Tình hình sạt lở diễn biến nghiêm trọng ở ĐBSCL
Đoạn sạt lở đặc biệt nghiêm trọng bờ biển tại khu vực cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. |
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, việc sạt lở, bồi lắng các sông theo quy luật tự nhiên chung và tạo sự cân bằng tương đối. Sạt lở các sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long thường lớn hơn so với các khu vực khác do địa hình, địa mạo, địa chất…, trong đó nhiều khu vực sạt lở lớn như thị xã Tân Châu, thành phố Long Xuyên (An Giang); thị xã Hồng Ngự; thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp); thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long).
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết từ năm 2010 đến nay, sạt lở diễn biến nhanh, ngày càng phức tạp, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có 562 điểm sạt/786km (sạt lở bờ sông là 513 điểm/520km, xói lở bờ biển là 49 điểm/266km), đặc biệt có 55 điểm đặc biệt nguy hiểm/173km (bờ sông 35 điểm/74km, bờ biển 20 điểm/98km); 140 điểm nguy hiểm/97km; 367 điểm bình thường/516km.
Về nguyên nhân và tác động gây sạt lở, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho rằng, việc xây dựng các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn, trên dòng chính sông Mekong, dẫn đến lượng phù sa, bùn cát về đồng bằng suy giảm nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, nguyên nhân còn do tình trạng khai thác cát quá mức, việc triển khai các dự án nạo vét luồng lạch giao thông; sự gia tăng dân số kéo theo việc xây dựng công trình hạ tầng, nhà cửa ven sông, ven biển gia tăng.
Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra xói mòn, sạt lở, ngập. Theo quan trắc về nước biển dâng, tại trạm Thổ Chu là 5,28 mm/năm (1995-2014), trạm Phú Quốc là 3,40 mm/năm (1986-2014). Dự báo, cuối thế kỷ XXI, nước biển dâng 1m, như vậy 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển trong cả nước, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ năm 2011 đến nay, Nhà nước đã đầu tư hơn 11.185 tỷ đồng (95 dự án), trong đó đã đầu tư 3.778 tỷ đồng và đang tiếp tục đầu tư 2.977 tỷ đồng (71 dự án); giai đoạn 2016-2020 đầu tư 4.439 tỷ đồng (24 dự án).
Quyết liệt vào cuộc, không để “mất bò mới lo làm chuồng”
Trước diễn biến phức tạp của tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án bảo vệ bờ biển, củng cố hệ thống đê điều, phòng chống xói lở bờ biển; tập trung đầu tư, xử lý ngay những đoạn sạt lở nghiêm trọng; xây dựng quy hoạch chỉnh trị sông gắn với quy hoạch sử dụng đất ven sông, theo hướng dành không gian thoát lũ; xây dựng công trình giao thông kết hợp với đê điều; bố trí, sắp xếp dân cư ven sông, kênh, rạch kết hợp xây dựng nông thôn mới.
Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí chiến lược quan trọng với hơn 20 triệu dân sinh sống và là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Trong đó, tình hình sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển đe dọa trực tiếp an toàn nhiều khu dân cư, công trình hạ tầng ven sông, ven biển.
Làm việc với lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Phải bảo đảm an toàn tính mạng, giữ đất, giữ người, tránh tình trạng ‘mất bò mới lo làm chuồng,’ không để sạt lở gần hết mới đi tìm các nguồn lực giải quyết, không để tiếp tục sạt lở ở những điểm nghiêm trọng.”
Theo Thông báo số 185/TB-CP ngày 18/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 cho Đồng bằng sông Cửu Long và đồng ý chủ trương bổ sung 1.000 tỷ đồng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020; đồng thời giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đề xuất danh mục, mức hỗ trợ.
Thực hiện chỉ đạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương và các cơ quan nghiên cứu khoa học phối hợp với Đại học Delft (Hà Lan), Đại học Tohoku (Nhật Bản), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ)… nghiên cứu về vùng ven bờ; nghiên cứu khu vực Gò Công Đông (Tiền Giang); bờ biển Tây (Cà Mau); xây dựng Kế hoạch bảo vệ tổng hợp vùng bờ và phục hồi rừng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()