Tổ chức Lao động quốc tế: Việt Nam đạt mức tăng trưởng lương cao so với thế giới
Việt Nam đạt mức tăng trưởng lương cao so với thế giới sau khi các số liệu mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy mức tăng trưởng lương trên toàn cầu tiếp tục chững lại, đặc biệt ở các nước phát triển.Theo Báo cáo Lương toàn cầu 2012/2013 được ILO công bố ngày 7/12 tại Thụy Sỹ, tăng trưởng lương trên toàn thế giới ở mức thấp hơn nhiều so với thời điểm trước khủng hoảng. Mức lương tháng trung bình trên thế giới tăng 1,2% năm 2011, giảm 3% so với 2007 và 2,1% so với 2010.Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho biết, Báo cáo cho thấy rõ ràng là ở rất nhiều quốc gia, cuộc khủng hoảng đã và đang để lại một tác động nặng nề đối với lương – và nói theo một cách rộng hơn là đối với người lao động. Tuy nhiên sự tác động này không đồng đều.Báo cáo chỉ ra sự khác biệt lớn giữa các nước khác nhau, các khu vực khác nhau và lương nhìn chung tăng trưởng mạnh hơn ở những khu vực có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn.Trong khi tăng...
Việt Nam đạt mức tăng trưởng lương cao so với thế giới sau khi các số liệu mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy mức tăng trưởng lương trên toàn cầu tiếp tục chững lại, đặc biệt ở các nước phát triển.
Theo Báo cáo Lương toàn cầu 2012/2013 được ILO công bố ngày 7/12 tại Thụy Sỹ, tăng trưởng lương trên toàn thế giới ở mức thấp hơn nhiều so với thời điểm trước khủng hoảng. Mức lương tháng trung bình trên thế giới tăng 1,2% năm 2011, giảm 3% so với 2007 và 2,1% so với 2010.
Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho biết, Báo cáo cho thấy rõ ràng là ở rất nhiều quốc gia, cuộc khủng hoảng đã và đang để lại một tác động nặng nề đối với lương – và nói theo một cách rộng hơn là đối với người lao động. Tuy nhiên sự tác động này không đồng đều.
Báo cáo chỉ ra sự khác biệt lớn giữa các nước khác nhau, các khu vực khác nhau và lương nhìn chung tăng trưởng mạnh hơn ở những khu vực có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn.
Trong khi tăng trưởng lương suy giảm ở các nền kinh tế phát triển, nơi dự báo năm 2012 mức tăng trưởng bằng không, bức tranh ở khu vực châu Mỹ Latin, vùng Caribbean, châu Phi và nhất là châu Á lại là một màu sáng tích cực.
Ở Việt Nam, tiền lương danh nghĩa trung bình tăng 26,8% mỗi năm trong giai đoạn 2006-2010. Ngay cả khi tính đến lạm phát vốn vẫn ở mức cao, tiền lương thực tế vẫn tăng 12,6% hàng năm.
Cũng giống Việt Nam, tăng trưởng lương ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương duy trì ở mức cao – 6,3% năm 2010, thể hiện khả năng chống chịu khủng hoảng của các nền kinh tế trong khu vực. Tuy nhiên, mức lương chênh lệch đáng kể giữa các quốc gia và khu vực khác nhau.
Theo báo cáo của ILO, một công nhân làm việc trong lĩnh vực chế tạo ở Philippines mang về nhà 1,4 USD cho mỗi giờ làm việc, so với gần 5,5 USD ở Brazil, 13 USD ở Hy Lạp, 23,3 USD ở Mỹ và gần 35 USD ở Đan Mạch.
Trong khi báo cáo chỉ ra rằng, tăng trưởng lương toàn cầu tăng với tốc độ thấp hơn tăng năng suất lao động, bức tranh ở Việt Nam lại hoàn toàn tương phản.
Ở các nền kinh tế phát triển, tăng trưởng năng suất lao động tăng hơn gấp đôi so với tiền lương kể từ năm 1999. Ngay cả ở Trung Quốc, nơi lương tăng khoảng gấp ba lần trong thập niên vừa qua nhưng người lao động được hưởng ít hơn trước bởi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng nhanh hơn so với tổng số lương trả cho họ.
Xu hướng toàn cầu này dẫn tới một sự thay đổi trong phân bổ thu nhập, nghĩa là người lao động được hưởng ít hơn từ thành quả lao động của chính họ trong khi chủ sở hữu vốn được lợi nhiều hơn.
Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder nhận định: “Đây là một chiều hướng không được mong đợi và cần phải đổi ngược lại. Ở cấp độ xã hội và chính trị, điều đó có nghĩa là người lao động và gia đình họ không được nhận phần chia công bằng mà họ đáng được hưởng.”
Tuy nhiên, trái với tình hình chung trên toàn cầu, tốc độ tăng trưởng tiền lương danh nghĩa và thực tế ở Việt Nam lại cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động ít nhất 3 lần.
Một trong những lý do lý giải xu hướng này chính là cũng giống nhiều quốc gia đang phát triển khác, mức lương trung bình chỉ thể hiện mức thu nhập của người lao động được hưởng lương (ở Việt Nam, nhóm này chỉ chiếm 33,8% lực lượng lao động). Trong khi đó, năng suất lao động lại tính đến GDP của tất cả những người có việc làm, bao gồm cả những người tự kinh doanh.
Theo Chuyên gia cao cấp về Quan hệ lao động của ILO tại Việt Nam, Yoon Youngmo, Chính phủ đã và đang sử dụng lương tối thiểu như một công cụ chính sách để dần nâng mức sàn tiền lương trong những năm vừa qua (mỗi năm tăng hơn 20%).
“Chính phủ Việt Nam đã và đang dựa vào chính sách lương tối thiểu như một cơ chế chính phát triển tiền lương và một công cụ chủ đạo để giảm nghèo và cung cấp sự bảo trợ xã hội cho nhóm lao động dễ bị tổn thương. Và Chính phủ đã rất thành công với chính sách này.” – ông Yoon Youngmo cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Youngmo, tốc độ tăng lương và mức độ phức tạp ngày một gia tăng của nền kinh tế cũng đồng nghĩa với việc lương tối thiểu không còn là công cụ hữu ích như trước đây để áp đặt xu hướng tiền lương cho người lao động được hưởng lương trong nền kinh tế chính thức.
Ông nói: “Cần thiết phải có các cơ chế quy định lương hữu hiệu hơn. Những cơ chế này cần tính đến sự phát triển của thị trường lao động và đảm bảo rằng tăng trưởng lương phải phù hợp với tăng năng suất lao động.”
Theo Giám đốc Quốc gia ILO tại Việt Nam, Gyorgy Sziraczki, Việt Nam phải đối mặt với những thử thách khác phía trước để đất nước được hưởng lợi đồng đều từ mức tăng trưởng lương.
Ông cho biết: “Các chính sách cần tập trung vào gần 60% lực lượng lao động hiện vẫn thuộc bộ phận kinh tế phi chính thức với năng suất lao động thấp, ít được bảo vệ và thu nhập thấp”. Đồng thời, ông cũng cảnh báo về chênh lệch mức lương theo giới ngày càng gia tăng ở Việt Nam.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()