Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: "... Với những thắng lợi đã giành được trong hơn 80 năm qua, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, khó khăn thách thức còn nhiều". Từ thực tiễn phong phú của cách mạng, Đảng ta đã rút ra 5 bài học lớn, trong đó, ngay sau bài học thứ nhất về nắm vững ngọn cờ Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội là bài học về sức mạnh vô cùng tận của nhân dân: "Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân,...
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “… Với những thắng lợi đã giành được trong hơn 80 năm qua, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, khó khăn thách thức còn nhiều”.
Từ thực tiễn phong phú của cách mạng, Đảng ta đã rút ra 5 bài học lớn, trong đó, ngay sau bài học thứ nhất về nắm vững ngọn cờ Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội là bài học về sức mạnh vô cùng tận của nhân dân: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó máu thịt với nhân dân…”. Bài học có quan hệ tới sự còn mất của cách mạng đó trong tình hình hiện nay, khi mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tổ chức quán triệt, học tập, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống rất cần được hiểu với một nhãn quan vừa lịch sử, vừa thiết thực để vận dụng phù hợp với từng địa phương, đơn vị.
Trong suốt thời gian hơn 80 năm – tương ứng với thời gian nước ta bị thực dân Pháp biến thành thuộc địa – Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo dân tộc tiến hành cuộc đấu tranh tự giải phóng rồi tự lực xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc, đó là thành tích lịch sử không thế lực nào có thể phủ nhận được. Nhưng xét cho cùng, điều kiện tiên quyết của thành công là phải có một cộng đồng dân tộc đã không ngừng tồn tại trong suốt hàng ngàn năm, bất chấp mọi biến thiên của lịch sử – một cộng đồng dân tộc nằm kẹp giữa hai nền văn minh vào loại lâu đời nhất nhì trên thế giới, giữa những dân tộc khổng lồ có sức thu hút hàng trăm dân tộc khác, trên một ngã tư đường giao lưu quốc tế, kích thích sự chinh phục của nhiều thế lực thực dân, đế quốc; thêm vào đó là một bối cảnh thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, đầy lam chướng, hạn hán, bão lụt. Thế mà dân tộc ta đã thắng được mọi sức đồng hóa, chinh phục, không bị Hán hóa, Âu hóa, Mỹ hóa, cũng không bị… “bần cùng hóa” là nhờ vào đâu? Học giả Cao Xuân Huy, trong bài “Một giả thiết làm việc” viết về “Tư tưởng phương Đông” cách đây đã mấy chục năm, lý giải: “Tinh thần lập quốc của dân tộc ta chính là cái tinh thần nhu đạo, nhờ ở chỗ dân tộc ta có đặc tính mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt, lưu động như nước. Sức sống của nước là ở nguồn. Sức mạnh của nước là ở chỗ rất nhiều hạt nhỏ cố kết lại với nhau một cách mềm mại, uyển chuyển linh hoạt, lưu động, có thể uốn theo đường cong, đường thẳng, chỗ lồi, chỗ lõm của đối tượng, đối phương, của kẻ địch để đánh phá nó, hoặc xoi mạnh vào “lỗ mối”, ngấm sâu vào những kẽ hở rất nhỏ của nó để làm cho nó vỡ nát. Nước lại còn dễ tính đến mức khi người ta rót nó vào chai, vào bầu thì nó ngoan ngoãn rập khuôn theo hình dạng của chai, của bầu, rót vào ấm cũng vậy. Đó không phải vì nó không có cá tính. Trái lại đó là khả năng thích ứng vô hạn, mà chính cái khả năng thích ứng đó là tính ưu việt, là bí quyết sinh tồn của dân tộc ta”.
Liên hệ với những ứng xử vô cùng khôn khéo, mềm mỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta có thể hiểu rõ: Sức sống của dân tộc là ở nền văn hiến. Sức mạnh của dân tộc là ở chỗ rất nhiều cá thể (không đẩy chủ nghĩa cá nhân tới mức cực đoan, tách khỏi gia đình, làng xóm, cộng đồng… như kiểu dân chủ phương Tây), rất nhiều sắc tộc, tín ngưỡng, ngành nghề, nơi cư trú… cố kết lại với nhau một cách mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt, lưu động, có thể chuyển động theo đường thẳng, đường vòng, đường gấp khúc… Khi đã có đủ tính mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt như nước thì sẽ có đủ sức nuôi dưỡng sự sống như nước, và khi đã lâm vào cảnh “tức nước vỡ bờ” tất sẽ công phá như nước. Mà sức công phá đó khi thành “cơn sóng thần” như những năm 1972-1975 thì… đế quốc Mỹ cũng bị bất ngờ! Tinh thần nhu đạo có căn cứ thực tiễn ngay trong tự nhiên: Mọi sinh vật trên đời kể từ động vật, thực vật… khi sống thì mềm mại, uyển chuyển, khi chết thì khô cứng. Bởi vậy mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt là biểu hiện của sự sống, còn khô cứng, bảo thủ là biểu hiện của cái chết.
Những năm tháng gần đây của đất nước, dù xét về kinh tế, chính trị, quân sự hay văn hóa – xã hội, đều không phải là những năm tháng phức tạp nhất trong lịch sử dân tộc. Chưa xét về trước, chỉ tính từ khi có Đảng lãnh đạo, Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng những đối sách mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt để giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác – có những thắng lợi trở nên thần kỳ, trở thành huyền thoại, là không ngoài các quy luật đó.
Mềm dẻo, thuyết phục, quy tụ không đồng nghĩa với yếu đuối; cứng rắn, đương đầu… cũng là sức mạnh, nhưng không phải là sức mạnh tổng hợp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Mềm mại thuyết phục hay cứng rắn đương đầu, trước hết phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Trong thời đấu tranh chống nhà Minh, Nguyễn Trãi đã từng viết: “Đạo trời ưa sống, lòng người ghét loạn. Thành hay bại, phúc hay họa chỉ trong khoảng trở bàn tay… Cậy vào đức thì sống, cậy vào sức thì chết… Đồ binh là thứ hung bạo, đánh nhau là việc nguy hiểm, thánh nhân bất đắc dĩ mới dùng đến. Còn việc dùng binh đến cùng, cậy vào vũ lực (cùng binh độc vũ) là điều mà xưa nay vẫn răn dạy”.
Là lực lượng ưu tú của dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thấm nhuần và càng phải thấm nhuần nhằm lãnh đạo nhân dân đúng tinh thần lập quốc theo nhu đạo, hợp với đặc tính mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt, lưu động như nước của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là một trong những nội dung bao trùm lên Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo QDND
Ý kiến ()