Tình hình khiếu nại, tố cáo: Chủ yếu ở lĩnh vực đất đai, xu hướng gia tăng tranh chấp kinh tế
Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phát sinh chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai và việc thực hiện thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án…
Sáng 13-9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 15, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021″.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: VPQH |
Khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến quản lý đất đai
Báo cáo tại phiên họp về nội dung này, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, Phó trưởng đoàn giám sát cho biết, giai đoạn từ ngày 1-7-2016 đến 1-7-2021, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là một số vụ việc thuộc danh sách rà soát; vụ việc đã được đoàn giám sát xem xét, có ý kiến cụ thể. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đã được coi trọng và tăng cường, nhất là trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, môi trường…
Đáng chú ý, công tác phát hiện, xử lý hành vi sai phạm, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” thể hiện qua những “con số biết nói”. Số địa phương không phát hiện, khởi tố vụ án tham nhũng mới hằng năm có xu hướng giảm dần.
Riêng năm 2021, đã có 100% các địa phương đã khởi tố các vụ án mới về tham nhũng. Một số địa phương phát hiện, khởi tố vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn như: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang, Thái Nguyên…
“Số vụ việc tố cáo đúng và đúng một phần chiếm 31% trong tổng số vụ việc tố cáo cho thấy việc công dân, tổ chức tố cáo có yếu tố đúng còn khá lớn, chất lượng công tác quản lý hành chính nhà nước các cấp còn nhiều bất cập, để xảy ra nhiều sai phạm, làm gia tăng tình hình khiếu nại, tố cáo”, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nhận định.
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo kết quả giám sát. Ảnh: VPQH |
Tuy nhiên, theo Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội thì tình hình khiếu nại, tố cáo cũng diễn biến phức tạp.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực hành chính, đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phát sinh chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai và việc thực hiện thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án (chiếm trên 69,5%); các kiến nghị, phản ánh, tranh chấp liên quan đến việc quản lý, vận hành nhà chung cư thương mại có xu hướng gia tăng và phát sinh nhiều vụ việc phức tạp.
Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây có phát sinh thêm các vụ việc đông người, phức tạp liên quan đến lĩnh vực môi trường, nhất là đối với việc thực hiện dự án công viên nghĩa trang, khu xử lý rác thải tập trung, các cơ sở chăn nuôi tập trung, hoạt động của một số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường khu dân cư…
Cùng với đó, số lượng vụ án tranh chấp dân sự (chủ yếu liên quan đến tranh chấp đất đai trong nội bộ nhân dân), tranh chấp kinh tế (chủ yếu trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng) có xu hướng gia tăng, nhất là các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội…
Có nơi bố trí cán bộ nghỉ hưu làm theo hợp đồng để tiếp công dân
Riêng về công tác tiếp công dân, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tổ chức tiếp công dân, đối thoại với dân, thiếu quyết liệt, công tâm, khách quan trong giải quyết, dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm, trở thành vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu các cấp vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ theo quy định của luật.
Theo thống kê cho thấy, tiếp công dân của người đứng đầu cấp xã ít, cấp huyện có nhiều hơn, cấp tỉnh không cao, cấp bộ thì thấp. Việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu chủ yếu ủy quyền cho cấp phó. Việc thực hiện tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp chưa bảo đảm so với quy định của luật (tỷ lệ bình quân bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp đạt 38%, chủ tịch tỉnh đạt 56%, chủ tịch huyện đạt 94%, chủ tịch xã đạt 49% so với quy định). Thủ trưởng một số cơ quan còn ủy quyền hoặc giao cho cấp phó tiếp thay còn khá phổ biến.
Đặc biệt, vẫn còn tình trạng bố trí cán bộ làm công tác tiếp dân chưa đúng quy định, có nơi do thiếu cán bộ đã bố trí cán bộ nghỉ hưu làm theo hợp đồng để tiếp công dân…
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH |
Từ thực tế trên, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, nhất là đối với trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, linh hoạt trong phương thức tổ chức tiếp công dân định kỳ nhằm phát huy tối đa hiệu quả tiếp công dân gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực quản lý về đất đai, môi trường; về quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, quản lý đô thị và quản lý, vận hành chung cư; việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, khu kinh tế… và một số vấn đề mới nảy sinh được dư luận và nhân dân quan tâm, nhằm hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu nại, tố cáo…
Ý kiến ()