Tổ công tác của Thủ tướng: Góp phần tạo đột phá trong chuyển đổi phương thức làm việc
Là sáng kiến của người đứng đầu Chính phủ và hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, Tổ công tác đã góp phần tạo đột phá trong chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đến nơi đến chốn và bảo đảm chất lượng.
Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra đột xuất tại cảng Hải Phòng ngày 29/1/2019. |
Tháo gỡ nhiều việc đề khó
Ngày 29/1/2019, ngay trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nhận được thông tin phản ánh về tình trạng tồn đọng hơn 24.000 container phế liệu đã nhập khẩu qua 90 ngày tại các cảng biển trên toàn quốc, trong đó, riêng tại các cảng biển Hải Phòng có hơn 5.500 container phế liệu làm nguyên liệu nhập khẩu bị chậm trễ thông quan, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác đã có cuộc kiểm tra đột xuất tại cảng Hải Phòng.
Tại đây, Tổ trưởng Tổ công tác đã truy trách nhiệm của các cơ quan liên quan, đồng thời ghi nhận nhiều phản ánh của doanh nghiệp về cách làm việc không hết trách nhiệm, vô cảm của cơ quan làm thủ tục.
Làm việc với các cơ quan liên quan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Cần phải mạnh dạn cắt bỏ tất cả những gì là rào cản, giấy phép con, tạo chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp”. Với tinh thần quyết liệt, khẩn trương nhất, Tổ trưởng Tổ công tác đã thống nhất ý kiến về tháo gỡ các điểm còn vướng mắc với các cơ quan liên quan để báo cáo Thủ tướng hướng xử lý.
Kết quả là ngay sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, những vướng mắc được tháo gỡ, hàng hóa được thông quan, doanh nghiệp có nguyên liệu sản xuất.
Cũng từ phản ánh của doanh nghiệp và báo cáo của Tổ công tác, ngay những ngày đầu tháng 2/2019, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành thông tư bãi bỏ những nội dung bất cập liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thay đổi phương thức kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong gần 5 năm hoạt động, các cuộc kiểm tra, đôn đốc, làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng với các bộ, ngành, địa phương đã đề cập hàng loạt vấn đề thuộc loại nóng nhất thuộc phạm vi chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều vấn đề bức thiết khác được người dân, dư luận quan tâm cũng được Tổ công tác “truy” trách nhiệm cụ thể như tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công; việc xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém trong ngành công thương; việc xử lý tòa nhà 8B Lê Trực tại Hà Nội; tình hình bồi thường và khắc phục sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung; nạn khai thác cát lậu…
Cả nhiệm kỳ 2016 – 2021 (tính đến hết tháng 2/2021), trong số 2.504 đề án được giao, đã có 2.492 đề án hoàn thành, đạt 99,5%, chỉ còn 12 đề án (chiếm 0,5%) chưa trình – giảm 47 đề án và chỉ bằng 1/4 so với cuối nhiệm kỳ trước (cuối nhiệm kỳ 2011 – 2016, còn 59/2.600 đề án nợ đọng). |
Nhiều vấn đề tồn tại, bất cập, chậm được xử lý, giải quyết có liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, cơ quan, địa phương được Tổ công tác phát hiện và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương xử lý, khắc phục, chấn chỉnh, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Tiêu biểu như: Vấn đề xử lý hàng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển, cửa khẩu; vấn đề đánh giá tác động môi trường các dự án, nhà máy, khai thác khoáng sản; công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và bảo vệ môi trường; những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực thuế (thất thu, nợ đọng thuế), hải quan (phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực); việc thực hiện các quy định liên quan đến cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa; công tác bảo đảm an toàn giao thông; vấn đề cấp phép nạo vét, khơi thông luồng lạch có tận thu; công tác thẩm định, thanh tra, giám sát chất lượng công trình, dự án BOT…
Đây là những văn bản tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập không phù hợp với thực tiễn đã được Tổ công tác nắm bắt kịp thời để tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan để tháo gỡ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trên cơ sở các kiến nghị của của Tổ công tác, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đã giao các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện gần 200 nhiệm vụ cụ thể để khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập liên quan đến công tác hoàn thiện thể chế và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Trong đó, Chính phủ yêu cầu rà soát để xây dựng, sửa đổi, bổ sung: 30 Nghị định, 4 Quyết định, 10 Thông tư; 6 Nghị quyết; 1 Đề án.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ giao chuyển biến rõ nét, ngày càng thực chất. Thời điểm đầu nhiệm kỳ (đầu năm 2016) số nhiệm vụ quá hạn chiếm tới 25,2%. Đến tháng 12/2016, ngay sau khi Tổ công được thành lập được 4 tháng, đã kéo giảm tỷ lệ nợ đọng nhiệm vụ xuống còn 2,82%, tạo tiền đề và bước chuyển căn bản về kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện nhiệm vụ giao. Đến cuối năm 2020, chỉ có 180/9.721 số nhiệm vụ quá hạn, chiếm 1,8%, giảm 23,4% so với năm 2016 – thời điểm Tổ công tác chưa thành lập.
Thực hiện ban hành văn bản theo hướng “Cắt giảm tối đa số lượng văn bản quy định chi tiết, một luật chỉ ban hành tối đa 2 Nghị định quy định chi tiết, trường hợp đặc thù báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định; 1 Nghị định chỉ ban hành 1 Thông tư hướng dẫn”, trong năm 2020, các Bộ đã thực hiện việc tích hợp 49 văn bản quy định chi tiết Luật có hiệu lực từ 1/1/2021 còn 28 văn bản – giảm 21 văn bản so với nhiệm vụ được phân công. |
Đến nay, nhiều văn bản ban hành mang đậm dấu ấn của Tổ công tác. Điều này cho thấy hoạt động của Tổ công tác đã thực sự đồng hành với doanh nghiệp, người dân để từ đó tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có phản ứng chính sách kịp thời, mạnh mẽ để hỗ trợ người dân, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khôi phục sản xuất, kinh doanh, ứng phó với đại dịch COVID-19.
Tổ công tác kiểm tra cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tại tỉnh Lâm Đồng tháng 11/2020. |
Không ngại va chạm nhưng không phải là “bới lông tìm vết”
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, Tổ công tác được thành lập là một mô hình, thiết chế mới, chưa có tiền lệ. Tổ công tác đã xác định đây nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi phải sáng tạo, linh hoạt trong phương thức, cách thức hoạt động và sẽ gặp va chạm, áp lực, rào cản nhất định từ phía các bộ, cơ quan được kiểm tra.
Nhưng với tinh thần làm việc công tâm, khách quan, không ngại va chạm, trong đó vai trò cá nhân Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đã truyền lửa, khích lệ cho cho các thành viên tham gia tích cực, có trách nhiệm đối với hoạt động của Tổ công tác.
Với trách nhiệm người đứng đầu, Tổ trưởng Tổ công tác đã quán triệt, định hướng, mục đích, phương châm hoạt động: Kiểm tra không phải là “bới lông tìm vết”, không phải là phải tìm cái sai, cái yếu kém để phê bình nhau mà qua kiểm tra để kịp thời phát hiện những hạn chế, yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong thực thi công vụ và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giao của bộ, cơ quan, địa phương để đề xuất các giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý, giải quyết, cả kể việc kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi cơ chế, chính sách; hỗ trợ, đồng hành với các bộ, cơ quan, địa phương, nhất là trong việc tạo sự đồng thuận, thống nhất giữa các bộ, cơ quan khi có ý kiến khác nhau.
Trên cơ sở các kiến nghị của của Tổ công tác, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện hơn 300 nhiệm vụ cụ thể để khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, Chính phủ yêu cầu rà soát để xây dựng, sửa đổi, bổ sung 56 văn bản. Đến nay, 55/56 văn bản đã được ban hành, có hiệu lực để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp |
Trong gần 5 năm qua, với tinh thần trách nhiệm cao, Tổ công tác đã hỗ trợ rất lớn cho các bộ, cơ quan, địa phương trong việc tìm kiếm các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, bảo đảm đúng yêu cầu về tiến độ và chất lượng thực hiện các nhiệm vụ giao.
Nhiều vấn đề tồn tại, bất cập chậm được xử lý, giải quyết có liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, cơ quan địa phương làm dư luận quan tâm cùng những vấn đề bức xúc đã được Tổ công tác thẳng thắn chỉ ra tại các cuộc kiểm tra và kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ, cơ quan, địa phương có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết Bộ Tài chính đánh giá rất cao sự quyết liệt của Tổ công tác của Thủ tướng trong thực hiện, triển khai các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo. Tổ công tác đã quyết liệt truyền tải những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong đó có Bộ Tài chính trong triển khai các nhiệm vụ.
Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên cho biết lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác để đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao. Hoạt động của Tổ công tác đã khẳng định được sự đóng góp của các địa phương, sự tích cực của các bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Mặt khác, qua hoạt động của Tổ công tác, những khó khăn, phức tạp và nhất là những hạn chế trong hoạt động đã được chỉ ra, giúp các địa phương nhanh chóng khắc phục hạn chế để phục vụ nhân dân tốt hơn. Hoạt động của Tổ công tác đã giúp các địa phương khắc phục hạn chế nhanh hơn vì nếu mỗi địa phương tự rút kinh nghiệm cũng sẽ khắc phục được nhưng sẽ chậm, sẽ không có hiệu quả cao bằng vừa có sự đôn đốc, giám sát để các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao được thực hiện tích cực, hiệu quả nhất.
Hoạt động của Tổ công tác đã hiện thực hóa hiệu quả quan điểm, tinh thần cải cách mạnh mẽ, ưu việt trong phương thức chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ để đạt mục tiêu xây dựng Chính phủ hành động, Chính phủ liêm chính, Chính phủ phục vụ hướng tới người dân, doanh nghiệp và khắc phục triệt để tình trạng trì trệ, hành chính hóa trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()