Tổ chức công đoàn đổi mới tổ chức hoạt động, tập trung hướng tới cơ sở
Hoạt động công đoàn sẽ đổi mới, ngày càng hướng mạnh về cơ sở, tập trung hơn vào các nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Quá trình phát triển kinh tế thị trường, những cơ hội, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế và việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ tác động sâu sắc đến việc làm, thu hút, tập hợp người lao động … Những sự thay đổi này đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn về tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam, đặc biệt là các hoạt động hướng về cơ sở, công đoàn viên.
Đổi mới ở công đoàn cơ sở
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW của về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” khẳng định sự quan tâm, quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp thiết thực nhằm chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và tổ chức công đoàn Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Trước sự chuyển mình tất yếu này của tổ chức công đoàn Việt Nam, cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân viên chức lao động, nhất là công nhân lao động đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp kỳ vọng về những đổi mới mang tính tích cực và đột phá. Sự đổi mới này không chỉ mang lại quyền và lợi ích cho đoàn viên công đoàn nói chung là còn mang nhiều tác động tích cực đến nhiều đối tượng khác.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết sau 1 năm triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TW, kết quả ban đầu cho thấy hoạt động của các cấp công đoàn đã có nhiều đổi mới, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng cao. Trong đó, một trong những kết quả nổi bật đã đạt được đó là hoạt động công đoàn đã hướng mạnh về cơ sở, tập trung hơn vào các nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4, các cấp công đoàn đã chủ động, sáng tạo, trách nhiệm trong tổ chức các hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ số, internet, mạng xã hội trong chỉ đạo điều hành, tuyên truyền, vận động người lao động, qua đó phát huy tinh thần tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng của công nhân lao động trong hưởng ứng các chủ trương, quyết sách của Chính phủ.
Từ thực tiễn vai trò của tổ chức công đoàn đồng hành trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19, Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sự chủ động của công đoàn, phối hợp cùng doanh nghiệp, người sử dụng lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, tạo sự tin tưởng, đồng cảm trong người lao động và cộng đồng doanh nghiệp, có thể xem là một nhân tố quan trọng đóng góp vào kết quả phục hồi tích cực kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh sau đại dịch.
Theo ông Trần Đoàn Trung, trong quá trình chống chọi với đại dịch, công đoàn cơ sở đã thành lập từ sớm các tổ an toàn COVID-19 ngay tại doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất, xây dựng phương án hỗ trợ khẩn cấp công nhân, người lao động tương ứng với các cấp độ phong tỏa: Doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu lưu trú tập trung đông công nhân, phương án phối hợp đưa F0 đi điều trị, F1 đi cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan chức năng.
Sau dịch bệnh, tổ chức công đoàn đã có nhiều biện pháp giúp đỡ, động viên, khuyến khích người lao động quay trở lại thị trường lao động, qua đó giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, công nhân lao động có việc làm, ổn định tình hình quan hệ lao động.
“Bước vào giai đoạn phục hồi sau dịch, bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trị liệu phục hồi hậu COVID-19, vận động công nhân, người lao động trở lại làm việc, công đoàn phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng các phương án tổ chức sản xuất an toàn, thích ứng linh hoạt, hỗ trợ thực hiện thủ tục thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Song song đó, là việc phát động rộng khắp các phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo, nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm ổn định,” ông Trung cho biết.
Đề cao nhiệm vụ bảo vệ người lao động
Những năm gần đây, đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân lao động phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tính đến đến hết tháng 6/2022, tổng số đoàn viên cả nước là hơn 10,8 triệu đoàn viên, sinh hoạt trong hơn 125.821 công đoàn cơ sở. Công tác cán bộ công đoàn cũng đã nhiều đổi mới, được thực hiện nghiêm túc, bài bản hơn.
Việc thay đổi tư duy hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới của một bộ phận cán bộ công đoàn đang tạo sức bật mới, là tiền đề xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh và đổi mới hoạt động công đoàn Việt Nam.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh cần đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn phù hợp với số lượng, cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động và yêu cầu hội nhập quốc tế; phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo và tổ chức hoạt động công đoàn theo hướng khoa học, sáng tạo, hướng về cơ sở, phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, người lao động, tập trung nguồn lực cho các nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi. Đẩy mạnh thực hiện “Văn phòng điện tử”, ứng dụng mạnh mẽ, sâu rộng công nghệ thông tin trong hoạt động công đoàn. Xây dựng và triển khai các đề án, dự án về chuyển đổi số, hệ thống đào tạo và bồi dưỡng trực tuyến, hệ thống phòng họp trực tuyến trong các cấp công đoàn…
Các cấp công đoàn đang tập trung hướng trọng tâm hoạt động vào thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động, đẩy mạnh thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể và đối thoại tại nơi làm việc. Hoạt động công đoàn quan tâm lựa chọn những vấn đề cụ thể, bức xúc, cấp thiết của đoàn viên, người lao động ở cơ sở để nghiên cứu ban hành văn bản, tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đạt kết quả, tạo chuyển biến, được đoàn viên, người lao động và xã hội ghi nhận./.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đặt ra mục tiêu hàng năm phấn đấu có 90% trở lên doanh nghiệp Nhà nước và 70% trở lên doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; 98% trở lên cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức; 95% trở lên doanh nghiệp nhà nước và 60% trở lên doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tổ chức hội nghị người lao động và các hình thức dân chủ khác theo quy định của pháp luật. Công đoàn cơ sở được sử dụng 75% số thu kinh phí công đoàn của đơn vị. Phấn đấu hàng năm có 20% số đoàn viên trở lên được hưởng các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi từ các đối tác đã ký kết chương trình phối hợp; 100% đoàn viên được thăm hỏi, tặng quà khi có hoàn cảnh khó khăn; 75% đoàn viên, người lao động được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tham quan, nghỉ mát do công đoàn tổ chức hoặc phối hợp tổ chức. |
Ý kiến ()