Tính tiền lương tối thiểu theo tháng hay theo giờ?
Các nước ít dùng tiền lương tháng để giải quyết vấn đề tiền lương trong khu vực sản xuất kinh doanh. Họ cũng xác định tiền lương tối thiểu nhưng tối thiểu theo giờ để người lao động được quyền làm việc với nhiều hợp đồng lao động.
Đây là trao đổi của ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội với phóng viên xung quanh việc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang đề xuất đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động 2012.
![](http://dangcongsan.vn/DATA/0/2016/06/ongbuisyloi-08_45_54_250.jpg)
Phóng viên (PV) : Thưa ông, tại sao Bộ luật Lao động năm 2012 mới có hiệu lực 3 năm đã phải sửa đổi, bổ sung?
Ông Bùi Sỹ Lợi:Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực từ 1/5/2013. Lúc sửa Bộ luật năm 2012 đã cơ bản giải quyết được một số vấn đề vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện các tiêu chuẩn lao động, quan hệ lao động. Bộ luật về cơ bản đáp ứng được các tiêu chuẩn về lao động theo các công ước của ILO và quan hệ lao động đã được sửa đổi một bước căn bản. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đã bắt đầu bộc lộ những vấn đề gây xung đột giữa chủ sử dụng lao động và người lao động do lợi ích hai bên chưa hài hòa, ổn định.
Mục tiêu của chúng ta là xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Vì vậy, việc sửa Bộ luật lần này là để giải quyết những vấn đề tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn thực thi pháp luật lao động. Đặc biệt là vấn đề về tiền lương, về thời gian làm thêm giờ, tranh chấp lao động, đình công.
Tiếp đến là trong quan hệ lao động, chúng ta cần xác định đối tượng đại diện của người lao động vì bây giờ người lao động có thể thành lập tổ chức để bảo vệ quyền lợi của mình.
PV : Một trong những vướng mắc khi thực hiện Bộ luật được ông nhắc đến ở trên là tiền lương, xin ông nói rõ hơn về vấn đề này?
Ông Bùi Sỹ Lợi:Về vấn đề tiền lương, có câu chuyện là chúng ta đang trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp và chuyển đổ mô hình từ doanh nghiệp nhà nước sang các Công ty cổ phần hoặc doanh nghiệp tư nhân thì tiền lương phải đảm bảo sự công bằng giữa các thành phần kinh tế. Rõ ràng, Luật Doanh nghiệp qui định, các thành phần kinh tế bình đẳng, nên không thể có câu chuyện bảng lương của doanh nghiệp nhà nước khác doanh nghiệp tư nhân và các thành phần doanh nghiệp khác. Cho nên, chúng ta phải điều chỉnh tiền lương.
Bên cạnh đó, trong câu chuyện tiền lương lần này có chuyện là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH và các khoản đóng góp của chủ sử dụng lao động và người lao động. Bởi hiện nay hai đối tượng này phải đóng đến 35,5% tiền lương tháng thì người lao động và chủ sử dụng lao động đều thấy khó khăn. Tức là, giá thành tăng lên, doanh nghiệp không có lợi nhuận, người lao động bị giảm thu nhập. Nhưng vấn đề ở chỗ chúng ta phải cân đối chỗ này để làm sao mức đóng hợp lý, tạo cho doanh nghiệp có lợi nhuận, người lao động có thu nhập nhưng cũng phải nghĩ đến tương lai về tiền lương hưu của người lao động khi người ta nghỉ hưu.
PV : Vậy theo ông, chúng ta nên sửa theo hướng nào?
Ông Bùi Sỹ Lợi :Hiện nay, chúng ta đang thực hiện theo mức tiền lương tối thiểu vùng mà hàng năm Chính phủ công bố. Trong khi đó các nước ít dùng tiền lương tháng để giải quyết vấn đề tiền lương trong khu vực sản xuất kinh doanh. Họ cũng xác định tiền lương tối thiểu nhưng tối thiểu theo giờ để người lao động được quyền làm việc với nhiều hợp đồng lao động. Chính tiền lương tối thiểu theo giờ sẽ làm tăng năng suất lao động và phản ánh đúng bản chất của tiền lương trong nền kinh tế thị trường. Lần này, tiền lương sẽ theo hướng đó.
PV : Về vấn đề lương tối thiểu thì bất cập nhất hiện nay là chưa làm rõ được nhu cầu sống tối thiểu?
Ông Bùi Sỹ Lợi :Đúng, bất cập nhất hiện nay là chưa làm rõ được tiền lương tối thiểu là gì? Tiền lương tối thiểu là phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Tiền lương tối thiểu phải căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế- xã hội; phải căn cứ vào quan hệ cung – cầu lao động, nếu sức mua khác nhau thì chi phí tiền lương khác nhau.
Bây giờ chúng ta đang xác định tiền lương tối thiểu theo vùng, tức là chúng ta xác định trên các yếu tố cơ cấu mặt hàng, lương thực thực phẩm để đảm bảo đời sống cho người lao động, nhưng cái đó chưa thể hiện bản chất của tiền lương tối thiểu. Thứ hai, như đã nói ở trên các nước ít dùng tiền lương tối thiểu theo tháng mà trả tiền lương tối thiểu theo giờ.
PV : Thưa ông, tháng 7 tới, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ họp bàn về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017. Ông dự đoán mức tăng khoảng bao nhiêu?
Ông Bùi Sỹ Lợi:Theo quan điểm cá nhân tôi, năm nay, tiền lương tối thiểu vùng sẽ không tăng bao nhiêu. Bởi lẽ chỉ số giá tiêu dùng hiện nay đang phấn đấu là 5% chưa tác động nhiều đến đời sống người lao động; chúng ta đang trong thời kỳ phát triển, năng suất lao động thấp so với vấn đề thu nhập tiền lương, cho nên phải cố gắng vừa đảm bảo đời sống người lao động nhưng cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển. Giải quyết được mối quan hệ này quả thực là vấn đề khó nên phải bàn.
Khi tranh luận về mức tăng lương tối thiểu vùng, bên nào nói cũng đúng cả, nhưng phải quay lại một trật tự là “làm thế nào ăn thế ấy”. Ăn như thế thì làm như vậy. Trong mối quan hệ giữa thụ hưởng và cống hiến thì phải cân bằng nhau. Vấn đề hiện nay là cả hai cái không gặp nhau thì phải đi ở bài toán trung bình nhưng vẫn phải ưu tiên cho người lao động, vì đây là yếu tố quyết định tăng năng suất lao động. Nếu không đầu tư, đổi mới công nghệ thì yếu tố tăng năng suất lao động là con người. Nhưng người lao động cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp để doanh nghiệp tồn tại, phát triển.
Theo Dangcongsan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()