Tổ chức chính quyền địa phương cần phù hợp Hiến pháp
Ngày 24-11, Kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XIII tiếp tục chương trình làm việc. Buổi sáng, QH thảo luận về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.
Cân nhắc quy định không tổ chức HĐND
Thảo luận về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhiều đại biểu QH cho rằng, đây là một luật khá quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước, tuy nhiên nội dung còn chưa rõ, chưa bám sát thực tế, chưa giải quyết được những yêu cầu đề ra khi tổng kết thi hành Luật Tổ chức HĐND và UBND. Dự thảo Luật cần quy định cụ thể, rõ ràng về: chính quyền hai cấp, chính quyền ba cấp, chính quyền ở nông thôn, chính quyền đô thị, chính quyền hải đảo, chính quyền ở đơn vị hành chính đặc biệt. Làm rõ khái niệm từng cấp chính quyền, đặc điểm, quyền hạn của cơ quan chính quyền.
Bày tỏ nhất trí với việc không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường, đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cho rằng, cần lựa chọn phương án ở đô thị chỉ có duy nhất một cấp chính quyền vì đặc điểm dân số đô thị đông nhưng chủ yếu là người nhập cư với các thành phần khác nhau, phong tục tập quán, văn hóa khác nhau, các liên kết dân cư và liên kết cộng đồng lỏng lẻo hơn dân cư ở các làng xã ở vùng nông thôn. Việc phân định địa giới hành chính nội vùng đô thị chỉ có tính chất ước lệ, không có ý nghĩa về kinh tế, xã hội đầy đủ như ở vùng nông thôn.
Về vấn đề này, các đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) và một số đại biểu QH khác lại ủng hộ phương án ở đâu có UBND thì ở đó cần có HĐND. Theo đó, nếu không tổ chức HĐND ở địa phương, đơn vị hành chính là bỏ đi thiết chế dân chủ gần và gắn bó nhất với người dân trên địa bàn. Điều này đi ngược lại với quan điểm tăng cường quyền làm chủ của nhân dân.
Bên cạnh đó, một số đại biểu đặt câu hỏi: Nếu không tổ chức HĐND ở đơn vị hành chính cấp phường thì tính đại diện của cử tri sẽ được thực hiện như thế nào? Việc giám sát hoạt động của UBND ở nơi đó ra sao? Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) và một số đại biểu khác cho rằng: Mặc dù đưa ra hai phương án nhưng cơ quan soạn thảo chưa phân tích, làm rõ được ưu thế, bất cập, phù hợp hay chưa phù hợp của từng phương án. Vì vậy, dự thảo Luật cần phân biệt rõ chính quyền địa phương và cấp chính quyền địa phương, những đơn vị hành chính nào cần tổ chức chính quyền địa phương bao gồm có HĐND và UBND.
Tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật được đóng góp cho xã hội
Đầu giờ làm việc buổi chiều, QH đã nghe đại diện Ủy ban Thường vụ QH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết thi hành Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Sau đó, QH tiến hành biểu quyết thông qua Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) với 415 đại biểu tán thành, bằng 83,50% tổng số đại biểu QH; biểu quyết thông qua Nghị quyết thi hành Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) với 415 đại biểu tán thành, bằng 83,50% tổng số đại biểu QH. Tiếp đó, QH tiến hành biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi) với sự đồng ý của 411 đại biểu QH, bằng 82,70% tổng số đại biểu QH; biểu quyết thông qua Nghị quyết thi hành Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi) với 416 đại biểu tán thành, bằng 83,70% tổng số đại biểu QH.
Trong phiên làm việc thảo luận về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, phần lớn đại biểu đồng tình với Tờ trình của Chủ tịch nước và báo cáo tóm tắt của Chính phủ về việc phê chuẩn. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thúy Anh (Phú Thọ) và một số đại biểu cho rằng, trong trường hợp có nội dung văn bản pháp luật của nước ta và quy ước quốc tế ghi trong Công ước có khác nhau thì nước ta cần thực hiện theo quy định của quy ước quốc tế ghi trong Công ước. Vì vậy, Chính phủ cần cân nhắc thêm về pháp lý, rà soát lại các văn bản pháp luật để phù hợp khi nước ta phê chuẩn Công ước.
Thảo luận về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, phần lớn đại biểu tán thành việc phê chuẩn Công ước phù hợp truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của người khuyết tật. Khi nước ta phê chuân Công ước, Chính phủ và các địa phương cần có kế hoạch cụ thể, thiết thực hỗ trợ người khuyết tật; cần coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn thực hiện Công ước. Hoàn thiện hơn nữa chính sách quan tâm, giúp đỡ người khuyết tật; nhất là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để người khuyết tật được học nghề, có việc làm, tham gia đóng góp cho xã hội.
Theo tôi, ở đâu có UBND thì nơi đó cần có HĐND. Nếu bỏ HĐND cấp quận, phường là bỏ đi một thiết chế đại diện của nhân dân. Theo đó, khi không có sự giám sát có thể dẫn tới sự lạm quyền trong phân bổ ngân sách, bố trí cán bộ… Mặt khác, nếu chỉ có chính quyền đô thị ở cấp tỉnh sẽ không thể giám sát cụ thể công việc ở quận, phường và không nắm bắt kịp thời cũng như phản ánh sâu sát nguyện vọng của nhân dân.
Theo Nhandan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()