Tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh quảng bá, kích cầu phát triển du lịch
Các sản phẩm được chú trọng quảng bá, phát triển như du lịch trải nghiệm tại Phong Nha-Kẻ Bàng, tìm hiểu văn hóa tộc người ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy; du lịch sinh thái suối Moọc…
Sau những ngày dài tạm “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Quảng Bình hiện là một trong những địa phương của cả nước tích cực chủ động bắt nhịp đón đầu xu hướng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đưa du lịch phục hồi, phát triển.
Đặc biệt, địa phương đang nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá, xúc tiến, kích cầu thu hút khách du lịch đến nghỉ dưỡng, khám phá về “Quảng Bình – điểm đến thiên nhiên an toàn và khác biệt.”
Quảng Bình hiện là một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, được tìm kiếm, lựa chọn nhiều nhất trên trang tìm kiếm của Google, các trang đặt phòng, diễn đàn du lịch (TripAdvisor), tạp chí du lịch. Quảng Bình còn là một trong 5 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam. Phong Nha-Kẻ Bàng tiếp tục là một trong 10 Vườn Quốc gia được yêu thích nhất châu Á và thế giới.
Năm 2022, Quảng Bình phấn đấu đón 2 triệu lượt khách đến địa phương và tổng thu từ khách du lịch là 2.250 tỷ đồng.
Để thu hút du khách, triển khai hiệu quả các biện pháp quảng bá, xúc tiến, phát triển du lịch, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần tập trung huy động nguồn lực xã hội hóa, triển khai hiệu quả chương trình, sự kiện văn hóa, du lịch của tỉnh trong năm 2022.
Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong tỉnh cần xây dựng, triển khai Chương trình kích cầu du lịch năm 2022 và dịch vụ hấp dẫn để thu hút khách; xây dựng văn hóa du lịch Quảng Bình, tạo ấn tượng với khách du lịch về sự thân thiện, an toàn, trung thực; đồng thời thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn cho du khách khi đến với Quảng Bình.
Thông qua việc truyền thông, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch Quảng Bình trên các nền tảng số, quảng bá trực quan, lồng ghép vào các sự kiện, hoạt động… sẽ góp phần rất lớn trong việc phục hồi và tăng trưởng hoạt động du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ bình thường mới.
Năm 2022, Quảng Bình xác định sẽ tập trung thị trường khách nội địa, đẩy mạnh khách du lịch trong tỉnh với Chương trình “Người Quảng Bình đi du lịch Quảng Bình” và “Mỗi người dân Quảng Bình là một hướng dẫn viên/một đại sứ du lịch.”
Trên cơ sở đó, thị trường trọng điểm hướng tới gồm Hà Nội và khu vực các tỉnh Đông Bắc Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương lân cận từ Thanh Hóa đến Quảng Nam; chú trọng thị trường tiềm năng là Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Thái Nguyên và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.
Để khai thác hiệu quả thị trường du lịch này, Sở Du lịch Quảng Bình cùng với các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp liên quan sẽ tập trung quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương, như sản phẩm trải nghiệm thiên nhiên, thiên đường thể thao, nghỉ dưỡng biển; các địa điểm du lịch văn hóa tâm linh hay du lịch nông nghiệp, cộng đồng… Đồng thời, Sở triển khai các chương trình kích cầu, ưu đãi giảm giá các dịch vụ cho du khách, nhất là người Quảng Bình; miễn phí tất cả các điểm tham quan trong chương trình City tour thành phố Đồng Hới.
Các sản phẩm du lịch được chú trọng quảng bá, phát triển như du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, hệ thống hang động nguyên sơ và kỳ vĩ, tìm hiểu văn hóa tộc người ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy; du lịch sinh thái suối Moọc, sông Chày-hang Tối, công viên Ozo Treetop Part; khám phá Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong… tập trung vào các thời điểm có lợi thế độc đáo như Tháng 3 – mùa hoa vàng anh bung nở, Sông Chày ngát xanh mùa hè rực nắng, Mát lạnh Phong Nha… để thu hút du khách đến trải nghiệm.
Tỉnh quảng bá các sản phẩm du lịch Wake up in Phong Nha, Sunset in Phong Nha với đa dạng các hoạt đông trải nghiệm như chạy bộ, đạp xe, đi thuyền quanh các làng quê, làng nghề khu vực Phong Nha, các hoạt động thể thao, giải trí dưới nước tại sông Chày và sông Son; lướt ván, dù lượn cao tốc, chèo SUP, teambuilding trên bờ biển tại các bãi biển Nhật Lệ-Bảo Ninh, Quang Phú, Quảng Thọ, Đá Nhảy, Hải Ninh, Ngư Thủy…
Ngoài ra, các sản phẩm du lịch trải nghiệm tại khu vực Nhà máy Điện gió B&T hay việc tham quan, check in ở những địa điểm, khu nghỉ dưỡng có kiến trúc độc đáo, ấn tượng, thưởng thức ẩm thực phong phú, tươi ngon … cũng hứa hẹn mang đến những điều thú vị, hấp dẫn cho du khách khi đến Quảng Bình.
Riêng với thị trường du lịch quốc tế, Quảng Bình sẽ chú trọng các thị trường có khả năng tăng trưởng nhanh, có nguồn khách lớn, có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày, như Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Bắc Á, Đông Âu.
Để đáp ứng nhu cầu du khách, tỉnh nâng cao chất lượng dịch vụ các các phẩm du lịch mạo hiểm, trải nghiệm thiên nhiên, khám phá hang động; phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp làm việc từ xa cho nhóm khách chi tiêu cao, xây dựng chương trình trọn gói du lịch nghỉ dưỡng kết hợp thể thao, giải trí, chăm sóc sức khỏe…
Song song với việc xây dựng, phát triển, quảng bá sản phẩm du lịch đặc trưng, mới lạ, ngành du lịch và các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương trong tỉnh cũng kết hợp với đặc sản địa phương OCOP cho khách du lịch khi đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả tình hình dịch COVID-19 và mở cửa đón khách quốc tế đã, đang mở ra nhiều cơ hội, tạo đà cho du lịch Quảng Bình nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung hồi sinh, cất cánh vươn ra biển lớn, phát triển mạnh mẽ hơn./.
Ý kiến ()