Tổ chức hiệu quả phiên toà rút kinh nghiệm
LSO-Thời gian qua, Tòa án Nhân dân (TAND) 2 cấp tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm (PTRKN), qua đó giúp các thẩm phán, hội thẩm Nhân dân, thư ký hoàn thiện kỹ năng, góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử.
Cuộc họp rút kinh nghiệm của TAND tỉnh sau phiên tòa
rút kinh nghiệm về vụ án dân sự
Bà Chu Lệ Hường, Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết: Thực hiện Hướng dẫn số 136/HD-TANDTC ngày 30/3/2017 của TAND tối cao về công tác tổ chức PTRKN, TAND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ thư ký tổ chức PTRKN và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện trong TAND 2 cấp. Theo hướng dẫn, TAND tối cao giao chỉ tiêu mỗi thẩm phán phải thực hiện ít nhất 1 PTRKN/năm, TAND tỉnh giao 1 thẩm phán phải có ít nhất 2 PTRKN/năm, những thẩm phán mới bổ nhiệm hoặc thẩm phán có án hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan phải thực hiện trên 3 PTRKN/năm. Việc tổ chức PTRKN là một trong những bước tiến mới, quan trọng của TAND nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng để nâng cao chất lượng xét xử các vụ án, đặc biệt là nâng cao chất lượng tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp.
Theo đó, các vụ án đưa ra tổ chức PTRKN được thẩm phán ưu tiên lựa chọn vụ án có tính chất phức tạp hoặc vụ án có luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự và phát huy được kỹ năng trong việc điều hành tranh tụng, xét hỏi tại phiên tòa của thẩm phán chủ tọa, thành viên hội đồng xét xử. Ông Lộc Sơn Thái, Chánh tòa Hành chính TAND tỉnh cho biết: Trung bình mỗi năm tôi xét xử 70 vụ án các loại, trong đó, tôi đều đạt và vượt chỉ tiêu về tổ chức PTRKN. Từ năm 2017, khi thực hiện PTRKN, tôi đều xây dựng kế hoạch giải quyết vụ án, kế hoạch xét hỏi tại phiên tòa để đảm bảo xử lý tốt các tình huống phát sinh. Yếu tố quan trọng nhất để tổ chức PTRKN thành công là dự báo được diễn biến tại phiên tòa, những tình huống pháp lý có thể xảy ra trong quá trình xét xử và xử lý các tình huống xảy ra tại phiên toà đúng theo quy định của pháp luật.
Có thể nói nhờ triển khai tốt PTRKN, đã góp phần nâng cao chất lượng xét xử. Trong năm 2020, tỷ lệ giải quyết án của TAND 2 cấp đạt 99,6%, cụ thể án hình sự đạt 99,8%; án dân sự đạt 97,6%; án hành chính đạt 100%. Chất lượng xét xử ngày càng được nâng cao, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, tỷ lệ án hủy, án sửa do nguyên nhân chủ quan đều thấp hơn tỷ lệ cho phép của TAND tối cao. Trong đó, TAND tỉnh và 100% TAND huyện, thành phố đều vượt chỉ tiêu về PTRKN, cụ thể TAND 2 cấp đã tổ chức 246 PTRKN, vượt 420% chỉ tiêu TAND tối cao yêu cầu và đạt 163% chỉ tiêu TAND tỉnh đề ra. |
Sau khi kết thúc PTRKN, lãnh đạo TAND tỉnh cùng thành viên hội đồng xét xử, các thẩm phán, thẩm tra viên và thư ký tham dự phiên họp rút kinh nghiệm. Trong đó, nêu những ưu điểm để thẩm phán, hội thẩm Nhân dân, thư ký học tập, phát huy. Đồng thời, thẳng thắn chỉ ra hạn chế của thẩm phán chủ tọa phiên tòa và thành viên hội đồng xét xử trong quá trình xét xử, về tính thuyết phục của bản án đã tuyên; kỹ năng điều khiển phiên tòa của thẩm phán chủ tọa phiên tòa; cách thức tổ chức, chuẩn bị phiên tòa, tác phong, trang phục, lời lẽ, ứng xử, bản lĩnh nghề nghiệp của thẩm phán, thành viên hội đồng xét xử … Trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án.
Không chỉ TAND tỉnh, TAND cấp huyện cũng tăng cường thực hiện PTRKN. Bà Trương Thị Hương Giang, Chánh án TAND huyện Chi Lăng cho biết: Từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã tổ chức được 58 PTRKN. Sau khi kết thúc PTRKN, đơn vị đều tổ chức họp rút kinh nghiệm, đối với những vụ án điểm, ngoài các thành phần như TAND tối cao hướng dẫn, tại phiên họp rút kinh nghiệm, chúng tôi đã mời thêm lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân huyện, kiểm sát viên tham gia để cùng trao đổi, góp ý. Tiêu biểu trong tháng 4/2020, tôi trực tiếp là thẩm phán chủ tọa PTRKN sơ thẩm xét xử bị cáo Chu Đức T, trú tại thành phố Lạng Sơn phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Đây là vụ án được dư luận quan tâm, quá trình xét xử có nhiều tình huống phát sinh nhưng đều được xử lý kịp thời theo đúng dự kiến, phiên tòa diễn ra đảm bảo chất lượng, xét xử đúng người, đúng tội.
Cùng với đó, để khích lệ tổ chức PTRKN, TAND tỉnh đã đưa việc thực hiện PTRKN thành 1 trong những tiêu chí đánh giá thi đua của thẩm phán và tập thể đơn vị, kịp thời biểu dương, khen thưởng các thẩm phán thực hiện tốt PTRKN. Trong năm 2018, TAND 2 cấp có 1 thẩm phán được TAND tối cao tặng bằng khen, năm 2019 có 2 thẩm phán được Chánh án TAND tỉnh tặng giấy khen chuyên đề vì có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức PTRKN.
Các PTRKN đều diễn ra đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng, quá trình điều hành tranh tụng tại phiên tòa của thẩm phán chủ tọa được thực hiện nghiêm túc, chất lượng.
Ý kiến ()