"Tình trạng khẩn cấp" về tai nạn giao thông
Trung bình mỗi ngày trên toàn quốc có 24 người chết, hơn 60 người bị thương tật suốt đời do tai nạn giao thông, đó là những con số dẫn tới sự ra đời khái niệm “thảm họa quốc gia” - một cụm từ rất đau xót khi nói tới tình trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam hiện nay. Tai họa không loại trừ bất kỳ người nào khi đi trên đường và do đó, việc giải quyết không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng, mà là ý thức, trách nhiệm của xã hội, của mỗi người.
Nhiều người đã không khỏi bàng hoàng, kinh hãi khi nghe tin về vụ tai nạn giao thông (TNGT) giữa xe tải và xe công nông vừa xảy ra đêm 27-11 trên quốc lộ 14 đoạn qua xã Ia Khươl (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) làm ít nhất năm người chết, chín người bị thương nặng. Tai họa đột ngột giáng xuống 14 người dân Gia Rai khi bà con đang ngồi trên chiếc xe công nông đầu dọc để trở về nhà sau một ngày đổi công thu hái cà-phê. Kết thúc ngày làm việc vất vả, lẽ ra những người nông dân đã được về nhà ăn bữa cơm cuối ngày, nghỉ ngơi hồi sức, nhưng chiếc “xe tải tử thần” biển số 81M-5781 lưu thông cùng chiều tông cực mạnh từ phía sau thùng xe đã chấm dứt những điều giản dị ấy. Cảnh tượng hãi hùng này được một nhân chứng mô tả: “Bên ta-luy đường, chiếc công nông chở người dân đi làm rẫy bị xe tải xé làm đôi, chỉ còn lại phần thùng, đầu bị xe tải kéo lê lôi đi cách đó 2 km”. Khi cơ quan chức năng tiếp cận hiện trường, thì trước đầu chiếc “xe tải tử thần”, phần đầu chiếc xe công nông gặp nạn vẫn dính chặt, chui sâu vào gầm xe.
Sự việc nêu trên khiến chúng ta không thể không nghĩ tới rất nhiều vụ tai nạn gây ra do “xe điên” (lái xe không kiểm soát được tốc độ) có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Tin tức về những chiếc xe mất kiểm soát đâm liên hoàn vào đoàn người và xe lưu thông phía trước liên tục xuất hiện trên nhiều tờ báo và mạng xã hội. Sau tai nạn, nhiều người chết một cách tức tưởi, nhiều người phải chịu tàn phế suốt đời. Có tân sinh viên vừa nhận giấy báo nhập học thì mạng sống đã bị tước bỏ oan uổng. Có đám cưới vừa diễn ra thì đôi lứa đã phải chia lìa vì TNGT xảy đến một cách phi lý. Càng gần đây, cảm giác mất an toàn khi đi trên đường càng trở thành nỗi phấp phỏng, bởi tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Thậm chí có người đang ngồi yên ổn trong nhà, vậy mà tử thần vẫn không tha vì “xe điên” lao thẳng tới, cày nát cửa nhà. Ai xấu số rơi vào tình huống ấy không có đủ thời gian để tự kêu cứu. Ngày qua đi, lại có thêm những bữa cơm gia đình thiếu vắng người thân vì bị thiệt mạng do TNGT.
Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: năm 2012 cả nước xảy ra 36.376 vụ TNGT làm chết 9.838 người, bị thương hơn 38.000 người; năm 2013 có 29.385 vụ TNGT làm chết 9.369 người, bị thương 29.500 người; năm 2014 có 25.322 vụ TNGT làm chết 8.996 người, bị thương 24.417 người. Năm 2015, tính đến tháng 11 trên toàn quốc đã xảy ra gần 21 nghìn vụ TNGT, làm chết gần 8.000 người và 19 nghìn người bị thương. Dù số người chết do TNGT giảm dần, nhưng số vụ và số người bị thương vẫn ở mức cao. Trước thảm họa mang tên TNGT, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chia sẻ: “Nhiều đại biểu Quốc hội đã yêu cầu ban bố tình trạng khẩn cấp về TNGT. Tai nạn khiến nhiều gia đình ly tán, xã hội bất ổn”.
Hiện nay, số người chết do TNGT ở nước ta mỗi năm còn cao hơn số lượng người thiệt mạng do bom đạn chiến tranh tại một số quốc gia trên thế giới. Bộ trưởng Giao thông vận tải đã rất day dứt, khi ông nói: “Một đất nước hòa bình không thể để 9.000 người chết mỗi năm”! Nhưng sự thật cay đắng này vẫn đang tái diễn. Năm 2014, là năm đầu số người chết vì TNGT giảm xuống dưới 9.000 người, tuy nhiên 8.996 người chết vẫn là con số quá cao ở một đất nước hòa bình. Hàng chục người vẫn tiếp tục thiệt mạng mỗi ngày. Đáng chú ý là trong số người chết vì TNGT, có tới 40% là người trẻ tuổi. Tổn thất về người và của đối với từng gia đình, và cho toàn xã hội là vô cùng nặng nề. Những gia đình bị mất đi lao động chính. Những người chịu tàn phế cả đời giữa lúc tuổi trẻ phơi phới với bao ước mơ, dự định. Ngân sách quốc gia tiếp tục gồng gánh hàng nghìn tỷ đồng nhằm khắc phục hậu quả TNGT. Theo các chuyên gia kinh tế, mỗi năm nền kinh tế Việt Nam mất khoảng gần một tỷ USD (tương đương 1,64% GDP) vì TNGT. Đó là con số thiệt hại rất đáng tiếc, song vẫn còn những tổn hại mà không tiền bạc nào bù đắp nổi. Đó là những mất mát, là nỗi đau trong cộng đồng không dễ nguôi ngoai sẽ vừa là lời nhắc nhở vừa là tiếng kêu cứu và là lời cảnh báo nguy cấp tới toàn xã hội.
Vì sao phải chung tay, đồng sức, đồng lòng? Vì khi đã làm chủ một phương tiện giao thông thì ai cũng có thể vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của tai nạn trên đường. Không khó để bắt gặp ở ngã ba, ngã tư có người cố vượt đèn đỏ. Không khó để gặp những chiếc xe máy phóng vun vút, luồn lách, không quan tâm tới luật lệ. Không khó để gặp trên các tuyến đường to nhỏ những xe chở hàng quá khổ, quá tải và quá hạn. Nhiều tai nạn xảy ra khi lái xe mất tập trung vì lý do không thể chấp nhận như mải nói chuyện, nhắn tin điện thoại, nghe nhạc, đạp nhầm chân ga với chân phanh,… Thậm chí nhiều vụ TNGT đã xảy ra do lái xe không nắm vững luật, không phân biệt được làn xe cần đi, đi quá tốc độ hoặc say xỉn. Những lái xe thiếu khả năng chuyên môn, tùy tiện khi lưu thông trên đường, làm liên tưởng tới các cơ sở đào tạo và cấp giấy phép lái xe chỉ có tính hình thức, chất lượng đào tạo rất yếu kém. Để sau khi có giấy phép, lái xe mặc nhiên coi đó là “bùa hộ mệnh” để họ phóng xe ra đường. Bên cạnh đó, cũng phải nói hệ thống đường sá ở Việt Nam hiện còn nhiều bất cập. Nên mới có người chết oan uổng vì một lý do rất khó tin: đường quá xấu cho nên khi điều khiển xe xuống dốc cả người và xe trượt xuống mương nước dẫn đến tử vong; hoặc lái xe tử vong khi xe máy rơi lọt xuống hố giữa đường. Rõ ràng là có cả nghìn lẻ một lý do dẫn đến TNGT, có lý do khách quan, nhưng có không ít lý do chủ quan mà nếu mỗi cá nhân tham gia hoạt động giao thông có ý thức trách nhiệm thì chắc chắn số vụ TNGT sẽ giảm đi đáng kể.
Hiện nay các cấp, các ngành tại nhiều địa phương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông như: giáo dục an toàn giao thông được đưa vào giảng dạy trong trường học; tổ chức tuyên truyền về an toàn giao thông tại các khu dân cư; vi phạm giao thông được báo về cơ quan, trường học, địa phương nơi người vi phạm cư trú đồng thời công bố trên phương tiện thông tin đại chúng để nhắc nhở, răn đe… Một số địa phương như Cà Mau đã ra nghị quyết chuyên đề về an toàn giao thông, trong đó xác định an toàn giao thông là “nhiệm vụ chính trị”, là tiêu chí để kiểm điểm người đứng đầu khi có tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn. Quảng Ninh đã xác định “công tác chấn chỉnh trật tự đô thị, bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ trọng tâm nhưng thường xuyên của các cấp, các ngành và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân”, đồng thời yêu cầu “các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị liên quan phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu”. Trên thực tế đã có lãnh đạo tỉnh xin từ chức vì để TNGT tại địa phương mình quản lý tăng cả ba tiêu chí (số vụ, số người thiệt mạng, số người bị thương). Điều đó cho thấy nhiều địa phương đã ý thức được tầm quan trọng và trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.
Tuy vậy, cũng cần phải nhìn nhận một tình trạng đáng lo ngại hiện nay là công tác tuyên truyền ở một số địa phương, trường học còn mang tính phong trào “trống giong cờ mở” như chủ yếu để báo cáo mà chưa thu hút sự quan tâm, cũng như chưa khuyến khích được người dân tích cực tham gia. Một số người khi tham gia giao thông vẫn có tâm lý đối phó, chỉ khi xuất hiện lực lượng chức năng mới chịu chấp hành quy định của pháp luật, có cảnh sát giao thông thì dừng lại trước đèn đỏ, không thấy cảnh sát giao thông thì đang đèn đỏ cũng phóng luôn. Rồi các hình thức xử phạt hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe, biểu hiện tiêu cực, dung túng sai phạm vẫn tồn tại… khiến tình trạng vi phạm giao thông chưa thể giải quyết tận gốc. Sự thiếu ý thức dù của một số cá nhân sẽ tiếp tục là nguyên nhân khiến cho tai nạn giao thông tiếp tục gia tăng.
Năm 2012, Việt Nam chính thức phát động kế hoạch hưởng ứng Ngày Thế giới tưởng nhớ nạn nhân tai nạn giao thông đường bộ. Ba năm đã trôi qua, những con số thiệt hại do TNGT ở Việt Nam giảm dần nhưng với gần 9.000 người chết do TNGT như hiện nay, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, để dần giảm bớt số vụ tai nạn, số người chết và bị thương. Nếu không muốn trở thành nạn nhân, thì mỗi người cần phải xác định đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của chính mình, nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()