Tình quân dân trên địa bàn biên giới Kon Tum
Bộ đội Biên phòng Kon Tum hướng dẫn nhân dân kỹ thuật chăm sóc cây cao-su. Thực hiện chủ trương của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) về "xây dựng các mô hình điểm giúp nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh khu vực biên giới", Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Kon Tum đã xây dựng nhiều mô hình công tác dân vận tại địa bàn biên giới có hiệu quả như: Xây dựng "Làng no đủ - vững mạnh - an toàn"; "Đưa đảng viên về sinh hoạt với chi bộ địa bàn nơi đóng quân"; "Bộ đội Biên phòng kết nghĩa giúp hộ nghèo"...Hoạt động của cán bộ, chiến sĩ biên phòng thuộc các đội công tác cơ sở đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại các xã biên giới.Đại tá Đồng Ngọc Luân, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kon Tum cho biết: Tuyến biên giới do BĐBP tỉnh phụ trách là địa bàn của ba huyện ở 10 xã, chủ...
Bộ đội Biên phòng Kon Tum hướng dẫn nhân dân kỹ thuật chăm sóc cây cao-su. |
Hoạt động của cán bộ, chiến sĩ biên phòng thuộc các đội công tác cơ sở đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại các xã biên giới.
Đại tá Đồng Ngọc Luân, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kon Tum cho biết: Tuyến biên giới do BĐBP tỉnh phụ trách là địa bàn của ba huyện ở 10 xã, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí chưa cao, đời sống còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải đảm nhiệm vai trò vừa là thầy giáo, thầy thuốc vừa là cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, xóa đói, giảm nghèo… giúp bà con. Nhiều năm qua, BĐBP tỉnh đã giúp dân các xã biên giới xây dựng hàng trăm ngôi nhà Đại đoàn kết; xây dựng các mô hình trồng lúa nước, trồng bời lời, cao-su, nuôi bò sinh sản… Mô hình đưa đảng viên về sinh hoạt tại chi bộ thôn, làng đã đem lại hiệu quả thiết thực. Từ mô hình ban đầu ở Đồn Biên phòng Ja Pook, đưa sáu đảng viên về sinh hoạt tại các chi bộ thôn của xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, hiện nay BĐBP tỉnh đã đưa 33 đảng viên cùng sinh hoạt với chi bộ các thôn, làng. Các đảng viên đưa về sinh hoạt tại cơ sở đã tham mưu cho Đảng bộ xã, chi bộ thôn xây dựng nghị quyết lãnh đạo toàn diện của cả nhiệm kỳ, nghị quyết năm, nghị quyết chuyên đề hằng tháng sát, đúng với yêu cầu, thực tiễn của địa phương. Ngoài ra, còn tư vấn cho chi bộ xã và các tổ đảng trực thuộc xây dựng Nghị quyết về chế độ sinh hoạt Đảng; hướng dẫn các chi bộ tổ chức sinh hoạt, từ khâu xác định nội dung, cách thức duy trì, đến việc tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra của chi ủy. Mỗi khi có chỉ thị, nghị quyết mới của tổ chức đảng cấp trên, các đồn biên phòng đã phối hợp cùng cấp ủy xã tổ chức quán triệt tới đảng viên và nhân dân, đồng thời trực tiếp giúp đỡ quần chúng ưu tú để tạo nguồn phát triển Đảng. Nhờ vậy, hệ thống chính trị cơ sở 10 xã biên giới không ngừng được nâng lên về chất lượng.
Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh thực hiện chủ trương đổi mới và nâng cao chất lượng vận động quần chúng theo hướng “gần dân, sát dân và hiểu dân”. Trong đó, xây dựng mô hình “Phân công đảng viên đội công tác địa bàn, tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, làng” mục đích là để nắm chắc được chủ trương, đường lối của địa phương, từ đó kịp thời tham mưu cho lãnh đạo, chính quyền địa phương có những chủ trương sát đúng. Nhờ đó cán bộ chiến sĩ biên phòng gần gũi nhân dân, hiểu được tâm tư nguyện vọng của bà con, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, gắn trách nhiệm của từng đảng viên theo vị trí được phân công trong việc thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn.
Ở thôn Khúc Long, có hộ A Gun, 36 tuổi (gia đình có năm khẩu, hai vợ chồng và ba con nhỏ), vừa mới tách hộ ở riêng, nhưng A Gun lười lao động hay rượu chè say sưa, dù cả hai vợ chồng đều còn trẻ, có sức khỏe, có đất canh tác. Đồn Biên phòng 705 đã cử Đại úy Nguyễn Thành Nhân về kết nghĩa với A Gun. Đại úy Nhân đã hướng dẫn gia đình A Gun cách ăn ở, sinh hoạt sao cho hợp vệ sinh, thay đổi lối sống, cách làm ăn. Cùng với khoản vốn 300 nghìn đồng Đồn 705 hỗ trợ, Đại úy Nhân còn bỏ thêm tiền lương hơn một triệu đồng mua cho vợ chồng A Gun hai con lợn. Gần một năm sau, A Gun bán cặp lợn này được 2,5 triệu đồng, mua hai con lợn giống 1,5 triệu đồng, còn dư một triệu đồng. Tận dụng đất vườn và được sự hướng dẫn của Đại úy Nhân, vợ chồng A Gun đã trồng được hai vườn rau, hai giàn bầu bí, cải tạo rẫy trồng cao-su, bời lời và trồng gần bốn ha mì. Mừng vì A Gun tiến bộ, UBND xã Rờ Kơi cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 705 đã xây nhà Đại đoàn kết cho A Gun để giúp anh thoát nghèo bền vững và làm gương cho bà con noi theo… Cùng với A Gun, ở xã Rờ Kơi còn có A Uy, A Tường, A Phương… nhờ được sự giúp đỡ của BĐBP đã vươn lên thoát nghèo. Mặc dù đời sống nhân dân ở đây còn nhiều khó khăn, nhưng đều in đậm nghĩa tình ấm áp của BĐBP đối với người dân vùng biên giới.
Mô hình “Làng no đủ – vững mạnh – an toàn” đang được Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng điểm tại Đắc Ga, xã Đắc Nhoong, huyện Đác Glây. Từ một làng có tới hơn 40% số hộ đói nghèo, đường sá đi lại khó khăn, nhưng được sự giúp đỡ của BĐBP, làng Đắc Ga giờ đây đã đạt tiêu chí kiểu mẫu “làng sáu có, sáu không” của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên Kon Tum. Đó là, có nhà kiên cố; có nước sạch; có điện; có xe; có vô tuyến, đài; có trâu, bò và có đất sản xuất. Còn sáu không là: Không theo tà đạo; không để con em bỏ học; không còn hộ đói; không có người say rượu, nghiện ngập; không nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới sàn nhà và không tự ý phát rừng, đốt rẫy để sản xuất.
Theo Nhandan
Ý kiến ()