Tình trạng tranh chấp đất đai ở Vân An
Cán bộ địa chính xã Vân An mô tả hiện trường một vụ
tranh chấp đất đai tại thôn Tân Minh
Từ những vụ tranh chấp nhỏ lẻ
Năm 1999, xã Vân An bắt đầu trồng thông theo Dự án trồng rừng Việt – Đức. Đến nay, toàn xã có trên 700 hộ tham gia trồng với khoảng 1.700 ha thông. Từ khi có thông, giá trị đất cũng tăng lên, người ta quan tâm đến đất hơn; rồi xảy ra tình trạng tranh chấp đất đai.
Đơn cử, hồi đầu năm 2015, xảy ra tranh chấp giữa gia đình ông Đặng Văn Thịnh và ông Đặng Văn Ngảo, cùng trú tại thôn Tân Minh. Ông Thịnh cho rằng đất của ông kéo dài từ rừng thông đến một cây cổ thụ đối diện. Ngược lại, ông Ngảo thì cho rằng đất nhà mình mở rộng ra đến rãnh đất đối diện. Cả 2 đều nhận đất dựa trên trí nhớ của mình. Cuối cùng, chính quyền xã giải quyết bằng cách chia đôi khoảng đất và được 2 bên nhất trí.
Theo anh Hoàng Văn Vọ, cán bộ địa chính xã Vân An: sau khi trồng thông, tình trạng tranh chấp đất trong xã bắt đầu xuất hiện, nổi cộm là từ năm 2010. Trong giai đoạn 2010 – 2013, trên địa bàn xảy ra trên 20 vụ; từ năm 2014 đến nay xảy ra 5 vụ, rải rác trong toàn xã. Đa số các vụ việc đều nhỏ lẻ, diện tích đất tranh chấp ít, nhưng việc giải quyết lại dai dẳng, kéo dài. Nhiều vụ có thể hòa giải ngay tại khu dân cư nhưng có vụ phải thành lập hội đồng giải quyết cấp xã; gây mất đoàn kết trong cộng đồng.
Đến những vụ việc phức tạp
Ngoài những vụ việc nhỏ lẻ, trên địa bàn cũng xảy ra nhiều vụ tranh chấp có tính phức tạp, kéo dài. Đơn cử, vụ việc giữa gia đình ông Lường Văn Púp và gia đình ông Lường Văn Tuấn, cùng ở thôn Khòn Nạo từ năm 2010 đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Vụ việc này liên quan đến tranh chấp đất đai lên đến hàng nghìn mét vuông đất. Đặc biệt, nguyên đơn (gia đình ông Púp) đã gửi đơn lên tận Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Được biết, 2 bên gia đình là thông gia của nhau, vụ việc đã khiến tình cảm bị sứt mẻ, khiến 2 bên không nhìn mặt nhau.
Cũng tại Khòn Nạo, hồi tháng 5/2015 vừa qua cũng xảy ra vụ tranh chấp đất đai giữa gia đình ông Lường Văn Nức và ông Lường Văn Bao. Diện tích tranh chấp là hơn 400 m². Điều đáng nói là trước đây hầu như không gia đình nào quan tâm tới mảnh đất này. Từ khi cây sở trồng trên đó cho thu hoạch thì xảy ra sự việc. Cả 2 đều gửi đơn lên xã để chính quyền vào cuộc … Riêng ông Nức đã gửi đơn lên Tòa án nhân dân huyện Chi Lăng. Mọi việc đúng, sai chưa rõ nhưng sự việc đã khiến mâu thuẫn giữa 2 bên gia đình rất căng thẳng.
Ông Đàng Văn Nhàn, Chủ tịch UBND xã Vân An cho biết: Năm 2005, xã đã thực hiện cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng loạt. Tuy nhiên, quá trình đo đạc cũng có sự sai lệch. Thêm vào đó, nhiều trường hợp dù được xem bản đồ, tên thửa đất nhưng do thiếu hiểu biết nên bà con vẫn không phục, tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp đất đai. Khi vào cuộc, chúng tôi đã tuân thủ các quy trình. Dù vậy, nhiều vụ việc vẫn phải vượt cấp để giải quyết.
Cũng theo ông Nhàn, khó khăn của xã là thiếu tài liệu tuyên truyền. Đồng thời, hiện 7/14 thôn chưa có nhà văn hóa, thiếu trụ sở để tập trung phổ biến pháp luật. Kế đến người dân vẫn theo tập quán canh tác truyền thống. Để giải quyết hữu hiệu, mong các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ; bản thân người dân cũng cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế tối đa tình trạng tranh chấp đất đai. Qua đó góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, người dân yên tâm phát triển kinh tế.
Ý kiến ()