Tổ chức Y tế thế giới trấn an các nước về tính an toàn của vắc xin AstraZeneca
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị các quốc gia nên tiếp tục sử dụng vắc xin AstraZeneca ngừa Covid-19.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, nhà khoa học hàng đầu của WHO, bà Soumya Swaminathan nhấn mạnh, WHO đến nay không tìm thấy mối liên quan giữa tình trạng đông máu và vắc xin nói trên.
Động thái mới nhất của WHO diễn ra trong bối cảnh nhiều nước – trong đó có Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Italia – tạm ngừng sử dụng loại vắc xin này vì lo ngại nguy cơ sinh cục máu đông. Về phần mình, Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) cũng kêu gọi các nước nên cân nhắc lại quyết định của mình, nhấn mạnh những ích lợi do vắc xin của AstraZeneca đem tới vượt xa nguy cơ rủi ro từ các phản ứng phụ.
Đến 6h ngày 16-3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 120.739.056 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.671.011 trường hợp đã tử vong, 97.337.534 bệnh nhân đã hồi phục. Theo thống kê của WHO, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã tăng 11% trong 1 tuần vừa qua.
Châu Âu
Tại Anh, lãnh đạo Cơ quan Thống kê quốc gia (ONS), Giáo sư Ian Diamond, cảnh báo về nguy cơ xảy ra làn sóng dịch bệnh tiếp theo vào mùa thu tới tại nước này. Dù nhấn mạnh đến hiệu quả của chương trình tiêm chủng toàn quốc nhằm ngăn ngừa dịch bệnh, song giáo sư này cho rằng loại vi rút sẽ không thể biến mất.
Tại Pháp, Thủ tướng Jean Castex nhận định nước này cần nỗ lực hết sức để tránh việc áp đặt lệnh phong tỏa mới trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 khiến sức ép lên các bệnh viện ngày càng tăng. Trong bối cảnh số ca nhiễm không ngừng tăng, Pháp vẫn quyết định không áp đặt lệnh phong tỏa theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế. Thay vào đó, nước này chọn áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc vào lúc 18h hằng ngày và lệnh phong tỏa vào cuối tuần tại hai vùng đang gặp khó khăn trong việc chống dịch.
Tại Đức, các bác sĩ làm việc tại khu vực chăm sóc đặc biệt (ICU) ở các bệnh viện của Đức cảnh báo nước này cần áp đặt trở lại ngay lập tức lệnh phong tỏa một phần để tránh rơi vào làn sóng thứ 3 của dịch Covid-19. Đức đã ghi nhận số ca nhiễm mới tăng kể từ khi nước này nới lỏng các biện pháp phòng dịch vào cuối tháng 2 vừa qua, theo đó, cho phép trường học, cửa hàng làm đẹp và một số cửa hiệu kinh doanh được mở cửa một phần. Số ca nhiễm mới gia tăng, cùng với sự lây lan của biến thể mới SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Anh và tiến trình tiêm chủng chậm chạp làm dấy lên lo ngại về nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại tại nền kinh tế số 1 châu Âu.
Châu Á – châu Đại Dương
Tại Trung Quốc, giới chức y tế tỉnh Quảng Đông xác nhận tìm thấy biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu tại Nigeria trong các ca bệnh mới không biểu hiện triệu chứng nhập cảnh tại tỉnh này. Hai bệnh nhân nhiễm biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 là hai trường hợp không triệu chứng phát hiện hồi tháng 2 vừa qua. Theo trung tâm Phòng, chống và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) tỉnh Quảng Đông, biến thể này đã lây lan sang hơn 20 quốc gia, có khả năng lây lan nhanh và dễ dàng vô hiệu hóa kháng thể, qua đó có thể dẫn tới tình trạng tái nhiễm ở những người từng mắc Covid-19. Hiện CDC Quảng Đông đang tiến hành phân lập thêm biến thể vi rút này.
Hàn Quốc gia hạn lệnh giãn cách xã hội ở thủ đô Seoul và một số địa phương phụ cận thêm 2 tuần (tới ngày 28-3), tuy nhiên nới lỏng cho phép tụ tập trên 5 người. Tới nay, xứ Kim chi ghi nhận 96.017 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.675 người đã tử vong.
Tại Đông Nam Á, Campuchia siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại trên một số tuyến quốc lộ và tỉnh lộ, đồng thời kiểm soát nghiêm ngặt việc chấp hành các quy định mới về đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội. Những trường hợp không tuân thủ quy định về đeo khẩu trang và giãn cách xã hội có thể bị phạt từ 50 USD đến 250 USD. Trường hợp doanh nghiệp vi phạm, mức phạt sẽ nặng hơn ở mức từ 100 USD đến 1.250 USD.
Trong khi đó, Philippines ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao nhất trong 7 tháng qua và là mức cao thứ tư ở quốc gia Đông Nam Á này kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Trước tình hình trên, vùng thủ đô Manila (khoảng 13 triệu dân) đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt tới ngày 31-3. Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Harry Roque, thông báo mình đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút, nhưng khẳng định không tiếp xúc với Tổng thống sau khi có kết quả xét nghiệm.
Papua New Guinea trở thành điểm nóng về Covid-19 tại khu vực châu Đại Dương. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo bang Queensland của Australia giáp biên giới Papua New Guinea đã kêu gọi đẩy nhanh công tác phân phối vắc xin tới quốc đảo này để nhanh chóng khống chế dịch.
Châu Mỹ
Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau bày tỏ ủng hộ vắc xin AstraZeneca, đồng thời cho biết các chuyên gia y tế nước này đảm bảo tất cả các loại vắc xin phòng Covid-19 đang được sử dụng trong nước đều an toàn, bao gồm vắc xin AstraZeneca. Canada dự kiến nhận thêm 7 triệu liều vắc xin từ các công ty khác nhau vào cuối tháng 4, với tổng số 36,5 triệu liều sẽ được giao vào cuối tháng 6 và 118 triệu liều trước ngày 30-9.
Số ca tử vong do Covid-19 tại Brazil đã vượt mốc 279.000 người. Quốc gia Nam Mỹ này cũng đã ký hợp đồng mua thêm 100 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 từ hãng dược Pfizer.
Châu Phi
Tổng số ca mắc Covid-19 tại châu lục này đã tăng lên 4.073.691 ca, trong đó 108.225 trường hợp tử vong. Những nước chịu tác động nặng nề nhất là Nam Phi, Morocco, Tunisia, Ai Cập và Ethiopia.
Ý kiến ()