Tổ công tác của Thủ tướng: Thúc đẩy mô hình tích tụ đất đai ở Thái Bình
Tập trung, tích tụ đất đai là vấn đề nổi lên tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng tại UBND tỉnh Thái Bình, khi Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhắc đi nhắc lại đề nghị các doanh nghiệp (DN) sớm triển khai sản xuất trên đất được giao, “nếu Thái Bình thành công sẽ là mô hình cho cả nước”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Hà Chính |
Như tin đã đưa, ngày 29/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra UBND tỉnh Thái Bình về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao, việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và các giải pháp thực hiện tập trung đất đai nhằm tăng quy mô sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa lớn; chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao năng suất lao động.
Thái Bình xin thí điểm xây dựng chính quyền điện tử
Báo cáo của UBND tỉnh Thái Bình đã nêu rõ những kết quả đạt được trên các lĩnh vực trên, đồng thời đưa ra 9 kiến nghị cụ thể.
Phát biểu sau đó, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Diên bổ sung thêm 5 kiến nghị, như sớm có hướng dẫn về thuê trụ sở, đấu thầu quyền khai thác các tài sản công như nhà thi đấu thể thao hay trung tâm hội nghị… Đặc biệt, Chủ tịch tỉnh cho biết, “Thái Bình xin đăng cai thí điểm xây dựng chính quyền điện tử” theo chủ trương của Chính phủ.
Ông Nguyễn Hồng Diên cũng nêu nhiều bài học kinh nghiệm của Thái Bình, như đã triển khai đường dây nóng ở cả 3 cấp chính quyền, ghi âm tự động 24/24 giờ và sẽ được trả lời trong 3 ngày.
Tỉnh cũng thường xuyên thuyên chuyển công tác với các cán bộ, công chức tại các các vị trí làm việc thường xuyên tiếp xúc với người dân và DN, đưa việc làm này trở thành bình thường.
“Còn nếu có phản ánh của người dân về nhũng nhiễu, thì khi chưa kiểm điểm, xử lý cũng lập tức thay thế người khác. Chúng tôi cam kết, nếu người đứng đầu ngành không thay cán bộ, thì tỉnh thay người đứng đầu”, ông Diên cho biết.
Thứ ba, tỉnh thực hiện rất nghiêm chế độ tiếp dân. Chủ tịch tỉnh hằng tháng tiếp dân vào ngày 30 và các buổi tiếp thường giải quyết thỏa đáng các kiến nghị. Riêng về tình trạng khiếu kiện kéo dài nhiều năm ở thôn Vũ Chính, TP. Thái Bình, ông Diên cho biết, vụ việc bắt đầu từ thỏa thuận của người dân với DN, khi có tranh chấp thì tỉnh đã hướng dẫn người dân kiện ra tòa, nhưng người dân vẫn không thực hiện.
Đã tập trung gần 15.000 ha đất nông nghiệp
Theo UBND tỉnh, đến năm 2017 tỉnh đã có gần 15.000 ha đất nông nghiệp được tập trung, gồm hơn 5.000 ha theo hình thức thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất và gần 10.000 ha theo hình thức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ.
Báo cáo của tỉnh Thái Bình cũng nêu nhiều thuận lợi trong tập trung đất đai, nhưng đồng thời cũng nêu hàng loạt khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, mà trước hết là khung pháp lý còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, với đất công ích, UBND cấp xã chỉ được cho thuê tối đa 5 năm; đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp; chỉ cho phép chuyển đổi đất nông nghiệp đối với các hộ gia đình, cá nhân trong cùng xã phường…
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã mời đại diện các DN lớn đầu tư nông nghiệp tại địa phương phát biểu như TH Truemilk, Trường Hải…
Đại diện các đơn vị như các bộ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Viện Kinh tế Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá cao những kết quả đạt được của Thái Bình, đồng thời cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế, như: Thái Bình vẫn là địa phương khó khăn nhất của Đồng bằng sông Hồng, thu nhập bình quân đầu người chỉ 33 triệu đồng/năm so với bình quân 55 triệu đồng của cả nước, công nghiệp chưa phát triển mạnh…
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, các kiến nghị của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Diên là rất trúng và thể hiện tư duy theo cơ chế thị trường. “Theo đó, không phải nghĩ thay DN, mà nghĩ như DN. Mà nghĩ như DN thì luôn sáng tạo, không phải quản lý mà đồng hành và kiến tạo với DN. Nhưng phải làm sao Bí thư chuyển tải được những suy nghĩ này tới toàn bộ máy để tỉnh phát triển đột phá”, vị chuyên gia khuyến nghị.
Các ý kiến cũng nhắc lại việc Thái Bình trong nhiều năm bị các DN đánh giá là khó khăn trong tiếp cận đất đai. Thừa nhận điều này, song ông Nguyễn Hồng Diên lý giải là ở Thái Bình, đất nông nghiệp chiếm đa số, trong khi việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích khác là rất chặt chẽ, rất khó. “Nếu làm đúng thủ tục, từ xóm lên đến Bộ, mất 600 ngày”, ông cho biết.
Kết luận buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng ghi nhận những kết quả đạt được của Thái Bình trong phát triển và nhấn mạnh rằng, những kết quả này cần đặt trong bối cảnh tỉnh thuần nông. Tỉnh cũng đã báo cáo, giải trình sâu sắc, toàn diện, trách nhiệm. Các ý kiến tham gia cũng hết sức tâm huyết, nhiều điểm mới để tỉnh đánh giá thực chất tình hình.
‘Giúp Thái Bình cũng là giúp Chính phủ’
Tổ công tác cũng sẽ ghi nhận toàn bộ các kiến nghị của tỉnh và các ý kiến tại buổi kiểm tra, tổng hợp, báo cáo đầy đủ tại phiên họp Chính phủ sắp tới.
Trong đó, VPCP sẽ sớm trình Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm tập trung, tích tụ đất đai phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung tại Thái Bình tới năm 2020. Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cho phù hợp…
Riêng với các kiến nghị liên quan tới dự án đầu tư khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết sẽ sớm trình Thủ tướng và trả lời tỉnh.
Bộ trưởng cũng khẳng định, VPCP rất hoan nghênh và sẽ đồng hành cùng nguyện vọng xây dựng chính quyền điện tử của Thái Bình. Ông cho biết, sắp tới đây sẽ triển khai VPCP không giấy tờ và sẵn sàng giúp Thái Bình triển khai.
Đặc biệt, Tổ trưởng Tổ công tác nhắc đi nhắc lại đề nghị Thái Bình thực hiện quyết liệt chủ trương thí điểm tích tụ đất đai để phát triển nông nghiệp. Đồng thời đề nghị các DN vào cuộc khẩn trương.
“Đề nghị các DN giúp cho Thái Bình, cũng là giúp cho Chính phủ, để cuối năm nay có sản phẩm bán ra thị trường. Tôi biết nhiều nơi dân sẵn sàng giao đất cho DN, nên đề nghị các DN làm sao không để đất hoang, không để ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân, đất giao tới đâu làm tới đó. Nếu Thái Bình làm thành công sẽ là mô hình cho cả nước”, Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu.
Thủ tướng khen ngợi Thái Bình về 4 vấn đề Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời khen ngợi tỉnh về 4 vấn đề. Trước hết, sau khi Thủ tướng dự hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh thì tỉnh đã có không khí làm việc mới. Người đứng đầu Chính phủ khen ngợi sự năng động, sáng tạo, nhiều đổi mới của lãnh đạo tỉnh và cả hệ thống chính trị. Thứ hai, việc xây dựng nông thôn mới có bước đi vững chắc, bài bản, với 200 xã trong tổng số 276 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ gấp đôi cả nước và 1 huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới. Cũng ít có tỉnh nào mà 100% người dân nông thôn được dùng nước sạch, xử lý tốt vấn đề rác thải nông thôn. Thứ ba, Thủ tướng khen ngợi công tác cải cách thủ tục hành chính của tỉnh. Kết quả kiểm tra ở các trung tâm hành chính công cho thấy tỷ lệ hồ sơ hoàn thành đúng hạn ở cấp tỉnh, huyện, xã đều rất cao, trên 99%. Nhờ đó, tỉnh đã thu hút được nhiều DN lớn tới đầu tư, nông nghiệp công nghệ cao cũng có những tín hiệu tốt. Thứ tư, tỉnh đã rất năng động, chủ động, tìm ra cách làm mới, như trong tích tụ, tập trung đất đai; luân chuyển, sắp xếp cán bộ với trách nhiệm người đứng đầu. “Đề nghị các cơ quan báo chí ủng hộ tỉnh, vì đổi mới không tránh khỏi va chạm và cả phản đối”, Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh hết sức quan tâm một số vấn đề, mà trước hết là xây dựng phương án tăng trưởng năm 2018 trong từng lĩnh vực, từng quý, như công nghiệp tăng trưởng nhờ dự án, sản phẩm mới nào? Thứ hai, quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, thực chất hơn trong cải thiện môi trường kinh doanh, dù những kết quả đã đạt được là rất đáng ghi nhận. “Hôm rồi, chúng tôi sang Pháp, hay Estonia, thủ tục đăng ký DN chỉ có 18 phút. Yêu cầu của người dân và DN còn rất cao. Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng nhắc đến việc có DN phải tìm đến một sở xây dựng 32 lần để điều chỉnh quy hoạch, tới lần thứ 33 VPCP phải vào cuộc mới xử lý được”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói. Thứ ba, Thủ tướng yêu cầu tỉnh nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu kinh tế mạnh hơn, hiện cơ cấu ngành công nghiệp, dịch vụ chuyển đổi chậm, chưa có sản phẩm, DN đầu đàn. Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Thứ năm, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và sớm thủ tục khởi công tuyến đường ven biển Thái Bình-Ninh Bình. |
Theo baochinhphu
Ý kiến ()