Tổ chức Y tế Thế giới lo ngại về tình trạng béo phì ở trẻ em
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/10 thông báo cho biết số lượng trẻ em và thanh thiếu niên bị béo phì trên thế giới đã tăng lên gấp 10 lần trong vòng 40 năm vừa qua.
Theo một nghiên cứu được WHO và trường đại học Imperial College London (Anh) phối hợp công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, số lượng các trẻ nhỏ bị béo phì đã tăng từ 11 triệu vào năm 1975 lên 124 triệu em vào năm 2016. Ngoài ra, 213 triệu em được xem là bị thừa cân trong năm ngoái song vẫn ở dưới ngưỡng béo phì.
“Trong 4 thập kỷ qua, tỷ lệ béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới đã tăng vọt, và xu hướng này vẫn tiếp tục ở các nước có thu nhập thấp và trung bình” – ông Majid Ezzati, tác giả chính của nghiên cứu, Giáo sư tại trường Imperial College London cho biết. “Gần đây, tỷ lệ này đã ổn định tại các quốc gia có thu nhập cao, nhưng mức độ béo phì vẫn không thể chấp nhận được”.
Tác động của việc thương mại hóa các sản phẩm lương thực
Theo Giáo sư Ezzati, những xu hướng đáng lo ngại này phản ánh tác động của việc thương mại hóa các sản phẩm lương thực và các chính sách trong lĩnh vực này trên quy mô toàn cầu, với những thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng quá đắt đỏ đối với các gia đình và cộng đồng thiệt thòi.
Ông Ezzati nhấn mạnh: Xu hướng này cho thấy một thế hệ trẻ em và thanh thiếu niên lớn lên bị béo phì và có nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường.”Chúng ta cần các phương tiện để bảo đảm rằng những thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng được cung cấp nhiều hơn, trong các hộ gia đình và trường học, đặc biệt là trong các gia đình và cộng đồng bị thiệt thòi, và những quy định, các loại thuế để bảo vệ trẻ em trước các thực phẩm có hại cho sức khoẻ của chúng”.
Tới năm 2022, trẻ béo phì nhiều hơn trẻ suy dinh dưỡng
Theo nghiên cứu phối hợp của WHO, nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn thì trong giai đoạn từ nay đến năm 2022, số lượng trẻ em và thanh thiếu niên béo phì sẽ cao hơn so với số lượng trẻ em bị thiếu cân nhẹ hay nghiêm trọng.
Năm 2016, số trẻ em gái và trẻ em trai bị thiếu cân nhẹ hay nghiêm trọng là 75 triệu và 117 triệu em, trên phạm vi toàn thế giới.
Tuy nhiên, số lượng trẻ em và thanh thiếu niên ở trong tình trạng thiếu cân nhẹ hay nghiêm trọng vào năm 2016 vẫn là một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn, đặc biệt là ở các vùng nghèo nhất trên thế giới. Những con số này phản ánh mối đe dọa do suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức, vì những người trẻ tuổi bị thiếu hoặc thừa cân lại sống trong cùng các cộng đồng.
Ở nhiều quốc gia thu nhập trung bình, đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á, Mỹ Latinh và vùng Caribê, trẻ em và thanh thiếu niên rất nhanh chóng biến chuyển từ dạng thiếu cân sang thừa cân. Theo các tác giả nghiên cứu, điều này có thể là kết quả của việc gia tăng tiêu thụ các loại thực phẩm quá giàu năng lượng, đặc biệt là gluxit chuyển hóa cao, dẫn đến tăng cân và những hệ quả về mặt sức khỏe yếu lâu dài.
Trong bối cảnh đó, Tiến sĩ Fiona Bull, Điều phối viên chương trình của WHO về giám sát và dự phòng cho người dân trước các bệnh không lây nhiễm (NCD) cảnh báo: “Những dữ liệu này nhấn mạnh, khẳng định và nhắc nhở chúng ta rằng thừa cân và béo phì phản ánh một cuộc khủng hoảng đối với sức khỏe toàn cầu hiện nay, có nguy cơ trầm trọng hơn trong những năm tới nếu chúng ta không sớm có biện pháp quyết liệt”.
Những giải pháp được đưa ra
Cũng trong ngày 11/10, WHO công bố một bản tóm tắt kế hoạch thực hiện nhằm chấm dứt tình trạng béo phì ở trẻ em. Kế hoạch này đưa ra cho các quốc gia những hướng dẫn rõ ràng về các biện pháp hiệu quả để giảm béo phì ở trẻ em và trẻ vị thành niên.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã ban hành hướng dẫn kêu gọi các nhân viên y tế đang ở tuyến đầu chủ động phát hiện và chăm sóc trẻ em thừa cân hoặc béo phì.
“WHO khuyến khích các quốc gia nỗ lực để chống lại các môi trường hiện làm tăng nguy cơ béo phì ở trẻ em” – Tiến sĩ Bull nhấn mạnh. “Đặc biệt, các quốc gia nên hướng tới việc giảm tiêu thụ các loại thực phẩm rẻ, rối loạn chuyển hóa, có hàm lượng calo cao và ít chất dinh dưỡng”. Thêm vào đó, chuyên gia của WHO cũng lưu ý cần giảm thời gian trẻ em dành cho các hoạt động giải trí trên màn hình bằng cách khuyến khích hoạt động thể chất nhiều hơn thông qua thể thao và giải trí tích cực./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()