Tình hình dịch COVID-19 sáng 12/12: Thế giới có hơn 71 triệu ca mắc
Nước Mỹ chiếm hơn 1/4 số ca nhiễm (16.290.213 ca) và hơn 1/5 số ca tử vong (302.727 ca). Ấn Độ đứng thứ hai sau Mỹ về số ca nhiễm (hơn 9,8 triệu ca), Brazil đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong.
Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Amazonas, Brazil, ngày 10/12/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h00 sáng 12/12 theo giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận hơn 71 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 1,6 triệu ca tử vong.
Riêng nước Mỹ chiếm hơn 1/4 số ca nhiễm (16.290.213 ca) và hơn 1/5 số ca tử vong (302.727 ca). Ấn Độ đứng thứ hai sau Mỹ về số ca nhiễm (hơn 9,8 triệu ca) nhưng Brazil đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong (hơn 180.000 ca).
Bộ An ninh nội địa Mỹ ngày 11/12 thông báo biên giới trên bộ của Mỹ với Canada và Mexico sẽ tiếp tục đóng đối với hoạt động đi lại không cần thiết, ít nhất cho tới ngày 21/1/2021, do số ca nhiễm tăng đột biến trên cả nước.
Quyết định trên đồng nghĩa chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ quyết định thời điểm nào dỡ bỏ những hạn chế về đi lại tại biên giới với hai nước, vốn đã được áp đặt từ hồi tháng 3 nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Châu Âu hiện là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với tổng cộng 19.458.976 ca nhiễm và 449.999 ca tử vong. Trong đó, Nga và Pháp đều đã ghi nhận hơn 2,3 triệu ca nhiễm. Anh ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (63.506 ca), tiếp theo là Italy với 63.387 ca. Tại các nước Anh, Italy, Tây Ban Nha, Đức và Ba Lan, số ca nhiễm đều đã vượt 1,1 triệu.
Châu Á bị ảnh hưởng nhiều thứ hai thế giới, với tổng cộng 18.871.893 ca nhiễm và 309.367 ca tử vong. Sau Ấn Độ có số ca nhiễm và tử vong cao nhất châu lục, Iran ghi nhận số ca tử vong cao thứ hai với 51.727 ca.
Các nước Iraq, Bangladesh, Philippines, Pakistan đã ghi nhận trên 430.000 ca nhiễm, Indonessia có 605.243 ca.
Đáng lưu ý, Hàn Quốc ghi nhận thêm 950 ca nhiễm mới, lần đầu tiên vượt mức đỉnh dịch 909 ca ghi nhận ngày 29/2. Số người tử vong do COVID-19 ở nước này đến nay là 578 người.
Khu vực Bắc Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 18.816.884 ca nhiễm, tiếp theo là khu vực Nam Mỹ có 11.860.809 ca nhiễm và 338.217 ca tử vong. Brazil, Argentina và Colombia đều đã ghi nhận trên 1,4 triệu ca nhiễm, trong đó số ca tử vong ở Argentina là 40.606 ca và ở Colombia là 38.669 ca.
Tại châu Phi, với 845.083 ca nhiễm và 22.956 ca tử vong, Nam Phi đã vượt xa nước chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai ở châu lục này là Maroc (394.564 ca nhiễm và 6.542 ca tử vong). Ai Cập có 120.611 ca nhiễm, ít hơn ở Maroc nhưng số ca tử vong nhiều hơn (6.877 ca).
Châu Đại Dương ít bị ảnh hưởng nhất, tuy nhiên trong 24 giờ qua vẫn ghi nhận các ca nhiễm mới tại Australia, New Zealdand, Papu New Guinea…
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng bên ngoài một cửa hàng ở Munich, Đức, ngày 11/12/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/12 cho biết gần 1 tỷ liều vắcxin tiềm năng phòng COVID-19 đã được đảm bảo theo chương trình COVAX nhằm cung cấp vắcxin cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, hiện 189 quốc gia đã tham gia chương trình COVAX. WHO dự kiến trong những tuần tới sẽ đưa ra các quyết định có cấp phép cho sử dụng khẩn cấp đối với các loại vắcxin phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer, Moderna và AstraZeneca hay không.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi cần có giải pháp rõ ràng hơn để ứng phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Theo ông, nhiều nước, nhiều khu vực, thậm chí cả các thành phố vẫn còn cạnh tranh với nhau để giành những nguồn hàng thiết yếu và các chuyên gia trợ giúp tuyến đầu.
Ông Guterres nhấn mạnh không thể để tình trạng tương tự xảy ra khi phân phối các loại vắcxin phòng COVID-19 trong thời gian tới./.
Ý kiến ()