Tình trạng ban hành văn bản chậm chưa được giải quyết dứt điểm
Tình trạng ban hành văn bản chậm vẫn còn, có những nội dung đã được kiến nghị nhiều lần trước đây nhưng chưa được ban hành, hoặc ban hành chưa đúng thẩm quyền, không đúng với quy định.
Sáng 15/8, chất vấn Bộ trưởng Tư pháp tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu nêu rõ trong nhiệm kỳ này, Bộ Tư pháp đã có sự chuẩn bị kỹ hơn về Chương trình Xây dựng Luật, Pháp lệnh.
Tuy nhiên, tình trạng ban hành văn bản chậm vẫn còn, có những nội dung đã được kiến nghị nhiều lần trước đây nhưng chưa được ban hành, hoặc ban hành chưa đúng thẩm quyền, không đúng với quy định của văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước), qua kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội năm 2022 cho thấy có những nội dung đã được kiến nghị từ nhiều lần giám sát trước đây nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành.
Vẫn còn một số văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu chưa bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Có nội dung ủy quyền tiếp, trực tiếp hoặc ban hành chưa đúng thẩm quyền và hình thức văn bản của một số văn bản quy định chi tiết còn chưa phù hợp, không đúng với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Việc rà soát, công bố văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thi hành vẫn còn chậm và những nội dung trên cũng đã được đề cập tại báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm của Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Giải pháp và trách nhiệm của Bộ trưởng trong thời gian tới như thế nào,” đại biểu đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: “Nợ, chậm ban hành văn bản là vấn đề từ lâu rồi, chúng ta bàn nhưng chưa giải quyết dứt điểm… Tuy nhiên, năm 2021, có chiều hướng gia tăng. Số liệu của chúng tôi là tăng 6 văn bản so với năm 2022,” Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng, trong thời gian qua, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã tiến hành giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội cũng có báo cáo về vấn đề này, tuy nhiên số liệu chưa tương đồng. Vì vậy, cần rà soát, nghiên cứu để đảm bảo tương thích về các chi tiết.
Về tổng thể, có thể khẳng định tình trạng chậm, nợ văn bản là có. Dù đã rất cố gắng, nhưng có những nghị định nợ lâu, chưa xử lý được, ví dụ như Nghị định về tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể, xử lý cho Bộ luật Lao động; Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, an ninh mạng…
Phân tích nguyên nhân, Bộ trưởng cho biết do có quá nhiều nội dung giao quy định chi tiết, hoặc một số nghị quyết có hiệu lực ngắn, cần cấp tốc ban hành nghị quyết thay thế…
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, trong đó có các quy định đảm bảo tính kỷ luật hành chính trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ trưởng cũng cho biết Quy định 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm là công cụ rất mạnh, Bộ Chính trị cũng đang chỉ đạo trình quy định của Bộ Chính trị về một số giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng văn bản.
Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng trong xây dựng pháp luật, cần quy định rõ nhiều vấn đề cụ thể trong luật, không nên dựa vào việc xây dựng văn bản giải thích, hướng dẫn.
Về vấn đề rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng cho biết kể từ Báo cáo số 442 đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước, đến nay, Bộ đã trình thêm 10 báo cáo rà soát khác nhau.
Trong thời gian ngắn tới, các đơn vị sẽ trình Quốc hội báo cáo rà soát hơn 22 lĩnh vực.
Công việc rà soát cần có thời gian để thực hiện, khi rà soát cần có trao đổi để có phương án sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh, trách nhiệm rà soát thuộc các bộ, ngành, đơn vị cũng cần được nâng cao.
Một trong những công việc quan trọng cần thực hiện là rà soát lại những kiến nghị, để tránh trùng lặp, ngoài ra cần tập trung cao độ để chuẩn bị cho báo cáo trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 6 sắp tới.
Cũng tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội nêu lên các vấn đề liên quan đến nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm trong công tác tham mưu xây dựng thể chế; giải pháp nâng cao chất lượng hậu kiểm, đảm bảo tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật…/.
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/tinh-trang-ban-hanh-van-ban-cham-chua-duoc-giai-quyet-dut-diem/889168.vnp
Ý kiến ()