Tổ chức công đoàn là nòng cốt phát huy dân chủ cơ sở
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phải đánh giá nghiêm túc về vai trò của tổ chức công đoàn trong thực hiện dân chủ cơ sở ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. |
Hiện hệ thống Công đoàn Việt Nam gồm 63 liên đoàn lao động; 20 công đoàn ngành, tổng công ty; 1.200 công đoàn trực tiếp trên cơ sở; hơn 120.000 công đoàn cơ sở quy tụ hơn 10 triệu đoàn viên.
Từ năm 2016 đến nay, các cấp công đoàn đã tổ chức 21.826 lớp tập huấn về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở cho trên 2,9 triệu lượt cán bộ, đoàn viên. Hơn 120.000 đơn vị công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động đăng công khai các quy chế, quy định nội bộ. Giai đoạn 2016-2017, công đoàn các cấp đã tham gia với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng 40.119 quy chế mới; sửa đổi, bổ sung 70.952 quy chế dân chủ cơ sở.
Công đoàn các cấp đã tổ chức trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai từng nội dung trong thực hiện quyền dân chủ; tham mưu cho lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương đối thoại với người lao động, giải quyết bức xúc. Trong đó có 82.048 cuộc đối thoại định kỳ 3 tháng/lần và 9.416 cuộc đối thoại đột xuất. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn) đã chủ động nghiên cứu, tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Từ năm 2016 đến nay trung bình 99% cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đã tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, viên chức; 59% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã tổ chức hội nghị người lao động (trong đó doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối đạt 96%). Hàng vạn bản thoả ước lao động tập thể được ký mới, hoặc sửa đổ, bổ sung, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho người lao động về tiền lương, định mức lao động, bảo hiểm, phúc lợi, khen thưởng, điều kiện lao động…
Kết quả thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động. Hình thành môi trường sản xuất, kinh doanh thân thiện, thu hút vốn đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm mới.
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn đã nêu một số tồn tại, hạn chế lớn trong thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thời gian qua. Cụ thể, nhiều hội nghị người lao động, các cuộc đối thoại giữa chủ doanh nghiệp và người lao động còn hình thức, chưa phát huy quyền dân chủ của người lao động. Nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa xây dựng, chậm sửa đổi quy chế dân chủ cơ sở, quy chế đối thoại, quy chế nội bộ… phù hợp với pháp luật hiện hành. Hầu hết doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở đều chưa triển khai tổ chức thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.
“Công tác tuyên truyền, phổ biến quy định thực hiện quy chế dân chủ cơ sở có hiệu quả thấp, chưa đổi mới hình thức tuyên truyền, có nơi còn né tránh. Một bộ phận không nhỏ người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước và FDI chưa nhận thức đầy đủ về quy chế dân chủ cơ sở. Nhiều người lao động chưa được tiếp cận các quy chế dân chủ cơ sở, chưa rõ quyền dân chủ của mình. Còn tình trạng ‘khoán trắng’ cho tổ chức công đoàn trong xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp”, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn cho biết.
Trong khi đó, việc xử phạt đối với doanh nghiệp trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở rất hạn chế, thiếu chế tài.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Bùi Văn Cường cho biết hiện khu vực ngoài nhà nước số đoàn viên chiếm gần 60% nên đây là khu vực cần phải tập trung để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Tổng Liên đoàn xác định phải đặt lợi ích đoàn viên lên hàng đầu, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đủ mạnh, đặc biệt là người đứng đầu công đoàn cơ sở; kiện toàn tổ chức đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ, đẩy mạnh truyền thông.
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn cũng nêu thực tế hiện thiếu cơ chế để đào tạo, bồi dưỡng, đưa những “thủ lĩnh công đoàn” giỏi ở cơ sở lên làm việc ở các công đoàn cấp trên cơ sở.
Ghi nhận các ý kiến tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những nỗ lực của Tổng Liên đoàn những năm qua đã thực hiện công tác dân chủ cơ sở bài bản, thường xuyên, hoàn thành tốt nhiệm vụ, củng cố vai trò trong các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước. Các vấn đề mâu thuẫn nảy sinh giữa người lao động và người sử dụng lao động được giải quyết tốt hơn nhờ tổ chức công đoàn. Nhiều cơ quan thực hiện tốt dân chủ cơ sở với sự tham gia tích cực của cán bộ công đoàn.
“Công đoàn không chỉ đổi mới cùng với đất nước mà cần đi đầu, thúc đẩy, tạo động lực cho sự đổi mới của đất nước. Phải làm sao cho người lao động, đoàn viên thấy được lợi ích thực sự, ‘sát sườn’ trước mắt của mình. Đây là điểm thời gian qua công đoàn đã làm tốt và cần tiếp tục phát huy”, Phó Thủ tướng đánh giá.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý Tổng Liên đoàn cần xem xét đánh giá việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở 3 cấp độ. Trước hết là thực hiện dân chủ tại cơ quan Tổng Liên đoàn, nội bộ có đoàn kết không, hiệu quả làm việc đến đâu. Tiếp đến là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Liên đoàn đối với liên đoàn lao động địa phương, công đoàn ngành đối với công tác dân chủ cơ sở. Cuối cùng, thông qua hoạt động của mình, các tổ chức công đoàn đã đóng góp thế nào vào việc phát huy dân chủ cơ sở trong xã hội.
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn phải có đánh giá nghiêm túc về vai trò của tổ chức công đoàn trong thực hiện dân chủ cơ sở ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.
Từ câu chuyện chưa bảo đảm dân chủ cơ sở trong trường phổ thông, Phó Thủ tướng cho rằng có nhiều nguyên nhân trong đó vai trò tổ chức công đoàn cơ sở chưa được phát huy đầy đủ. Phó Thủ tướng “đặt hàng” Tổng Liên đoàn phối hợp với các bộ ngành rà soát các văn bản, công cụ pháp lý, quy định để công đoàn cơ sở thực sự là nòng cốt để người lao động, đoàn viên thực hiện, phát huy quyền dân chủ của mình.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần phối hợp với công đoàn các cấp để thanh tra, kiểm tra thực hiện dân chủ cơ sở, bảo vệ quyền lợi của người lao động, đoàn viên công đoàn trên địa bàn.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Tổng Liên đoàn đẩy mạnh cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin; công khai, minh bạch, đặc biệt trong sử dụng các quỹ và tài sản công đoàn, bảo đảm đóng góp của người lao động được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
Ý kiến ()