Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu
Ngày 8/8, sau hai ngày tiến hành họp bàn về tình hình dịch bệnh Ebola, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố “tình trạng y tế cộng đồng khẩn cấp trên toàn cầu”, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ châu Phi ứng phó với dịch bệnh này.
Ủy ban khẩn cấp của WHO, nhóm họp trong hai ngày 6 – 7/8 tại Geneva, đã nhất trí cho rằng hiện hội tụ đủ các điều kiện để tuyên bố tình trạng y tế cộng đồng khẩn cấp trên toàn cầu. Và “một phản ứng phối hợp quốc tế là điều cần thiết để ngăn chặn và giảm thiểu sự lây lan quốc tế của Ebola”, ủy ban cho biết.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng giám đốc của WHO, Tiến sĩ Margaret Chan nêu rõ: Dịch Ebola đã giết chết gần 1.000 người kể từ đầu năm đến nay là “lớn nhất và nghiêm trọng nhất” trong 4 thập kỷ qua. Bà Margaret Chan đánh giá rằng các quốc gia ở Tây Phi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh: Libera, Sierra Leone, Guinea và Nigeria, “không thể tự mình ứng phó” với dịch bệnh và kêu gọi “cộng đồng quốc tế cung cấp các hỗ trợ cần thiết”.
Tổng giám đốc WHO cũng cho biết bà đã chấp nhận các kết quả nghiên cứu của Ủy ban và tuyên bố tình trạng y tế cộng đồng khẩn cấp trên toàn cầu, trong đó WHO phối hợp hàng ngày với cộng đồng quốc tế để đối mặt với dịch Ebola.
Ủy ban khẩn cấp của WHO đã loại bỏ các hạn chế về du lịch quốc tế hay thương mại quốc tế. Tuy nhiên, ủy ban này cũng cho biết: “Các quốc gia phải tự chuẩn bị để phát hiện và điều trị các trường hợp bệnh nhân Ebola” và “tạo điều kiện cho việc di tản công dân của họ, đặc biệt là các nhân viên y tế bị phơi nhiễm Ebola”.
Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng đưa ra cảnh báo dịch Ebola ở Tây Phi “có quy mô lớn chưa từng thấy trong lịch sử”.
Bác sĩ Tom Frieden, Giám đốc CDC, cho biết số lượng người nhiễm virus Ebola ở Tây Phi đã vượt qua tổng số người mắc bệnh ở tất cả các đợt bùng phát dịch trước đây. CDC và Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hiện có 1.177 ca nhiễm bệnh và 932 người thiệt mạng do dịch bệnh này.
Theo CPV
Ý kiến ()