Tỉnh táo để không bị “sập bẫy” du lịch combo giá rẻ dịp nghỉ lễ
Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày khiến nhu cầu du lịch của người dân tăng cao. Đánh vào tâm lý của nhiều người muốn săn combo du lịch giá rẻ nên các đối tượng lừa đảo đã vẽ ra nhiều chiêu trò để dụ “con mồi”. Khi “con mồi” đồng ý mua gói dịch vụ combo giá rẻ, chúng sẽ yêu cầu họ chuyển trước tiền cọc rồi sau đó chặn số và lặn mất tăm.
Ham rẻ mất tiền oan
Thời buổi công nghệ 4.0 khiến việc đặt hàng online trở nên quá dễ dàng và tiện lợi. Tận dụng điều này, nhiều người cũng đã đặt vé, phòng khách sạn cho công ty, gia đình đi du lịch thông qua hình thức online. Và điều quan trọng, vì có nhiều “công ty du lịch” cạnh tranh nhau nên khách hàng thỏa sức lựa chọn những combo rẻ nhất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ rất có thể trở thành “con mồi” cho những kẻ lừa đảo.
Hiện nay, trên các mạng xã hội, không khó để tìm thấy những cộng đồng bán voucher, combo du lịch giá rẻ “giật mình” như: Hot deals voucher & combo tour toàn quốc; săn tour du lịch 5 sao giá rẻ; combo du lịch giá rẻ; Du lịch giá rẻ...
Để thu hút người mua, nhiều fanpage còn tung ra các gói khuyến mại như miễn phí bữa ăn sáng, hỗ trợ xe đưa đón tận sân bay. Tuy nhiên, bên cạnh các chương trình kích cầu du lịch được các đơn vị lữ hành uy tín đưa ra, thì không ít người đã “vỡ mộng” khi gặp phải những gói du lịch giá rẻ lừa đảo.
Sắp đến kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, chị Nguyễn Thị Oanh (ngõ 10, Đại Linh, Nam Từ Liêm, Hà Nội) lên mạng xã hội săn tour du lịch giá rẻ cho cả gia đình đi Sapa. Sau khi khảo sát, chị Oanh quyết định mua combo Sapa 3 ngày, 2 đêm trên một hội nhóm thanh lý voucher, bán tour du lịch với giá 10 triệu đồng dành cho 3 người, bao gồm bữa sáng.
Hí hửng vì đặt được tour du lịch giá rẻ nên mọi người trong gia đình chị Oanh ai cũng phấn khởi. Thế nhưng, khi gọi điện lên để check phòng khách sạn trên Sapa, chị Oanh tá hỏa khi người của khách sạn trả lời không có thông tin đặt phòng như chị nói. Ngay lúc đó chị Oanh gọi điện cho người bán tour cho mình nhưng không liên lạc được. Họ chặn từ số điện thoại, Zalo, Facebook của chị Oanh. Đến lúc này thì chị Oanh biết chắc mình bị lừa.
Tương tự, anh Lê Ngọc Thắng (chung cư Mipec Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) cũng bị lừa đảo khi mua voucher du thuyền Hạ Long 5 sao. Khi thấy thông tin quảng cáo “Chương trình khuyến mại du thuyền Hạ Long Ambassador 5 sao, 3 ngày 2 đêm với giá chỉ 1,999 triệu đồng/khách”, trong khi đó giá tour thường ngày trên du thuyền này có mức 7,9 triệu đồng/người.
Thấy giá tour quá rẻ anh đã đặt mua cho 9 thành viên, với tổng số tiền là 18 triệu đồng. Để giữ voucher cho chuyến đi vào dịp nghỉ lễ tới, nhân viên tư vấn yêu cầu anh Thắng phải chuyển khoản 50% để đặt cọc. Sau khi chuyển tiền, anh Thắng đã bị fanpage chặn tài khoản. Nghi ngờ bị lừa, anh liền liên hệ đến một đơn vị cung cấp loại hình tương tự thì được biết, không có đơn vị nào bán voucher với mức giá như trên. Email đã xác thực thanh toán cũng không còn phản hồi. Lúc này, anh Thắng mới biết mình đã mua phải voucher “ảo”.
Lựa chọn đi du lịch tại Singapore - Malaysia trong đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, anh Hoàng Văn Minh (TP. Hồ Chí Minh) đã tìm kiếm tour du lịch trong hội nhóm trên mạng xã hội có tên “Combo du lịch giá rẻ - Tour - Vé máy bay - Phòng khách sạn”.
Ngay sau khi đăng bài tìm kiếm, một tài khoản có tên Nguyễn Thu Thảo đã liên lạc và tư vấn tour du lịch cho anh Minh. Anh Minh cho biết: “Sau khi tư vấn hai vé của tour du lịch có giá 13.800.000 đồng cùng các thông tin như phòng ở, ăn uống, tham quan, tài khoản này đã xin phương thức liên lạc qua gmail, hộ chiếu, địa chỉ”.
Để tăng độ tin cậy, tài khoản này nói với anh Minh rằng sau khi cọc tiền họ sẽ chuyển hợp đồng đặt tour kèm hóa đơn đỏ. “Họ còn nói với tôi rằng tour này sát ngày nên thanh toán hết chứ không cọc. Nhưng sau khi tôi chuyển khoản, tài khoản này đã chặn mọi phương thức liên lạc và bốc hơi”.
Đau khổ nhất có lẽ phải kể đến trường hợp của bạn Lê Minh Tú, 20 tuổi (sinh viên Đại học Thủy Lợi). Biết kỳ nghỉ 30/4-1/5 này được nghỉ dài nên Tú và nhóm bạn thân của mình đã lên kế hoạch đi du lịch Đà Nẵng. Để có đủ tiền đi du lịch, Tú và các bạn của mình đã phải chi tiêu tiết kiệm và đi làm thêm trước đó vài tháng. Tú được các bạn tín nhiệm giao cho việc đặt vé, đặt phòng. Để săn được combo rẻ nhất, Tú đã phải lùng sục các hội nhóm, các trang mạng bán tour giá rẻ. Cuối cùng Tú chốt gói 3 triệu/ người bao gồm cả vé máy bay khứ hồi, khách sạn 4 ngày 3 đêm và ăn sáng miễn phí. Để cho chắc ăn, người bán vé tour yêu cầu Tú chuyển khoản trước 50%. Nghĩ đây là luật rồi nên Tú cũng không đắn đo gì mà gom tiền của các bạn để đặt cọc. Thế nhưng, chỉ 1 ngày sau khi đã chuyển khoản, Tú gọi người này để hỏi thêm một số thủ tục thì số điện thoại luôn trong tình trạng thuê bao.
Cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn gói du lịch
Với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng mạng xã hội, không ít người tiêu dùng vẫn tìm kiếm thông tin, tìm kiếm các tour du lịch, vé máy bay giá rẻ hay “săn” voucher giảm giá trên mạng. Lợi dụng việc này, nhiều cá nhân, tổ chức đã dùng các chiêu trò tinh vi, tung các thông tin “siêu giảm giá” 30-50% so với giá gốc để lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Ngày 12/10/2023, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Trần Hà Mi (27 tuổi, trú tại tỉnh Quảng Ninh); T.T.N (26 tuổi, trú tại tỉnh Lai Châu) và N.T.H (27 tuổi, trú tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo Cục Cảnh sát hình sự, kết quả điều tra ban đầu xác định, từ tháng 4 đến thời điểm bị bắt, các bị can trên đã thông qua ứng dụng Telegram, thỏa thuận với một nghi phạm có tên là “Sam” (chưa rõ nhân thân, lai lịch) để cùng nhau lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức quảng cáo đại lý nhận đặt tour du lịch, vé máy bay, phòng khách sạn tại các khu du lịch nghỉ dưỡng…
Theo thỏa thuận phân công nhiệm vụ, Sam sẽ cung cấp cho Mi, N và H các tài khoản Facebook có hàng nghìn người theo dõi để đăng bài quảng cáo bán tour du lịch, vé máy bay… Sam cũng cung cấp các tài khoản ngân hàng không chính chủ cho ba bị can để nhận tiền lừa đảo của các bị hại.
Sau khi có khách hàng liên hệ, nhóm nghi phạm sẽ dùng Facebook, Zalo để nhắn tin, thỏa thuận về số lượng phòng, số lượng vé máy bay, số tiền phải trả.
Đáng chú ý, các bị can còn lợi dụng chính sách trong thời gian 24 giờ không phải chuyển trả tiền để truy cập trang booking.com đặt phòng khách sạn và truy cập trang web của các hãng hàng không đặt vé máy bay. Sau khi có mã đặt phòng, mã đặt vé máy bay, nhóm này gửi cho khách hàng để tạo niềm tin và yêu cầu họ chuyển trả tiền đến các tài khoản ngân hàng không chính chủ rồi chiếm đoạt.
Sau các phi vụ lừa đảo thành công, nhóm nghi phạm sẽ chặn liên lạc bằng cách xóa kết bạn Facebook, Zalo với khách hàng, rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà họ đã chuyển trả mua tour du lịch. Cục Cảnh sát hình sự cho biết, với thủ đoạn như trên, các đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt tổng số tiền lên đến hàng tỉ đồng của nhiều bị hại trên phạm vi cả nước. Phần lớn là các khách hàng có nhu cầu mua tour du lịch, đặt phòng khách sạn tại các khu du lịch VIP.
Lý giải nguyên nhân khiến một số công ty lữ hành, khách sạn tung ra combo giá rẻ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ, combo du lịch giá rẻ là sự kết hợp của hai hay nhiều dịch vụ du lịch, phổ biến nhất là vận chuyển (vé máy bay) và lưu trú (khách sạn, resort). Giá của combo cũng thấp hơn tour vì dịch vụ hạn chế. “Tuy nhiên, khách hàng dễ bị người bán “bẫy” bằng những thông tin mập mờ nên khách hàng cần tỉnh táo, cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn”, ông Bình khuyến cáo.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), để tránh tiền mất tật mang khi mua combo giá rẻ, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng, vé máy bay của những công ty uy tín hoặc qua các ứng dụng du lịch. Đồng thời cần cảnh giác khi nhận được lời mời chào mua gói tour với mức giá quá rẻ so với giá chung của thị trường. Bên cạnh đó đặc biệt thận trọng khi đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, mà nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp để nắm rõ địa chỉ đối tác bán combo.
Đặc biệt, đối với các trang mạng xã hội (Fanpage) hoạt động mua bán, quảng bá các gói du lịch, vé máy bay giá rẻ, du khách nên chọn tải khoản đăng ký có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán. Sau khi đặt mua nên xác nhận lại thông tin đặt phòng, đặt vé máy bay để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) Hoàng Quốc Hòa cho rằng, để tránh bị sập bẫy lừa đảo thông qua hình thức “Combo du lịch giá rẻ”, khách hàng cần yêu cầu nơi bán gói du lịch cung cấp thông tin về địa chỉ, số điện thoại của khách sạn nơi đến.
Từ đó kiểm tra với khách sạn về chương trình ưu đãi với đối tác bán tour có hay không. Đồng thời kiểm tra đơn vị bán tour du lịch phải có định danh rõ ràng, bao gồm địa chỉ văn phòng, nơi giao dịch cụ thể. “Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam luôn cập nhật, công khai toàn bộ cơ sở dữ liệu chính thức, chính thống trên các nền tảng số. Du khách có thể tra cứu để xác thực, kiểm tra thông tin mà các đối tượng cung cấp có đúng hay không”, ông Hòa cho biết thêm.
Để tránh mua phải bombo lừa đảo dịp lễ, Bộ Công an khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, có thể đề nghị phái đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, chứng chỉ hành nghề của công ty lữ hành, du lịch. Đặc biệt chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền.
Ý kiến ()