Tính toán chiến lược trong các thương vụ tiền tỷ
Trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông diễn biến phức tạp, một số quốc gia của khu vực đã tích cực thúc đẩy các thương vụ mua sắm vũ khí, trang bị để tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia.
Tờ báo Pháp La Tribune mới đây đưa tin, Iraq đang xúc tiến các cuộc đàm phán để mua 12 máy bay chiến đấu đa năng Rafale của Pháp. Ước tính thương vụ này có trị giá khoảng 3 tỷ USD, được quy đổi ra lượng dầu mỏ mà Iraq sẽ chuyển cho Pháp để đổi lấy chiến đấu cơ. Được biết, một khoản thanh toán trả trước trị giá 240 triệu USD đã được thực hiện, nhấn mạnh cam kết của Iraq trong việc hiện đại hóa lực lượng không quân của mình.
Trước đó, Iraq đã thực hiện các bước tăng cường năng lực phòng không quốc gia. Baghdad đã mua hệ thống ra-đa tầm xa di động Ground Master (GM) 403 và GM200 của Pháp. Hệ thống phòng không SAMP/T (Pháp) cũng nằm trong tầm ngắm của Baghdad, song do thời hạn giao hàng kéo dài, Iraq buộc phải chuyển sang mua hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung KM-SAM của Hàn Quốc.
Hồi tháng 9, Baghdad đã hoàn tất thỏa thuận mua 14 trực thăng đa năng H225M của Airbus, nhiều khả năng nhằm thay thế đội bay Mi-17, trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine làm trầm trọng thêm những thách thức về công tác bảo dưỡng đối với thiết bị do Nga sản xuất.
Dường như khá nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu khách hàng tiềm năng, thời gian qua, Pháp chủ động theo đuổi các thỏa thuận mua sắm quốc phòng với Iraq, gửi nhiều phái đoàn cấp cao đến Baghdad để thúc đẩy thực hiện thỏa thuận.
Tuy nhiên, không phải những thương vụ tiền tỷ đều giúp các bên “tối ưu hóa lợi ích” của mình. Với thương vụ mua bán 12 chiến đấu cơ Rafale, điểm mấu chốt gây tranh cãi trong đàm phán là theo quyết định của phía Pháp, các chiến đấu cơ này sẽ không được trang bị tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn Meteor. Hạn chế này có thể ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của Rafale trong các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không. Meteor được đánh giá là một vũ khí quan trọng trong tác chiến trên không, giúp tăng cường năng lực của chiến đấu cơ trong việc tấn công các mối đe dọa từ rất lâu trước khi chúng ở phạm vi phản ứng. Không được trang bị Meteor, có nghĩa là máy bay Rafale không thể phát huy tiềm năng chiến đấu tối ưu trên không. Theo các nhà phân tích, quyết định này của Pháp xuất phát từ mối lo ngại "hộ" Tel Aviv vì máy bay chiến đấu của Israel được cho là đã bay qua không phận Iraq thời gian gần đây để tấn công các mục tiêu ở Iran. Nếu Iraq nắm trong tay vũ khí này, nó có thể trở thành mối đe dọa với máy bay chiến đấu của Israel.
Các quốc gia phương Tây từng tỏ ra thận trọng khi bán tên lửa không đối không cho một số nước Hồi giáo ở Trung Đông. Ví dụ như vào những năm 2000, dưới áp lực của Mỹ và Israel, Pháp chỉ muốn bán cho Ai Cập chiến đấu cơ Rafale có trang bị tên lửa MICA tầm ngắn. Đáp lại, Ai Cập quyết định mua SU-35 của Nga, song kế hoạch này cuối cùng bị hủy bỏ trước sức ép trừng phạt của Mỹ. Gần đây, Ai Cập đang cân nhắc khả năng mua J-10C của Trung Quốc trang bị tên lửa tầm xa PL-15, một lựa chọn tương đương có thể thay thế cho Meteor và AIM-120 của Mỹ.
Cũng trong thập niên 2000, Mỹ bán cho Iraq một số máy bay phản lực F-16, song thay vì trang bị tên lửa AIM-120 thường được sử dụng cho các cuộc giao tranh tầm xa khi ấy, những chiếc F-16 mà Iraq nhận được chỉ được trang bị tên lửa AIM-7 Sparrow đã lỗi thời. Theo thời gian, nhiều trong số các trang thiết bị này xuống cấp mà không có phụ tùng thay thế, khiến năng lực chiến đấu trên không của không quân Iraq bị hạn chế rất nhiều.
Hiện, Ai Cập vẫn không thể có được AIM-120 cho phi đội F-16 của quốc gia này. Một cựu cố vấn quân sự Mỹ nhận xét, chiến đấu cơ F-16 của Ai Cập giống như "máy bay chở khách dân sự" so với các đối thủ Israel do khả năng tên lửa hạn chế của chúng. Những sự khác biệt đó làm nổi bật tính toán chiến lược mà các nước phương Tây áp dụng ở Trung Đông.
Ý kiến ()