Thứ 6, 22/11/2024 22:53 [(GMT +7)]
Tình quân dân nơi biên giới
Chủ nhật, 15/05/2011 | 08:32:00 [(GMT +7)] A A
Cùng với làm tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiều năm nay, những người lính mang quân hàm xanh ở tỉnh Quảng Nam còn giúp bà con ở huyện Tây Giang và Cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam) xóa đói, giảm nghèo, vận động bà con nhân dân cùng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 657 giúp bà con Tà Riềng, xã La Dêê (huyện Nam Giang) làm cỏ lúa.
Rạng sáng, Trung tá Lê Văn Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra BĐBP Quảng Nam cho biết, hôm nay, đoàn chúng ta lên Đồn Biên phòng 649 (Đồn 649). Đồn này, đóng tại xã A Xan, huyện Tây Giang (Quảng Nam), nhưng phải chạy xe theo quốc lộ 1A, ra ngã tư Hòa Cầm (Đà Nẵng), rồi ngược lên hướng tây chừng gần 200 cây số. Đây là tuyến đường đã được đầu tư nâng cấp, thảm nhựa, nên bây giờ lên huyện miền núi Tây Giang thuận lợi hơn nhiều.
Nhớ cách đây bảy năm, khi mới tách huyện Hiên thành hai đơn vị hành chính là: Đông Giang và Tây Giang, đường sá đi lại quá khó khăn. Khu hành chính huyện mới Tây Giang chỉ cách thị trấn Prao, huyện Hiên (cũ) chừng 50 cây số, nhưng tuyến đường huyết mạch này chưa được nâng cấp, hễ mưa xuống là tắc đường… Giờ thì đường đã thông suốt, hàng hóa từ miền núi xuống đồng bằng và ngược lại được lưu thông thuận lợi.
Hôm chúng tôi lên biên giới, trời nắng, đường ráo, chỉ sau bảy giờ, đã đặt chân đến xã A Xan. Đồn trưởng 649 Trung tá Trần Đắc Đồng, bố trí cho chúng tôi theo anh em biên phòng đi thăm các mô hình trồng lúa nước, nuôi bò… của đồng bào nơi biên giới. Vừa vác máy ảnh ra khỏi đồn, trời đang nắng chang chang, bỗng xám xịt và một trận mưa ập đến. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, anh Đồng giải thích, ở vùng này mưa gió thất thường, anh em ở đây đã quen cảnh 'sáng nắng, chiều mưa' rồi. Mà hễ mưa xuống là đất dưới chân nhão ra, níu chân không đi được.
Đồn 649 được thành lập năm 1975, với tuyến biên giới dài hơn 20 cây số, thuộc địa bàn hai xã: A Xan và Tr'Hy; với tổng số 706 hộ, hơn ba nghìn dân sinh sống; trong đó, phần lớn là người dân tộc Cà Tu. Trước đây, đồng bào sống chủ yếu dựa vào rừng và làm lúa rẫy; một số nơi, bà con có làm lúa nước, nhưng năng suất rất thấp. Từ khi BĐBP phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con mở rộng diện tích trồng lúa nước và đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao vào sản xuất, cuộc sống người dân nơi đây dần dần ổn định.
Trên đường xuống thăm các hộ dân ở thôn K'noonh III, Thượng tá Dương Phúc Long, Chính trị viên Đồn 649 khoe: Cách đây mười năm, cuộc sống người dân còn khó khăn lắm, nhiều gia đình 'đứt bữa'. Nhưng đến giờ, nhiều hộ đã biết làm lúa nước, biết chăn nuôi gia cầm, gia súc và biết dùng lưới B40 rào vườn lại để nuôi bò. Đến nay, ông Alăng Bia (thôn K'noonh III), chị P'Loong Thị Grát (thôn Agíh) ở xã A Xan đã có đàn trâu, bò lên đến vài chục con. Sản xuất phát triển, nhiều gia đình đã làm được nhà ở, mua được ti-vi, xe máy. Hiện tại trên địa bàn đã có 75% số hộ sắm được xe máy, mua được ti- vi…
Dẫn chúng tôi men theo triền dốc vào thôn A Rầng III, Thượng tá Dương Phúc Long phấn khởi nói: Điều đáng mừng là đến nay, người dân ở đây không chỉ biết thay đổi tập quán canh tác mà còn biết tiếp thu cái mới, bỏ dần các tập tục lạc hậu trong cưới hỏi, ma chay. Trước đây, đồng bào sinh rất nhiều con, nhiều cặp vợ chồng sinh đến cả chục đứa con. Con đông, nhiều gia đình lo không nổi cái ăn, cái mặc… Nhưng khi anh em kiên trì tuyên truyền, vận động bà con đã ý thức dần về công tác sinh đẻ kế hoạch. Đến nay, Đồn đã thành lập được 11 câu lạc bộ không sinh con thứ ba, với 143 cặp vợ chồng tham gia. Chị CLâu Thị Hồng, Chủ nhiệm câu lạc bộ không sinh con thứ 3 thôn A Rầng III cho biết, câu lạc bộ của chị thành lập được ba năm, đến nay đã có 24 cặp vợ chồng tham gia và không sinh thêm con.
Bác sĩ Huỳnh Văn Ngọc, Trưởng Trạm Quân dân y kết hợp xã A Xan vui vẻ cho biết: Từ năm 2008 bà con nơi đây không còn mê tín cúng ma, khi có bệnh đã tìm đến Trạm Quân dân y khám, chữa bệnh. Nhiều ca bệnh hiểm nghèo đã được bác sĩ quân y cấp cứu kịp thời trước khi chuyển lên tuyến trên. Từ khi thành lập đến nay, trạm đã khám và điều trị cho hơn 11 nghìn lượt người bệnh; trong đó, có 186 ca cấp cứu. Được biết, ngoài việc chăm lo sức khỏe cho người dân trên địa bàn, trạm còn tiếp nhận, điều trị 193 lượt người bệnh từ nước bạn Lào chuyển sang…
Nói về nghĩa tình quân dân nơi biên giới, Bí thư Đảng ủy xã A Xan Pơ Long Đinh bộc bạch: Bà con ở đây được các chú BĐBP giúp đỡ nhiều lắm. Bộ đội không chỉ giúp địa phương trong việc vận động người dân định canh, định cư mà còn cử cán bộ về đồng bằng mua giống cây trồng, vật nuôi mang lên và trực tiếp hướng dẫn bà con phát triển sản xuất. Bộ đội vận động và cùng bà con trên địa bàn làm mới gần năm km kênh mương thủy lợi; khai hoang, phục hóa được 39,8 ha ruộng lúa nước; vận động bà con trồng hơn 100 ha quế, 50 ha cây công nghiệp… Ở thôn Agíh cuộc sống không chỉ no đủ, hằng năm bà con bán cho BĐBP và các trường học trên địa bàn gần mười tấn thóc…
Rời Đồn 649, chúng tôi tiếp tục hành trình đến Đồn Biên phòng 657. Nằm cách Đồn 649 về phía tây nam chừng 40 đến 50 cây số, nhưng do không có đường ô-tô đi dọc biên giới, nên xe phải ngược xuống thị trấn Prao (Đông Giang), vòng qua thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang) rồi theo quốc lộ 14D ngược lên biên giới, với chặng đường gần 200 cây số.
Thời tiết ở đây cũng giống bên Đồn 649. Mùa này, chiều cũng hay mưa. Khi chúng tôi đến, cơn mưa trái mùa vừa dứt, trời đã nhá nhem tối. Điều khác hơn là từ ngày có điện lưới quốc gia kéo về, nhất là khi Cửa khẩu Nam Giang được thành lập, cuộc sống người dân đổi thay nhiều hơn trước. Đồn 657 đóng chân tại xã La Dêê, nằm phía tây huyện Nam Giang và có tuyến biên giới tiếp giáp huyện Đắc Chưng (Lào) dài 27,5km; với hơn hai nghìn người dân sinh sống ở các thôn, bản dọc theo biên giới. Nơi đây hội tụ các dân tộc: Tàriềng, Ve, Cà Tu; trong đó, người dân tộc Tàriềng và Ve chiếm đến 95%.
Những năm đầu mới giải phóng, cuộc sống người dân ở khu vực biên giới thiếu thốn trăm bề. Tình trạng 'không đường, không trường, không trạm, không có điện…' khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Lãnh đạo địa phương và Đồn Biên phòng luôn trăn trở, coi việc đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng thế trận lòng dân. Phó Chính trị viên, kiêm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã La Dêê Trần Đăng Trọng khẳng định, khi đời sống người dân nơi đây ổn định thì mới thuận lợi vận động họ tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới. Vậy nên, để góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đơn vị đã gắn công tác vận động quần chúng với việc triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực.
Điển hình trong phong trào giúp dân sản xuất phải kể đến chương trình khai hoang, trồng lúa nước. Đến nay, Đồn đã chuyển giao kỹ thuật trồng lúa nước cho 117 hộ dân trên địa bàn, với diện tích hơn 108.000 m2 đất và đưa năng suất hằng năm từ 20 tạ/ha lên 35 đến 38 tạ/ha. Kế theo đó, Đồn 657 đã triển khai Dự án ngân hàng bò xuống tận các thôn, bản. Từ số vốn ban đầu 95 triệu đồng, đơn vị mua 46 con bò mẹ, cấp cho 38 hộ dân, nay đã sinh sản được 102 bê con… Nhờ triển khai có hiệu quả dự án ngân hàng bò và vận động bà con phát triển chăn nuôi, nên đàn bò trên địa bàn ngày càng tăng, nhiều hộ nuôi đến 20 con bò, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thăm gia đình ông BLúp Via ở thôn Đắc Ốôc (xã La Dêê), trong ngôi nhà mới bằng gỗ, lợp tôn khang trang, ông kể: 'Hồi tôi mới về hưu (năm 1982), cuộc sống bà con ở đây còn khó khăn lắm; tình trạng 'đứt bữa' xảy ra thường xuyên. Giờ cuộc sống người dân được cải thiện hơn trước; nhiều hộ đã làm được nhà ở, mua được ti-vi, xe máy… Gia đình ông BLúp Via, từ khi áp dụng các biện pháp thâm canh cây lúa nước, trồng cây công nghiệp và phát triển chăn nuôi theo hướng dẫn của BĐBP đã có 'cái ăn, cái để'. Mới đây, ông đã xây dựng được ngôi nhà trị giá gần 100 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng; anh em BĐBP giúp san ủi mặt bằng, làm gỗ, lợp nhà. Ông chỉ tay ra ngoài vườn và khoe: 'Nói các chú mừng, ngoài việc chu cấp cho bốn đứa con đi học, gia đình tôi còn đầu tư trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc. Tài sản gia đình hiện có 15 con bò, ba con heo nái và 800 cây lòn bon đang kỳ thu hoạch'.
Chia tay với cán bộ, chiến sĩ ở Đồn 657 và lãnh đạo địa phương, Chủ tịch UBND xã La Dêê BLúp Vớt khẳng định, các anh ở Đồn Biên phòng giúp địa phương chúng tôi nhiều lắm. Không chỉ giúp kết nạp đảng viên, xây dựng chi bộ ở các thôn; phát triển sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo, BĐBP còn chăm lo các đối tượng chính sách, xã hội. Đặc biệt, những năm qua, Đồn 657 đã đầu tư xây dựng mười nhà Đại đoàn kết và Nghĩa tình Trường Sơn tặng các gia đình khó khăn trên địa bàn. Đây là việc làm đầy nghĩa tình của người lính Cụ Hồ đối với người dân biên giới.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()