Tình hình dịch bệnh sáng 28/2: Thế giới có trên 114,3 triệu ca mắc
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với 29.202.824 ca mắc và 524.669 ca tử vong, tiếp đến là Ấn Độ với 11.096.440 ca mắc và 157.087 ca tử vong.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 ngày 28/2 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có 114.365.592 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 2.536.703 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi là 89.920.889 ca.
Trong 24 giờ qua, tốc độ lây nhiễm COVID-19 trên toàn cầu tiếp tục có xu hướng giảm và thứ tự các nước ghi nhận nhiều ca mắc bệnh nhất không thay đổi.
Theo đó, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với 29.202.824 ca mắc và 524.669 ca tử vong, tiếp đến là Ấn Độ với 11.096.440 ca mắc và 157.087 ca tử vong.
Sau Ấn Độ là Brazil với 10.517.232 ca mắc và 254.263 ca tử vong. Theo Bộ Y tế Brazil, nước này trong ngày 27/2 có thêm 61.602 ca mắc COVID-19 và 1.386 ca tử vong.
Đây là ngày thứ 5 liên tiếp Brazil ghi nhận số ca mắc ở mức trên 60.000 ca và số ca tử vong trên 1.300 ca. Quốc gia Nam Mỹ này đang trong làn sóng dịch bệnh thứ hai kể từ tháng 11/2020 và tỷ lệ lây nhiễm chưa có dấu hiệu giảm.
Xếp vị trí thứ 4 là Nga với 4.234.720 ca mắc và 85.743 ca tử vong, tiếp sau là Anh với 4.170.519 ca mắc và 122.705 ca tử vong.
Tại châu Âu, một nhà tù ở Bỉ đã bị phong tỏa sau khi hơn 50% trong số 132 tù nhân giam giữ tại đây có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Ngoài ra, khoảng 60 trong số 115 nhân viên tại nhà tù Namur, phía Đông Nam của Bỉ, cũng bị nhiễm bệnh kể từ khi trường hợp đầu tiên được phát hiện vào đầu tuần trước.
Hiện tại, một tù nhân đang trong tình trạng sức khỏe rất nghiêm trọng và phải nhập viện điều trị. Các sản phẩm diệt khuẩn được phân phát cho phạm nhân và họ vẫn được phục vụ một bữa ăn nóng mỗi ngày nhưng không được phép đi dạo, không có người thăm viếng và không được dùng phòng tắm.
Biến thể dễ lây lan của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Anh hiện liên quan đến phần lớn ca mắc COVID-19 ở Bỉ. Trước tình hình này, nhà chức trách đã kêu gọi người dân “hết sức thận trọng” trước dấu hiệu bùng phát trở lại của dịch bệnh.
Tại khu vực Trung Đông, Thủ tướng Palestine Mohammed Ishtaye ngày 27/2 thông báo gia hạn các biện pháp phòng dịch COVID-19 thêm 12 ngày. Phát biểu họp báo tại thành phố Ramallah ở Bờ Tây, ông Ishtaye cho biết các biện pháp mới sẽ có hiệu lực trong 12 ngày, kể từ ngày 28/2, nhằm hạn chế sự gia tăng các ca mắc COVID-19 tại các vùng lãnh thổ của Palestine.
Ông nêu rõ: “Một đợt phong tỏa toàn bộ sẽ được áp đặt ở Bờ Tây vào ngày 27/2, trong đó cấm toàn bộ các loại phương tiện di chuyển.”
Cũng theo Thủ tướng Ishtaye, toàn bộ trường mẫu giáo, cũng như các trường công và tư thục sẽ đóng cửa thêm 12 ngày, trừ trường trung học cơ sở. Các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề và các trung tâm đào tạo cũng chưa được phép mở cửa lại.
Chính quyền chỉ cho phép nhân viên hành chính của các cơ quan này được đến công sở. Ông nêu rõ biện pháp hạn chế đi lại được áp dụng từ 7h-18h hằng ngày, trong khi các cửa hàng và cửa hiệu vẫn phải đóng cửa, trừ hiệu bánh và hiệu thuốc.”
Liên quan tới cuộc chiến chống vắcxin, Đức đang cân nhắc sửa đổi khuyến nghị tiêm vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca cho những người dưới 65 tuổi.
Giới chức Đức đánh giá với những dữ liệu mới, trong đó có kết quả nghiên cứu hết sức khả quan tại Scotland, thì loại vắcxin này đã cho thấy hiệu quả rất tốt và có thể được xem xét tiêm chủng cho nhóm người trên 65 tuổi.
Trong khi đó, tại Nga, Phó Thị trưởng Moskva phụ trách phát triển xã hội, bà Anastasia Rakova, ngày 27/2 cho biết tại thủ đô nước Nga đã bắt đầu tiêm chủng cho những người đầu tiên tham gia thử nghiệm vắcxin 1 liều ngừa COVID-19 có tên“Sputnik Light.”
Bất kỳ ai trên 18 tuổi đều có thể tình nguyện tham gia, miễn là họ chưa nhiễm COVID-19, chưa tiêm chủng trong vòng một tháng, không có kháng thể với SARS-CoV-2 và các phản ứng dị ứng nghiêm trọng hoặc cấp.
Những người mắc các bệnh mãn tính nặng không được khuyến khích tham gia thử nghiệm và phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không được tham gia.
Theo bà Rakova, loại vắcxin này sẽ được dùng cho người trẻ, từ 18-30 tuổi, và “Sputnik Lite kết hợp với Sputnik V sẽ mang lại nhiều cơ hội tiêm chủng hơn.”
Ngoài ra, thủ đô Moskva đang có kế hoạch nghiên cứu dạng vắcxin nhỏ mũi. Trung tâm mang tên Gamaleya đang chuẩn bị hồ sơ để xin phép Bộ Y tế Nga, dự kiến hình thức chủng ngừa này sẽ phù hợp cho những người chống chỉ định tiêm./.
Ý kiến ()