Tỉnh Lào Cai khơi thông "luồng xanh" cho vận tải hàng hóa
Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện vận tải hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cơ bản tại Lào Cai đã được cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh.”
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành công thương tỉnh Lào Cai đã chủ động có nhiều giải pháp đồng bộ nhằm duy trì tốt hoạt động thương mại trên địa bàn và tạo thuận lợi cho triển khai “luồng xanh” cho một số mặt hàng thiết yếu, xuất nhập khẩu nông sản qua địa bàn.
Triển khai “luồng xanh” vận tải
Theo ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, ngay sau khi Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo lập tuyến luồng xanh quốc gia, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải xây dựng tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp có phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và phương tiện vận tải nông sản của tỉnh đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố, chủ động đăng ký thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên các luồng xanh vận tải bằng hình thức trực tuyến.
Đến nay, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện vận tải hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cơ bản đã được cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh.”
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ 0h ngày 30/7, tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các ngành liên quan triển khai việc không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có giấy ưu tiên “luồng xanh” nhận diện có QR Code vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng trên tất cả các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị, trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định.
Ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, cho biết đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, từ tháng 5/2021, do diễn biến dịch bệnh có nhiều phức tạp nên phía Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát dịch COVID-19 lây lan thông qua phương tiện, hàng hóa.
Các lực lượng quản lý biên giới phía Trung Quốc đã thực hiện kiểm tra, khử trùng phòng dịch và áp dụng kiểm soát chặt chẽ đối với các mặt hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam như: thanh long, vải tươi… Do đó, thời gian thông quan hàng hóa chậm hơn rất nhiều so với trước đây.
Cùng với việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan ban hành văn bản hướng dẫn việc triển khai “luồng xanh” vận tải đối với một số mặt hàng thiết yếu và các phương tiện chở hàng nông sản xuất khẩu, ngành công thương đã chủ động tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai triển khai giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn hoạt động xuất khẩu nông sản như xây dựng phương án quản lý người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nguyên liệu sản xuất từ các địa phương có dịch đến cửa khẩu Lào Cai.
Ngoài ra, thường xuyên thông tin đến các tỉnh, thành phố có vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa về tình hình thông quan tại khu vực cửa khẩu; tình hình triển khai một số biện pháp quản lý hoạt động thông quan xuất nhập khẩu của phía Trung Quốc.
Cùng đó, khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch thu hoạch, sản xuất, kinh doanh và điều tiết lượng hàng lên cửa khẩu phù hợp nhằm tránh ùn ứ, ách tắc tại cửa khẩu hoặc có phương án tiêu thụ trong thị trường nội địa.
Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngành công thương Lào Cai còn phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã thường xuyên liên hệ trao đổi, hội đàm trực tuyến với các lực lượng chức năng phía Trung Quốc về hoạt động xuất nhập khẩu.
Song song đó, tổ chức phối hợp triển khai thực hiện kéo dài thời gian thông quan tại cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai, Việt Nam) – Bắc Sơn (Hà Khẩu, Trung Quốc); chủ động đề nghị thành lập đội lái xe chuyên trách của mỗi bên để thực hiện điều khiển phương tiện vận chuyển chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai.
Chủ động nguồn cung hàng hóa thiết yếu
Ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, cho hay trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành công thương đã đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp và chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thương mại như chợ, siêu thị, cửa hàng, nhà hàng.
Cùng với đó, Sở Công Thương tỉnh Lào Cai đã xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân. Hiện đã có 9/9 huyện, thị xã, thành phố ban hành phương án khai thác, dự trữ cung hàng hóa nhằm ứng phó với dịch bệnh COVID-19, phù hợp với thực tế tại mỗi địa phương.
Ngành công thương cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh phân phối những mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm xây dựng phương án khai thác, dự trữ hàng hóa phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong mọi tình huống của dịch bệnh.
Để chủ động phòng chống dịch và duy trì hoạt động thương mại, ngành công thương Lào Cai đã phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh tình hình thực hiện phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở hoạt động kinh doanh thương mại, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không chấp hành việc phòng, chống dịch bệnh.
Ngoài ra, chỉ đao các đơn vị quản lý chợ tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn; nhắc nhở tất cả người dân tham gia hoạt động mua bán tại các chợ chấp hành nghiêm túc việc giãn cách khi tiếp xúc và đeo khẩu trang tại các nơi công cộng.
Các đơn vị quản lý chợ kiên quyết từ chối không cho vào chợ đối với những người không chấp hành việc đeo khẩu trang; chấn chỉnh các điểm phục vụ ăn uống trong chợ có phục vụ khách ăn tại chỗ; tăng cường vệ sinh và thu gom rác thải tại các điểm kinh doanh sau mỗi ngày kinh doanh.
Bên cạnh đó, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền, khuyến cáo người dân không hoang mang, lo lắng mua tích trữ hàng hóa nhu yếu phẩm làm xáo trộn thị trường.
Ngành công thương Lào Cai cũng vận động tiểu thương tại các chợ hoặc các cửa hàng… tổ chức bán hàng theo hình thức giao hàng tại nhà thông qua đơn hàng đặt trước, thông báo rộng rãi hình thức bán hàng, số điện thoại và mặt hàng bán để người dân chủ động tham gia nhằm giãn cách các hoạt động mua bán trực tiếp trong thời điểm phòng chống dịch bệnh.
Đồng thời, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, tăng giá thu lợi bất chính./.
Ý kiến ()