Tình hình thiên tai diễn biến rất phức tạp
Theo báo cáo ngày 15/8 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Theo báo cáo nhanh ngày 14/8/2017 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 12 đến ngày 14/8/2017 trên địa bàn tỉnh có mưa lớn đã gây ngập lụt, sạt lở, chia cắt tại một số vị trí thuộc huyện Ba Chẽ và gây thiệt hại tại một số địa bàn, số liệu thống kê ban đầu như sau: Về người: có 1 người chết (Phạm Bích Diệp sinh năm 2006 do sáng 14/8 đi học về qua khu vực có cống thoát nước (không có nắp) thuộc phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long bị nước cuốn trôi xuống cống, đã tìm thấy thi thể). Về nhà: 24 nhà bị ảnh hưởng ngập lụt, sạt lở (huyện Ba Chẽ 19 nhà, Hoành Bồ 4 nhà, Cẩm Phả 1 nhà).
Về giao thông: 2 cầu bị nước lũ cuốn trôi, 1 cầu bị sập (huyện Ba Chẽ) và 30 điểm ngập lụt; trong đó: Ba Chẽ 20 điểm (tại 9 cầu tràn, 8 điểm tỉnh lộ 330, 1 điểm tỉnh lộ 329, 1 điểm cầu Bắc Tập, 1 điểm cầu Thác Hoen); Cẩm Phả 7 điểm (tại Km6, Km12 phường Quang Hanh, khu 8 phường Mông Dương, đoạn đường tràn tại thôn Đoàn Kết xã Dương Huy ngập cao 2m, tại tổ 8 khu 8, tổ 4 khu 13, tổ 1 khu 7); Hoành Bồ 1 điểm (tại thôn Phủ Liễn xã Đồng Sơn); Móng Cái 2 điểm (tại bến xe khách và phố 5/8 thuộc phường Ka Long)… Hiện tại còn một số vị trí ngập cục bộ. Tổng thiệt hại ước khoảng 40 tỷ đồng.
Ngay sau thiên tai, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thành lập 3 Đoàn công tác xuống các địa bàn để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả; bố trí phương tiện, máy móc, nhân lực xử lý các điểm ách tắc giao thông; cử người canh gác tại các vị trí bị chia cắt, đồng thời kiểm tra toàn bộ hệ thống đường bộ để có giải pháp xử lý.
Về sự cố đê điều, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, qua công tác kiểm tra đã phát hiện 4 lỗ rò nước qua đê La Giang từ phía đồng sang phía sông tại K1 480, K1 520, K1 600, K1 730. Các lỗ chảy thành dòng từ thân đê ra phía sông mang theo hạt đất, cát; tại mái đê khu vực vị trí có lỗ dò đã xuất hiện tình trạng lún, sụt cục bộ. Tổng cục Thủy lợi đã cử đoàn công tác đến kiểm tra và hướng dẫn biện pháp xử lý giờ đầu.
Do ảnh hưởng của vùng xoáy thấp phát triển nên ở Bắc Bộ đã có mưa rào và dông diện rộng. Dự báo, từ ngày 15/8 đến 17/8 các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông. Riêng các tỉnh vùng núi, trung du có mưa to đến rất to, thời gian mưa lớn tập trung về đêm và sáng. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Do mưa lớn, cảnh báo trên thượng lưu sông Hồng có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1,5-3,5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng đạt mức báo động 1 đến báo động 2; sạt lở đất và lũ quét trên các sông suối nhỏ có khả năng xảy ra tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các huyện: Lai Châu: Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ, Than Uyên, Nậm Nhùn, Tam Đường, Tân Uyên; Sơn La: Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Bắc Yên, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Sốp Cộp, Vân Hồ; Điện Biên: Mường Nhé, thị xã Mường Lay, Tủa Chùa, Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Nậm Pô, Mường Chà;Lào Cai: Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn, Mường Khương, Bảo Thắng, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bảo Yên; Hà Giang: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc, Đồng Văn, Bắc Mê, Bắc Quang, Vị Xuyên;Tuyên Quang: Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên;Yên Bái: Yên Bình, Mù Cang Chải, Trấn Yên, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên;Cao Bằng: Bảo Lạc, Thông Nông, Hà Quảng, Nguyên Bình;Bắc Cạn: Ba Bể, Ngân Sơn, Chợ Đồn;Lạng Sơn: Bắc Sơn, Bình Gia, Hữu Lũng, Lộc Bình và Đình Lập;Quảng Ninh: Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.
Về tình hình điều hành liên hồ chứa lưu vực sông Hồng: Hiện nay, hồ Thủy điện Hòa Bình mở 1 cửa xả đáy; các hồ: Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà đóng tất cả các cửa xả đáy. Có 3/6 đơn vị tư vấn đề xuất mở 1 cửa xả đáy hồ Sơn La; 5/6 đơn vị đề xuất mở thêm 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình; riêng Viện Quy hoạch Thủy lợi đề xuất phương án giữ nguyên hiện trạng.
Về công tác chỉ đạo ứng phó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có Công văn số 91/TWPCTT ngày 14/8 gửi Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương tăng cường công tác thông tin truyền thông phục vụ phòng, chống thiên tai.
Các Bộ, ngành nghiêm túc triển khai nội dung Công điện số 36/CĐ-TW ngày 13/8/2017 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai. Trong đó các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công an, Y tế, Giao thông vận tải đã có Công điện chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc, thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng các phương án ứng phó.
Tổng cục Thủy lợi có Công điện số 09/CĐ-TCTL-CTTL ngày 14/8/2017 chỉ đạo việc đảm bảo an toàn hồ chứa thủy lợi và đề phòng ngập úng ở khu vực Bắc Bộ.
Cục Cứu hộ cứu nạn đã có điện gửi Bộ đội biên phòng, các quân khu 1,2, 3, 7, 9 chỉ đạo sẵn sàng lực lượng phương tiện; chủ động phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát những điểm xung yếu, chuẩn bị sơ tán dân, thu hoạch mùa màng.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường đưa tin về tình hình mưa lũ.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai trực ban 24/24h, thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, mưa lũ, đôn đốc các địa phương sẵn sàng các phương án ứng phó.
Các tỉnh phía Bắc triển khai thực hiện Công điện 36/CĐ-TW, trong đó: Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Quảng Ninh, Hà Nội, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu đã có công điện, văn bản chỉ đạo các các địa phương, thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sẵn sàng ứng phó với diễn biến mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho dân. Cao Bằng đã thực hiện rà soát, cảnh báo cho 148 hộ trong vùng nguy cơ sạt lở đất, lũ quét chủ động phương án sơ tán khi có tình huống nguy hiểm.
Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai Công điện số 37/CĐ-TW, trong đó các tỉnh: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Vĩnh Long đã tổ chức các đoàn xuống các khu vực xung yếu kiểm tra tình hình sản xuất và công tác gia cố các tuyến đê bao, bờ bao xung yếu, sẵn sàng ứng phó với diễn biến lũ.
Dự báo, mưa lũ ở các tỉnh Bắc Bộ và lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long còn diễn biến phức tạp. Các Bộ, ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc nội dung các Công điện số 36/CĐ-TW và số 37/CĐ-TW ngày 13/8/2017, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, phương án chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lũ để giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản. Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thời lượng đưa tin về diễn biến mưa lũ và công tác ứng phó./.
Theo Nhandan
Ý kiến ()