Tổ chức Kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XIV bằng hình thức trực tuyến và tập trung
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận nội dung thảo luận.
Nhiều nội dung quan trọng
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc tổ chức kỳ họp theo hai đợt với hình thức trực tuyến và tập trung, nhằm bảo đảm phù hợp tình hình dịch bệnh hiện nay; đồng thời, bảo đảm Quốc hội vẫn có thể xem xét, quyết định kịp thời những vấn đề cấp thiết do thực tiễn đặt ra.
Theo chương trình dự kiến: Đợt 1 tiến hành trong tám ngày rưỡi, bắt đầu ngày 20-5 (khai mạc kỳ họp) và kết thúc sáng 30-5; Đợt 2 tiến hành trong chín ngày bắt đầu ngày 10-6 và kết thúc ngày 19-6 (bế mạc kỳ họp).
Về nội dung kỳ họp, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề nghị của Chính phủ, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến điều chỉnh nội dung kỳ họp như sau: Bổ sung bốn nội dung gồm dự án Luật Cư trú (sửa đổi); các dự thảo Nghị quyết về: phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), việc gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức, 1957.
Bên cạnh đó, rút năm nội dung gồm: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); chất vấn và trả lời chất vấn; Báo cáo về quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2019 (Chính phủ đề nghị chuyển sang kỳ họp thứ mười); Báo cáo kết quả thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2017 (Chính phủ đề nghị chuyển sang năm 2021).
Đối với hai nội dung do Chính phủ đề nghị bổ sung, là dự thảo Nghị quyết về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, sẽ thực hiện theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi xem xét các nội dung này.
Tại phiên họp chiều nay, các đại biểu tham gia thảo luận, nhiều ý kiến đánh giá cao công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ chín của Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Quốc hội được tiến hành nhanh chóng, toàn diện, khoa học, sát với tình hình thực tiễn và có tính dự báo trên cơ sở diễn biến tình hình dịch bệnh hiện nay.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo về một số vấn đề chuẩn bị Kỳ họp thứ chín, Quốc hội Khóa XIV.
Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao với việc tổ chức kỳ họp theo hai đợt trực tuyến và tập trung. Việc áp dụng hình thức họp trực tuyến sẽ là bước tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội, tiến tới Quốc hội điện tử; đồng thời, cũng là cách thức để Quốc hội có thể xem xét, quyết định kịp thời những vấn đề cấp thiết do thực tiễn đặt ra.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí không tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp trên nghị trường tại kỳ họp thứ chín. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, Văn phòng Quốc hội cần trả lời rõ với các đại biểu Quốc hội về việc các đại biểu vẫn có thể gửi câu hỏi chất vấn bằng văn bản tới các thành viên Chính phủ.
Cơ hội để Quốc hội đổi mới hoạt động hơn nữa
Trình bày nội dung liên quan công tác tiếp xúc cử tri, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, tùy tình hình dịch bệnh ở mỗi địa phương đề nghị tổ chức như sau: Các địa phương thuộc hai nhóm có nguy cơ và nguy cơ thấp có thể tổ chức tiếp xúc cử tri như thông lệ nhưng phải bảo đảm yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, nhất là giảm số lượng người và bảo đảm khoảng cách tiếp xúc.
Tại các địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội thông báo đến cử tri về dự kiến chương trình kỳ họp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời, thông báo các kênh thông tin để cử tri phản ảnh ý kiến, kiến nghị gồm địa chỉ, số điện thoại, email, cổng thông tin điện tử (nếu có), danh sách các báo, đài…; phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức việc thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri; gửi báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phát biểu ý kiến thảo luận, theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, trước thời điểm tiến hành đợt 1 của Kỳ họp thứ chín, mặc dù các Đoàn Đại biểu Quốc hội chưa triển khai tiếp xúc cử tri được nhưng có thể chủ động tiến hành tiếp nhận kiến nghị của cử tri qua thư điện tử, điện thoại và các hình thức khác; bố trí bộ phận trực và tiếp nhận kiến nghị của cử tri như bộ phận tiếp công dân thường xuyên, bảo đảm tiếp nhận đầy đủ kiến nghị của cử tri…
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu ý kiến tại phiên họp.
Bên cạnh đó, trước thời điểm đợt 2 với hình thức họp tập trung, đại biểu Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội có thể tiến hành tiếp xúc cử tri theo hình thức tiếp xúc giữa cá nhân đại biểu với cử tri và tiếp xúc cử tri theo nhóm nhỏ. Qua đó tạo sự chủ động, linh hoạt cho các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và bảo đảm chấp hành đúng các quy định về biện pháp phòng, chống dịch.
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đánh giá cao Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội chuẩn bị kế hoạch cho kỳ họp rất khoa học, phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước hiện nay. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XIV tổ chức thành hai đợt. Đợt 1 khai mạc đúng ngày 20- 5 như thường lệ. Đề nghị các cơ quan hữu quan chuẩn bị các nội dung, tài liệu để báo cáo Quốc hội.
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Kỳ họp thứ chín diễn ra trong bối cảnh đặc biệt và đây là cơ hội để Quốc hội đổi mới hoạt động. Kỳ họp thứ chín mang ý nghĩa quan trọng là kỳ họp của đoàn kết dân tộc, hiệu triệu cả đất nước sau chống dịch bệnh tập trung sức để phục hồi kinh tế, xây dựng phát triển đất nước.
Về một số nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, kỳ họp này tuy không chất vấn trực tiếp tại hội trường nhưng quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội vẫn thực hiện, có thể chất vấn bằng văn bản và các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, mặc dù không tổ chức tiếp xúc cử tri tập trung nhưng việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri vẫn được tiến hành thông qua nhiều hình thức linh hoạt, thông qua nhiều kênh trong đó có thông tin báo chí là rất quan trọng; giao Mặt trận Tổ quốc và Đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các địa phương căn cứ tình hình thực tế có hình thức tiếp xúc cử tri phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, kỳ họp này tiếp tục tạo điều kiện thuận tiện cho các cơ quan thông tấn báo chí tác nghiệp, đưa tin về kỳ họp, có thông cáo báo chí hàng ngày và chủ trương phân bổ số lượng nhất định để tạo điều kiện cho phóng viên gặp gỡ, trao đổi, phỏng vấn đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường thời lượng thông tin tuyên truyền về nội dung, chương trình kỳ họp, bảo đảm kịp thời thông tin đến cử tri và Nhân dân cả nước.
Đề nghị Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội quan tâm điều kiện bảo đảm cho kỳ họp, trong đó bảo đảm vấn đề hạ tầng kỹ thuật; chú trọng các biện pháp đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời gửi thông báo ý kiến đến các cơ quan hữu quan để tổ chức thực hiện, bảo đảm việc chuẩn bị cho kỳ họp đạt kết quả tốt nhất.
Sau khi gửi văn bản xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội nhận được phản hồi của 63 đoàn, 19 đại biểu. Trong đó, đa số ý kiến (59/63 Đoàn) nhất trí việc tổ chức kỳ họp theo hai đợt trực tuyến và tập trung. Tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị chuẩn bị tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tuyến kết hợp họp tập trung, tạo sự chủ động cho việc chuẩn bị kỳ họp.
Với phương thức họp trực tuyến, việc biểu quyết thực hiện thông qua phần mềm biểu quyết cài đặt trên thiết bị di động, kết quả biểu quyết sẽ được thể hiện trên màn hình phòng Diên Hồng. Trưởng các Đoàn đại biểu Quốc có trách nhiệm tổ chức, điều hành các hoạt động của Đoàn tại địa phương trong thời gian Quốc hội họp trực tuyến, trong đó có việc điểm danh đại biểu tham dự tại điểm cầu. Việc điểm danh đại biểu dự họp tại phòng Diên Hồng do Tổng Thư ký Quốc hội thực hiện…
(Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc)
Ý kiến ()