Tổ chức Lao động Quốc tế nhấn mạnh vai trò của việc thu thập dữ liệu về an toàn lao động
Nhân Ngày An toàn và Sức khỏe lao động thế giới 28/4, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhấn mạnh tính cấp bách, sự cần thiết phải cải thiện đáng kể chất lượng của các dữ liệu về an toàn và sức khỏe lao động ở quy mô quốc gia.
Theo đánh giá của ILO, ước tính mỗi năm có tới hơn 2,3 triệu người tử vong và 300 triệu tai nạn gây thương tích tại nơi làm việc.
Trong tuyên bố được đưa ra, Tổng giám đốc ILO Guy Ryder cảnh báo: “Nhưng những ước tính này không nhận thức được đầy đủ mức độ của vấn đề, cũng không phải là tỷ lệ thực tế của những tai nạn và bệnh nghề nghiệp đối với người lao động, gia đình họ và nền kinh tế”. “Chúng ta cần những dữ liệu quốc gia có chất lượng tốt hơn để hiểu rõ hơn về những khía cạnh khác nhau và hậu quả của tai nạn, thương tích, cùng các bệnh nghề nghiệp và để hỗ trợ các chính sách và chiến lược để có nơi làm việc an toàn và trong lành” – ông nêu rõ.
Theo ILO, các dữ liệu an toàn và sức khỏe lao động đáng tin cậy có thể tạo điều kiện cho việc thiết lập ưu tiên và đánh giá tiến độ đã được thực hiện. “Chúng rất cần thiết để phát hiện những nguy hiểm mới và các rủi ro bất ngờ, xác định những lĩnh vực nguy hiểm, phát triển các biện pháp phòng ngừa và thực hiện chính sách, hệ thống và chương trình ở cấp quốc gia và giữa các doanh nghiệp. Chúng cũng rất hữu ích cho việc chẩn đoán sớm các bệnh nghề nghiệp và thực hiện những biện pháp để bảo đảm các bệnh này được công nhận và nạn nhân được bồi thường”. – ông Ryder nói.
ILO cho rằng cải thiện và hài hòa hóa các dữ liệu về an toàn và sức khỏe lao động có thể tạo điều kiện cho việc phân tích so sánh và chiến dịch nâng cao nhận thức. Dữ liệu có chất lượng cho phép tinh chỉnh các chiến lược phòng ngừa và xây dựng pháp luật phù hợp. Dữ liệu này cũng thúc đẩy đối thoại xã hội hiệu quả về những vấn đề giữa nhiều bên liên quan khác nhau, trong đó có các chính phủ, tổ chức sử dụng lao động và người lao động.
Theo Tổng giám đốc ILO, các quốc gia có những dữ liệu có chất lượng sẽ thực hiện cam kết của họ tốt hơn trong việc thực hiện kế hoạch hành động toàn cầu xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh và bảo đảm sự thịnh vượng cho tất cả mọi người trong bối cảnh Chương trình Phát triển Bền vững vào năm 2030 của Liên hợp quốc. Theo đó, Mục tiêu Phát triển Bền vững thứ 8: “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, chia sẻ, hiệu quả lao động đầy đủ và việc làm bền vững cho tất cả mọi người” đặc biệt nhấn mạnh việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, thúc đẩy an toàn tại nơi làm việc và bảo vệ tất cả người lao động, kể cả những người có việc làm bấp bênh.
ILO ước tính tai nạn nghề nghiệp và các bệnh liên quan gây thiệt hại khoảng 4% GDP toàn cầu, tương đương 2,8 nghìn tỷ USD/năm./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()