổ, thậm chí sát vách nhau nhưng vẫn “đèn nhà ai nấy rạng”. Hậu quả là không ít trường hợp chủ nhà đi vắng, bị mất trộm nhưng hàng xóm liền kề không hay biết. Trước tình hình đó, chi bộ, Ban công tác mặt trận khu phố bàn bạc tìm hướng khắc phục.
Năm 2010, Đại hội chi bộ khu phố 3 ra nghị quyết xây dựng các tổ dân phố trở thành “Tổ dân phố nghĩa tình”, trong đó chi bộ là hạt nhân lãnh đạo, Ban công tác mặt trận khu phố, các chi hội thành viên tổ chức, triển khai thực hiện. Trong khu phố, Trưởng ban công tác mặt trận là ủy viên cấp ủy; lãnh đạo các tổ chức thành viên, tổ trưởng các tổ dân phố đều là đảng viên. Qua đó, Nghị quyết của Đảng đã được triển khai sâu, rộng trong cộng đồng dân cư. Với phương châm lấy tổ dân phố làm cơ sở, vận động nhân dân giúp nhau giải quyết các khó khăn trên địa bàn, “Tổ dân phố nghĩa tình” được xây dựng theo các nội dung: Cùng nhau chăm lo cho người cao tuổi, người neo đơn, hoạn nạn; tạo điều kiện để tất cả trẻ em trong độ tuổi được đi học; từng gia đình không có tệ nạn xã hội; chung tay xây dựng khu dân cư văn minh; tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, giúp những gia đình khó khăn sửa chữa nhà ở; kịp thời phát hiện, hòa giải những mâu thuẫn, xây dựng tình làng nghĩa xóm hòa thuận đoàn kết…
Dựa vào những nội dung nêu trên, mỗi gia đình, mỗi tổ dân phố đều có những cách làm linh hoạt. Điển hình là việc xây Nhà đoàn kết tặng ông Nguyễn Thế Vinh, ở tổ 65. Gia đình ông Vinh thuộc diện hộ nghèo, sống trong căn nhà lụp xụp, mỗi khi trời mưa to cả nhà phải ngồi co ro trên giường vì mái dột, nền ngập nước. Khi Ban công tác mặt trận đặt vấn đề giúp đỡ, cả tổ dân phố hưởng ứng. Người giúp xi-măng, người tặng gạch, tôn lợp, cát… và quyên góp tiền.
Kết quả chỉ một thời gian ngắn, căn nhà trị giá 15 triệu đồng hoàn thành. Nhận căn nhà mới, ông Vinh không nén được xúc động trước tấm lòng tình nghĩa của bà con. Hoặc như bà Đỗ Thị Hoa, 55 tuổi, đơn thân, hộ nghèo ở tổ 60, không chỉ được nhân dân trong tổ giúp 20 triệu đồng sửa chữa nhà mà còn được trợ cấp mỗi tháng 500 nghìn đồng.
Ở khu phố 3, khi một gia đình có người bị ốm, Ban công tác mặt trận, cùng bà con dân phố cùng nhau đến thăm, trao quà tặng người bệnh, có khi chỉ một hộp sữa, vài trái cam hoặc một lời thăm hỏi, nhưng trên hết đó là sự chia sẻ của những tấm lòng “tối lửa tắt đèn có nhau”. Với gia đình có người qua đời, bà con mang vòng hoa tới viếng cùng số tiền hai triệu đồng từ quỹ trợ tang, tiễn đưa người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Với các cháu thiếu nhi, ngoài tổ chức sinh hoạt hè, tham quan, dã ngoại, cứ đầu năm học, Ban công tác mặt trận khu phố tổ chức gặp mặt tặng quà; trao học bổng tặng những cháu có hoàn cảnh khó khăn, động viên khích lệ các cháu học giỏi, chăm ngoan. Gia đình nào có con thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng, Ban công tác mặt trận, cùng bà con đến chúc mừng… Từ mô hình “Tổ dân phố nghĩa tình” ở khu phố 3, đến nay Ủy ban MTTQ quận Tân Phú đã nhân rộng ra quy mô toàn quận.
Về khu phố 3, Bí thư chi bộ, Trưởng ban điều hành khu phố Lê Đức Chiến giới thiệu: “Theo tiêu chí mới, cả khu phố hiện chỉ còn bốn hộ nghèo, 22 hộ khác trong diện cận nghèo. Tuy nhiên với mô hình “Cùng người nghèo đứng dậy” đang áp dụng mấy năm nay, những gia đình nghèo, cận nghèo trong khu phố sẽ thoát nghèo bền vững”. Chuyện xóa nghèo ở khu phố 3 cũng tương tự như ở các địa phương khác, nhưng có điểm khác là Ban công tác mặt trận luôn theo sát quá trình vươn lên của những hộ nghèo. Gia đình nào gặp khó khăn, lúng túng trong làm ăn đều được trợ giúp kịp thời, hiệu quả. Chị Hồ Thị Phương ở tổ 60 được vay 10 triệu đồng từ quỹ trợ vốn người nghèo tự tạo việc làm (CEP) để mở quán bán bánh xèo. Hương vị bánh xèo miền trung đậm đà, ít dầu mỡ, giá phải chăng nhưng vẫn không hút khách. Chị cho biết, bánh ngon nhưng nước chấm không đúng khẩu vị, khách hàng không ưng. Biết tình cảnh này, Ban công tác mặt trận tìm người giỏi pha chế nước chấm đến tận nơi hướng dẫn, “chuyển giao kỹ thuật”. Một sự giúp đỡ nhỏ nhưng cụ thể, thiết thực đã khiến, khách hàng của chị Phương ngày một đông thêm, đời sống gia đình ổn định và mới mua được căn nhà trị giá hơn 900 triệu đồng. Hoặc như chị Lê Thị Nguyệt ở số nhà 150/11 đường Chế Lan Viên, được vay 10 triệu đồng buôn bán nhỏ. Sau vài chu kỳ vay vốn làm ăn khá lên, thoát nghèo, chị đang chuẩn bị xây nhà mới.
Ngoài vốn tín dụng, bà con trong các tổ dân phố, chi hội cựu chiến binh, chi hội phụ nữ còn góp tiền cho hơn mười hộ nghèo vay vốn làm ăn mà không tính lãi với số dư nợ hơn 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, mỗi năm hơn 80 suất học bổng do nhân dân các tổ dân phố đóng góp tặng các cháu học sinh nghèo đi học…
Bám sát cơ sở, bằng những hoạt động phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, Ban công tác mặt trận khu phố 3 phường Tây Thạnh và các ban công tác mặt trận khác ở thành phố mang tên Bác đang phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, động viên, khuyến khích mọi người hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, vươn lên có cuộc sống ổn định, ấm áp tình làng, nghĩa xóm.
Ý kiến ()