Tình hình thiên tai diễn biến phức tạp
Theo báo cáo nhanh ngày 12/10 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, dự báo ngày 12/10, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định có mưa, có nơi mưa vừa; riêng các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông.
Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: cấp 1.
Từ nay đến ngày 13/10, trên các sông ở Quảng Bình đến Quảng Ngãi khả năng xuất hiện lũ nhỏ, biên độ lũ lên trên các sông từ 1-3m. Nguy cơ xảy ra sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp tại các tỉnh trên.
Về tình hình lũ trên sông Cửu Long, mực nước sông Cửu Long và hạ lưu sông Sài Gòn đang xuống. Mực nước lúc 07h00 ngày 12/10, trên sông Tiền tại Tân Châu 3,25m (dưới báo động 1 là 0,25m); trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,05m (trên báo động 1 là 0,05m).
Dự báo, mực nước sông Cửu Long, sông Sài Gòn tiếp tục xuống. Đến ngày 15/10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 3,20m (dưới báo động 1 là 0,30m); tại Châu Đốc ở mức 3,10m (trên báo động 1 là 0,10m), tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long, sông Sài Gòn xuống mức báo động 1 – báo động 2.
Về tình hình thiệt hại do thiên tai, theo báo nhanh số 50/BC-PCTT&TKCN ngày 11/10/2018 của văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, thiệt hại do triều cường tính đến ngày 11/10/2018 như sau: Ngập (từ 0,1 – 0,3m): Diện tích vườn cây ăn trái: 1.555,9ha; diện tích rau, màu: 140,6ha (trong đó thiệt hại trên 30% là 25,3ha); 4.452 căn nhà; 20 điểm trường học; 15 chợ; 160 chuồng trại; 12.000m tỉnh lộ, 106.135m đường giao thông nông thôn. Đường giao thông nông thôn bị hư hỏng 75m. Bờ bao: Bị tràn 191 tuyến (dài 182.340m), vỡ 49 tuyến (dài 2.511m). Đập: Bị tràn 60 đập (dài 1.159m), vỡ 34 đập tạm (dài 327m). Ngập, tràn 4,2ha ao cá gây thiệt hại khoảng 46,05 tấn cá các loại.
Tại tỉnh Bến Tre, theo báo cáo nhanh số 70/BC-PCTT ngày 11/10/2018 của văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre. Thiệt hại tính đến 13 giờ ngày 11/10/2018, cụ thể như sau: Đê bao bị tràn, sạt lở 17 điểm, tổng chiều dài 420m. Đường giao thông nông thôn bị ngập, hư hỏng: 01 điểm với chiều dài 259m.
Tại tỉnh Bình Dương, theo báo cáo nhanh số 558/BC-PCTT ngày 11/10/2018 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương, do triều cường dâng cao đã làm sạt lở 10m bờ rạch; ngập 14ha đất và 270m đường giao thông nông thôn (ngập sâu 0,2-0,5m).
Để ứng phó với thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lớn tại Trung Bộ và lũ trên sông Cửu Long. Chuyển các bản tin tới Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố để chủ động các biện pháp ứng phó. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Trong đó, các tỉnh Quảng Trị, Bến Tre đã có văn bản đề nghị các Sở, ban, ngành và các địa phương chủ động triển khai ứng phó với thiên tai.
Các tỉnh Trung Trung Bộ tiếp tục tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu khi có mưa lớn để kịp thời cảnh báo, sơ tán người dân, đảm bảo an toàn; tổ chức lực lượng theo dõi.
Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ, triều cường để chủ động các biện pháp ứng phó. Thường xuyên theo dõi, đảm bảo an toàn hệ thống đê bao, bờ bao và sẵn sàng phương án xử lý sự cố giờ đầu. Tổ chức tuần tra, phát hiện các sự cố sạt lở bờ sông, kênh rạch để cảnh báo, sơ tán người dân kịp thời; tổ chức rà soát, thống kê, tổng hợp số liệu thiệt hại.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24h/24h, thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()